“Cơn ác mộng đa cấp đang hoành hành và khó kiểm soát ở làng quê”

03/10/2016 21:02 PM | Xã hội

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã nói như vậy và đề nghị giữ lại quy định về hành vi cấm kinh doanh đa cấp bất chính ở Điều 292, khi cho ý kiến về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 3.10.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292).

Chính phủ cho rằng, hiện nay kinh doanh trên mạng đang là một hướng phát triển có tiềm năng và ngày càng có nhiều người tham gia. Vì vậy, pháp luật cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển lĩnh vực kinh doanh này. Đối với hành vi kinh doanh trên mạng trái phép, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép, tuy nhiên, trong bối cảnh các hành vi kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đang có xu hướng tăng mạnh với khả năng gây nguy hại nhanh, quy mô ngày càng lớn và mức độ nguy hiểm ngày càng cao, để góp phần bảo vệ những người làm ăn chân chính, đúng pháp luật, xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm pháp luật và thu lời bất chính lớn từ việc vi phạm đó, BLHS năm 2015 đã bổ sung một tội danh mới liên quan để xử lý hành vi cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đối với 5 nhóm dịch vụ: kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng và các loại dịch vụ khác mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép.

Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy một số vấn đề bất hợp lý, như BLHS đã bỏ tội kinh doanh trái phép nhưng Điều 292 lại quy định tội “kinh doanh trái phép trên mạng” là không phù hợp; trong danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành, nghề nhưng Điều 292 chỉ quy định xử lý hình sự đối với một số ít ngành, nghề trong số đó là có sự bất bình đẳng... Ngoài ra, quy định này gây ảnh hướng đến chủ trương khuyến khích và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta.

Do đó, để bảo đảm sự thống nhất, bình đẳng trong chính sách xử lý đối với các hành vi kinh doanh trái phép, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã loại bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 292 của BLHS năm 2015.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với dự thảo Luật về việc bỏ Điều 292.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giữ lại và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản (đã được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ); kinh doanh đa cấp bất chính (được quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ)… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội , hậu quả lớn, rất khó khắc phục cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời sửa đổi lại cấu thành: mức thu lợi bất chính, doanh thu… cho phù hợp.

Bày tỏ đồng tình với thuyết minh bỏ Điều 292 của Chính phủ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng nhất trí với ý kiến cho rằng cần giữ lại hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản và cấm kinh doanh đa cấp bất chính.

Nhấn mạnh “cơn ác mộng đa cấp” ở các vùng quê và khó kiểm soát, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri kiến kiến nghị kéo dài và trên phạm vi rộng.

Bà Hải cũng cho rằng việc kinh doanh đa cấp đang rất khó quản lý và đánh giá lợi nhuận, mặt tích cực của bán hàng đa cấp như về thu thuế trong khi thực tế hoạt động này tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Do đó, bà Hải tha thiết giữ lại quy định hành vi kinh doanh đa cấp bất chính.

Theo Xuân Hải

Cùng chuyên mục
XEM