Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng ghét máy rửa bát đến mức không chịu nổi: Lý do phía sau khiến hậu thế cảm phục

28/10/2023 09:45 AM | Sống

Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói, không biết rửa bát thì khi cầm tách trà lên, có thể ta cũng không biết uống trà. Cầm tách trà lên ta có thể chỉ nghĩ đến những chuyện khác mà không biết là ta đang nâng tách trà trong tay. Cứ như thế, ta đi ngang sự sống mà không sống được giây phút nào của sự sống…

Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, H.Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ngài là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em, cha là cụ ông Nguyễn Đình Phúc, mẹ là cụ bà Trần Thị Dĩ.

Rạng sáng 22/1/2022, tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch khiến nhiều người không khỏi đau buồn. Ông là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới, một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI.

Bên cạnh đó, Thiền sư còn là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình.

Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng ghét máy rửa bát đến mức không chịu nổi: Lý do phía sau khiến hậu thế cảm phục - Ảnh 1.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Tổ đình Từ Hiếu. Ảnh: NLĐ

Vị thiền sư nơi cổ tự Từ Hiếu từng viết nhiều cuốn sách (ông đã bán được hơn 3 triệu cuốn sách chỉ tính riêng ở Mỹ), thành lập một trung tâm thiền tập Phật giáo chủ yếu dành cho người phương Tây, thu hút hàng nghìn tín đồ. Ông cũng dẫn dắt các cuộc hội thảo tại nhiều tổ chức, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới, Google và Đại học Harvard.

Đóng góp lớn nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đối với tư duy phương Tây là truyền giảng triết lý về chánh niệm: Ý thức đầy đủ về khoảnh khắc hiện tại. Ông tin chánh niệm là bí quyết không chỉ để hạnh phúc mà còn để sống đích thực.

Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn một câu chuyện nhỏ trong cuốn sách "Phép lạ của sự tỉnh thức", được dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới. Cuốn sách được coi là phương pháp nhiệm màu thực tập thiền quán trong đời sống hàng ngày. Đọc nó, chúng ta cảm nhận được từng sát na hạnh phúc. Từ một bác sỹ, người công nhân, thợ may, một bà nội trợ đến kỹ sư…Tất cả công việc thường nhật đó bỗng trở nên phép lạ khi thắp lên ánh sáng chánh niệm.

Nguyên tắc rửa bát để mà rửa bát

Bên Mỹ có một anh chàng rất thân với tôi. Tên anh là Jim Forest. Anh ta ở trong tổ chức Catholic Peace Fellowship. Ngày xưa anh ta đã đốt thẻ trưng binh chống chiến tranh và đi tù hơn 1 năm. Hồi đó, nghe anh ta ở tù, tôi hơi ngại, bởi tánh anh ta rất hoạt động, nôn nóng muốn hành động, sợ không kham nổi sự tù túng trong phòng giam.

Tôi viết cho anh một lá thư rất ngắn rằng: "Hãy nếm trái quýt của anh, hãy hợp nhất với trái quýt của anh, bởi vì ngày mai trái quýt ấy không còn nữa". Tôi không ngờ câu nói của tôi có hiệu quả. Ba năm sau hồi tưởng lại chuyện ấy, Jim viết: " Câu ấy giúp cho tôi nhiều hơn là thầy có thể tưởng tượng! Nhờ câu ấy mà tôi tìm được sự an lạc nơi lao tù, làm bạn được với lao tù và sống trong lao tù những ngày lợi lạc". Jim đã tìm được tự do trong lao tù, khôi phục được thì giờ và sự sống của mình ngay trong lao tù. Jim cũng khá đấy chứ, phải không Thiều.

Mùa đông năm kia Jim qua đây chơi. Tôi thường hay rửa bát sau khi ăn cơm xong trước khi lên ngồi uống trà. Một tối Jim đòi rửa bát. Tôi nói: "Rửa thì rửa nhưng phải biết cách rửa". Jim nói: "Bộ thầy nói tôi không biết cách rửa chén hay sao?". Tôi nói: "Có hai cách rửa chén. Cách thứ nhất là rửa để cho rửa xong, cách thứ hai là rửa không phải để cho rửa xong".

Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng ghét máy rửa bát đến mức không chịu nổi: Lý do phía sau khiến hậu thế cảm phục - Ảnh 2.

Cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức được phiên dịch ra 30 thứ tiếng

Jim thích quá nói: "Tôi sẽ chọn cách thứ hai, rửa chỉ để rửa mà thôi". Từ đấy Jim hay giành rửa chén. Tôi giao trách nhiệm cho anh ta trong cả tuần. Sau đỏ về xứ, anh đã tuyên truyền "chủ nghĩa rửa chén để rửa chén" trong nhiều bài báo. Anh ta tuyên truyền nhiều quá, ngay cả trong gia đình nữa. Khiến Laura cười bảo anh: "Ở dưới bếp chỉ còn chén bát sạch, nếu anh thích rửa bát để mà rửa bát quá như vậy thì sao anh không xuống đem chén bát sạch ra mà rửa lại một lần nữa đi".

Hồi tôi còn làm "Điệu" tại chùa Từ Hiếu, cách đây 30 năm, rửa chén bát không phải là một việc làm dễ chịu làm đầu nhé! Vào những mùa an cư, hai người trực nhật phải nấu cơm và rửa bát có khi cho hơn 100 thầy. Xà phòng không có, chỉ có tro trấu và bẹ dừa mà thôi. Ngồi trước một đống chén bát lớn như vậy rất nản. Nhất là nhằm mùa đông phải nấu một nổi nước nóng khá lớn mới rửa được vì nước lạnh, lạnh buốt.

Bây giờ đứng rửa bát trong bếp, có xà phòng nước, có tissus Metalliques, có nước ấm chảy dưới tay mình, thật là dễ chịu hơn nhiều quá. Ấy vậy mà ai đã rửa bát ai cũng muốn rửa thật mau cho xong, để mà lên ngồi chơi, có nhiều bà đòi chồng mua cho được cái máy rửa chén. Thiều à! Cái máy giặt tôi còn chịu được (Mấy năm ở ngoại quốc tôi chỉ giặt bằng tay) chứ còn cái máy rửa chén thật tình tôi không chịu nổi. Các bà ở quê mình sẽ chép miệng "Mèn đéc ơi, làm biếng đến vậy là cùng."

Theo tinh thần của kinh Quán niệm hơi thở thì trong khi rửa bát mình chỉ nên rửa bát mà thôi: Có nghĩa là khi rửa bát mình có ý thức được rằng sự kiện chính mình đang rửa bát? Mới nghe qua thì thấy buồn cười. Rửa bát thì có gì hay ho đâu mà tập trung ý thức vào đấy nhiều như thế. Nhưng quả thực tất cả sự hay ho là nằm chỗ đó nghe Thiều. Sự kiện tôi đang đứng đây rửa và rửa những cái bát này là một sự kiện mầu nhiệm. Tôi hoàn toàn là tôi, làm chủ được hơi thở tôi, ý thức được sự có mặt, ý thức tâm, ý thức ý và hành động của tôi. Tôi không bị động trong hoàn cảnh như một cái nút chai bị những đợt sóng trên mặt biển vùi dập và lôi kéo, tâm ý tôi không tán thất trong loạn tưởng như một mớ bọt biển trên đầu sóng, tan nát thảm thương khi làn sóng đập đầu vào ghềnh đá.

Nếu trong lúc rửa bát mà ta chỉ nghĩ tới tách trà, nghĩ tới sự nghỉ ngơi hay bất cứ một công chuyện nào trong tương lai, và chỉ muốn cho việc rửa bát qua mau, xem việc rửa bát như một cực hình thì ta không "rửa bát để mà rửa bát", ta không sống trong thời gian rửa bát, ta không chứng thật được phép lạ của sự sống trong thời gian rửa bát.

Không biết rửa bát thì khi cầm tách trà lên, có thể ta cũng không biết uống trà. Cầm tách trà lên ta có thể chỉ nghĩ đến những chuyện khác mà không biết là ta đang nâng tách trà trong tay. Cứ như thế, ta bị thâu hút vào trong tương lai, bị con ma vị lại thâu hút hết hồn vía, đi ngang sự sống mà không sống được giây phút nào của sự sống.

Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng ghét máy rửa bát đến mức không chịu nổi: Lý do phía sau khiến hậu thế cảm phục - Ảnh 3.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình

Câu chuyện múi quýt của Jim cũng đã xảy ra trong trường hợp này. Có lần, lâu lắm rồi, Jim ngồi ăn quýt với tôi mà cứ phóng tưởng về công việc trong tương lai. Hồi ấy mỗi khi nghĩ tới một dự tính nào có tánh cách hấp dẫn là Jim hoàn toàn bị thu hút vào đó và quên hẳn thực tại trong hiện tại. Tay Jim bóc vỏ quýt mà miệng Jim như nhai hết múi quýt này tới múi quýt nọ.

Thế mà Jim đâu có biết mình đang ăn quýt. Tôi mới nói với chàng ta: "Thì anh hãy ăn múi quýt của anh đi đã. Jim giật mình thức giấc. Lúc đó anh ta đang ăn hết múi quýt này đến múi quýt khác, không ngưng. Thế mà tôi lại nhắc anh ta ăn quýt, làm như anh ta đang không ăn quýt. Mà thực ra anh đâu có đang ăn quýt. Anh ta đang "ăn" cái dự tính của anh ta mà.

Người xưa nói: "Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn thực, nhi bất tri kỳ vị" (Tâm ý không có mặt, thì nhìn mà không thấy, nghe mà không rõ, ăn mà không biết mùi vị). "Tâm bất tại", tức là sự vắng mặt của ý thức. Một trái quýt có nhiều múi, ăn được một mái quýt thì có thể ăn được hết trái quýt, còn nếu một múi mà cũng không ăn được, thì cả trái quýt cũng không ăn được.

Jim là một anh chàng thông minh. Anh ta dừng tay lại nghe sự có mặt của múi quýt trên lưỡi mình, ăn múi quýt một cách thật đàng hoàng và gật đầu trước khi đưa tay gỡ một mũi khác. Sau cùng, như Thiều biết, anh ta đã có thể xem lao tù như một múi quýt và làm hòa bình với múi quýt đó".

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM