Cơ quan nhà nước tại Hà Nội sẽ chấm dứt sử dụng văn bản giấy từ ngày 1/4/2017

05/02/2017 13:47 PM | Xã hội

Sở TT&TT Hà Nội vừa được giao chủ trì chỉ đạo các quận/huyện/thị xã thực hiện ngay trong tháng 2 xử lý văn bản qua hệ thống mạng của Thành phố, với mục tiêu đến 1/4/2017 chấm dứt việc dùng văn bản, giấy mời bản giấy.

Ý kiến chỉ đạo nêu trên vừa được ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo vào chiều qua, ngày 3/2/2017, theo thông tin từ Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả dịch vụ công mức 3, 4

Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cũng cho biết, trong phát biểu kết luận tại hội nghị, đánh giá cao việc triển khai thực hiện các mặt công tác của Ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT TP Hà Nội trong năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, để đạt được 70% hồ sơ hành chính nhà nước sử dụng dịch vụ công mức 3 là sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và một lộ trình cụ thể của Thành phố Hà nội. Do đó, toàn Thành phố cần xác định việc triển khai các nội dung về CNTT theo lộ trình của Thành phố đã ban hành là nhiệm vụ hàng đầu trong cải cách hành chính.

Cùng với việc chỉ đạo Sở TT&TT Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả cung cấp dịch vụ công mức 3, 4 đến người dân, doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Chung cũng đã giao Sở TT&TT chủ trì chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện ngay trong tháng 2 xử lý văn bản qua hệ thống mạng của Thành phố; phấn đấu đến ngày 1/4/2017 chấm dứt việc sử dụng văn bản, giấy mời bản giấy đối với tất cả các sở, ban, ngành, đơn vị; triển khai trang bị thiết bị CNTT (máy tính bảng, điện thoại thông minh) cho cán bộ chủ chốt ở Sở, ngành, quận, huyện.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thành phố phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quản lý cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực: đất đai, doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên chức, khám chữa bệnh; đồng thời tập trung xây dựng Trung tâm cơ sở hạ tầng với nhiều công năng: điều hành giao thông, giải quyết khúc mắc, phân tích dữ liệu, khắc phục sự cố, điều hành chống tội phạm, báo chí và truyền hình…

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội giao Sở TT&TT phối hợp cùng các Sở, ngành như Y tế, GD&ĐT, LĐTB&XH, Công an triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng dữ liệu quản lý về khám chữa bệnh, BHYT; kiểm định ô tô, cấp giấy phép lái xe; tích hợp dữ liệu về người có công, người cao tuổi, hộ nghèo…; phối hợp với Văn phòng UBND, Thanh tra thành lập hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện dịch vụ công mức 3…

Trước đó, cũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố Hà Nội, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đã báo cáo kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2016.

Bà Phan Lan Tú nhấn mạnh, sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT đã thay đổi về nhận thức và hiệu quả trong việc triển khai, ứng dụng CNTT của toàn thành phố. Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2016 của Thành phố đã hoàn thành với tất cả các chỉ tiêu đạt được đều vượt so với yêu cầu của Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định 1819 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

“Việc tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thành phố”, bà Tú cho hay.

Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội cũng cho biết, đến nay Thành phố đã hình thành được hệ thống mạng dùng chung đến 100% xã/phường/thị trấn trên một nền tảng đồng bộ, thống nhất và sử dụng chung sẽ là cơ sở thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu; tiến độ triển khai các công tác về đảm bảo hạ tầng, xây dựng phần mềm, đào tạo kiến thức cơ bản và đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm được đảm bảo; các phần mềm, hệ thống thông tin khác được các đơn vị tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả để đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động điều hành.

Đồng thời, việc tích hợp, trao đổi thông tin khai sinh giữa hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Thành phố và phần mềm đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp đã thực hiện kiểm tra kết nỗi kỹ thuật thành công. Dự kiến ngay đầu năm nay, sẽ thực hiện việc kết nối chính thức và hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện.

Hơn 70% hồ sơ hành chính lĩnh vực tư pháp được nộp qua mạng

Theo báo cáo của Sở TT&TT Hà Nội, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố, trong năm 2016 vừa qua, bên cạnh việc hoàn thành triển khai kết nối mạng WAN đến 584 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 100%, đảm bảo hạ tầng trang thiết bị để triển khai dịch vụ công tại khối xã/phường và triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội tại địa chỉ: http://egov.hanoi.gov.vn, Thành phố đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp đến tất cả 584 xã/phường/thị trấn theo 3 giai đoạn.

Trong đó, ở giai đoạn 1, triển khai thí điểm tại 24 phường của 2 Quận Long Biên và Nam Từ Liêm để đánh giá, hoàn thiện. Trên cơ sở đó triển khai tại 144 phường của 10 Quận còn lại và chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 10/8/2016; với giai đoạn 2, triển khai tại 139 xã thuộc 6 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Ba Vì, Hoài Đức và chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 10/11/2016; còn ở giai đoạn 3, triển khai tại 277 xã thuộc 12 huyện còn lại và chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 15/12/2016.

Báo cáo của Sở TT&TT Hà Nội cho hay, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng trên toàn Thành phố bao gồm cả hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND xã/phường/thị trấn đạt trên 70%.


Hà Nội đặt mục tiêu năm 2017 sẽ triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3 đối với 40% trong tổng số khoảng 1.800 dịch vụ hành chính công của toàn thành phố (Người dân nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Nguồn ảnh: Sở TT&TT Hà Nội)

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2017 sẽ triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3 đối với 40% trong tổng số khoảng 1.800 dịch vụ hành chính công của toàn thành phố (Người dân nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Nguồn ảnh: Sở TT&TT Hà Nội)

Đồng thời, thực hiện văn bản 4743 ngày 10/8/2016 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với tổng số 129 dịch vụ công của 10 lĩnh vực, Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị tiến hành khảo sát thực tế, thu thập thông tin và rà soát các quy định từng ngành, lĩnh vực và khẩn trương tổ chức triển khai các dịch vụ công theo danh mục.

Đến cuối năm 2016, các ứng dụng dịch vụ công mức độ 3 về cơ bản đã được hoàn thành, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với đơn vị tư vấn kiểm tra kỹ thuật phần mềm cho các đơn vị, đồng thời đã có tờ trình báo cáo UBND Thành phố việc triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 các dịch vụ công đã hoàn thành xây dựng.

Liên quan đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như ICTnews đã đưa tin , trong năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3 đối với 40% trong tổng số khoảng 1.800 dịch vụ hành chính công của toàn thành phố.

Để tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cấp Sở, cấp quận/huyện/thị xã và cấp xã/phường/thị trấn trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến dùng chung của Thành phố, đồng thời thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước trên địa bàn Hà Nội, ngày 12/1/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch 09 về triển khai vận hành chính thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã hoàn thành xây dựng.

Theo kế hoạch nêu trên, trong quý I/2017, Thành phố triển khai cung cấp 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 vận hành chính thức từ ngày 19/1/2017, gồm 27 dịch vụ công; đợt 2 vận hành chính thức từ ngày 1/3/2017, gồm 20 dịch vụ công; và đợt 3 vận hành chính thức từ ngày 15/3/2017 gồm 73 dịch vụ công.

Theo VÂN ANH

Cùng chuyên mục
XEM