Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra cách 'hô biến' Singapore thành cường quốc, phổ cập tiếng Anh toàn dân chỉ trong vòng 30 năm

23/06/2017 14:11 PM | Xã hội

Những bài học từ sự vươn lên của Singapore từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất chỉ trong một thế hệ là gì? Có nhiều nhà nghiên cứu đã lý giải vấn đề này nhưng chính cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã giải thích một cách ngắn gọn trong một buổi phỏng vấn năm 1997.

Chúng tôi chấp nhận bất kỳ ai gia nhập

"Định nghĩa của tôi về một dân tộc Singapore… là chúng tôi chấp nhận rằng bất kỳ ai gia nhập với chúng tôi, là một phần của chúng tôi. Và đó là một quan niệm của người Mỹ. Bạn có thể giữ nguyên tên gọi của mình, Brzezinski, Berlusconi, bất kỳ là gì, nhưng bạn đến, gia nhập với tôi, thì bạn là người Mỹ. Chúng tôi cần người tài, chúng tôi đón nhận họ. Đó là đặc trưng mang tính định nghĩa của chúng tôi", cha đẻ Singapore nói về đặc trưng cởi mở của đất nước này.

Khi Lý Quang Diệu mới bắt đầu công cuộc xây dựng quốc đảo này, câu hỏi đặt ra là làm cách nào Singapore có thể kiếm sống so với các nước láng giềng có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và có diện tích rộng lớn hơn. Làm cách nào Singapore khác biệt được với họ?

Điều mà người đứng đầu Singapore lựa chọn đó là làm tốt những thứ các quốc gia khác làm dở. "Họ không có những hệ thống sạch thì chúng tôi vận hành những hệ thống sạch. Pháp quyền của họ yếu thì chúng tôi bám chắc lấy pháp luật. Một khi chúng tôi đã đi đến thống nhất hoặc ra một quyết định, chúng tôi bám chắc theo nó. Chúng tôi lấy được niềm tin và tín nhiệm của các nhà đầu tư. Hạ tầng đẳng cấp thế giới, đội ngũ nhân viên hỗ trợ đẳng cấp thế giới, tất cả đều được đào tạo bằng tiếng Anh. Giao thông liên lạc thuận lợi bằng đường không, đường biển, cáp, vệ tinh, và giờ đây là qua Internet", ông lấy dẫn chứng.

Dục tốc bất đạt

Lẽ tất yếu phát triển luôn đòi hỏi sự đánh đổi nhưng Lý Quang Diệu cho rằng không ai muốn đánh mất bản sắc đạo đức, văn hóa, tôn giáo và thậm chí ngôn ngữ của mình cả.

"Để tồn tại như một quốc gia thống nhất, bạn cần phải có chung một vài đặc điểm nhất định, có những điểm chung nhau. Nếu bạn hành động kiểu "nồi áp suất", bạn sẽ gặp vấn đề. Nếu bạn đi nhẹ nhàng, nhưng vững chắc, logic của các sự kiện sẽ mang lại không phải là sự đồng hóa mà là sự hội nhập.

Nếu tôi tìm cách gán ép tiếng Anh cho tất cả người dân Singapore, tôi sẽ đối mặt với tình trạng nổi loạn khắp nơi. Nếu tôi tìm cách gán ép tiếng Trung, tôi sẽ ngay lập tức bị phản đối. Nhưng tôi cho tất cả các bậc phụ huynh quyền lựa chọn giữa tiếng Anh và ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, tùy họ lựa chọn gì cũng được", đó là cách làm khéo léo được chính ông kể lại.

Nhờ sự lựa chọn tự do, cộng thêm những lợi ích của thị trường trong một thời gian chỉ 30 năm, Singapore có tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất và tiếng mẹ đẻ là thứ hai. Singapore chuyển một trường đại học dạy bằng tiếng Trung chuyển sang dạy bằng tiếng Anh. Nếu việc thay đổi này bị ép uổng trong 5 hoặc 10 năm thay vì được tiến hành trong hơn 30 năm – và bằng quyền lựa chọn tự do – thì sẽ là một thảm họa.

Lại nói về tiếng Anh, vốn dĩ Singapore có chung với Trung Quốc nhiều di sản triết học cốt lõi của Khổng giáo nhưng trong Lý Quang Diệu và bộ máy chính trị của ông đã cố gắng xác định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất của mình, và tiếng Trung là ngôn ngữ thứ hai.

Tại sao lại như vậy? Với tầm nhìn của người đứng đầu, Singapore xác định làm vậy để cởi mở chính mình với thế giới và cho phép chính mình tham gia vào những lực lượng khám phá, sáng chế và sáng tạo chính yếu vốn chỉ xuất hiện không bằng ngôn ngữ mà còn bằng tư duy của tiếng Anh.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM