Có phải chúng ta thường như vậy: Gặp người quen thì hướng ngoại, nhưng gặp người lạ liền thành hướng nội?

24/07/2018 10:01 AM | Sống

Khi đứng giữa những người lạ, chúng ta thường có tâm lý cảnh giác cao độ, luôn giữ thái độ im lặng và đề phòng, tỉ mỉ quan sát, từ bên ngoài nhìn vào trông sẽ giống với cái mà chúng ta hay gọi là hướng nội

Khi đứng giữa những người lạ, chúng ta thường có tâm lý cảnh giác cao độ, luôn giữ thái độ im lặng và đề phòng, tỉ mỉ quan sát, từ bên ngoài nhìn vào trông sẽ giống với cái mà chúng ta hay gọi là hướng nội. 

Thực ra lúc này bạn đang trải qua quá trình tâm lý phức tạp, có xu hướng sử dụng tất cả các cơ quan cảm giác có độ nhạy cao để thăm dò các thông tin xung quanh bạn rồi truyền đến bộ não để nó nhanh chóng phân tích những ý nghĩa đằng sau thông tin đó. Trừ phi bạn cảm thấy an toàn, nếu không thì bạn vẫn sẽ tiếp tục quan sát và phân tích, tiếp tục trạng thái hướng nội đó.

Đại khái là bởi lẽ cảm giác không quen thuộc với người lạ khiến bạn sản sinh ra tâm lý e dè, không biết đối phương sẽ phản ứng ra sao với biểu hiện của mình, không biết liệu đối phương có thích phong cách nói chuyện của mình không. Dù sao thì ấn tượng ban đầu cũng rất quan trọng, chẳng ai muốn để lại ấn tượng không tốt hay có phần tùy tiện với người mình vừa quen biết cả.

Còn ở trước mặt người quen thì lại trở nên hướng ngoại, đó là bởi vì bạn đã quá hiểu rõ đối phương, biết về tính cách của họ. Bạn sẽ không phải bận tâm hay lo lắng mình lỡ nói cái gì khiến họ không vui. Thực ra tôi thấy không nhất định là hướng nội hay hướng ngoại, chỉ là có những khi bạn không có gì để nói với đối phương mà thôi.

Thường thì nếu đã là người hướng ngoại thì cho dù là với người quen hay người không quen, bạn đều có thể bắt chuyện rất nhanh chóng, những người như vậy thường khá tự tin, tin vào năng lực của bản thân, tin rằng mình có thể xử lý được những chuyện mà người khác không làm được. 

Có phải chúng ta thường như vậy: Gặp người quen thì hướng ngoại, nhưng gặp người lạ liền thành hướng nội? - Ảnh 1.

Vậy nên, không cần biết là người quen hay không quen họ vẫn đều có thể thao thao bất tuyệt. Trong cuộc sống, những người như vậy thường được nói vui là vứt ở đâu cũng sống được. Còn trong công việc, với tính cách như vậy thì họ cũng sẽ rất dễ được thăng tiến, có tiền đồ.

Những người hướng nội thường là những người điềm đạm, ôn hòa. Với người lạ thì ít nói, với người thân thì nói nhiều bất ngờ. Bên ngoài trông có vẻ rất nghe lời, rất biết tiếp thu ý kiến của người khác, nhưng khi xử lý mọi chuyện thì vẫn rất có chủ trương, có giải pháp, ý tưởng của riêng mình, chỉ là họ không dễ dàng thể hiện điều đó ra bên ngoài. 

Đối với người ngoài thì rất khiêm nhường, nhẫn nại, dĩ hòa vi quý, một điều nhịn chín điều lành, còn đối với người thân thì độ nhẫn nại lại khá kém. Tuýp người này thường khá bó buộc bản thân, trong giao tiếp họ khá khó mở lòng với người khác. 

Đôi khi, họ thà chịu khổ một chút, thà chấp nhận khó khăn hơn một chút cũng không muốn nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Họ sợ cảm giác mang ơn người khác cũng được, sợ không biết phải đối xử với người giúp đỡ họ cũng được, hay bởi lẽ họ không giỏi trong việc thể hiện cảm xúc cũng được, nhưng họ chính là như vậy.

Cũng có những người họ là vì tự ti mà trở nên hướng nội với những người lạ. Họ có thể vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cảm thấy mình không cùng tầng lớp với những người khác, có thể vì sợ mình là cha/mẹ đơn thân, sợ người khác coi thường mình, có thể vì học tập, công việc, ngoại hình bình thường, không nổi bật… Họ cho rằng mình thuộc tầng lớp ở dưới, không thể giao tiếp bình thường, cởi mở với người khác.

Có phải chúng ta thường như vậy: Gặp người quen thì hướng ngoại, nhưng gặp người lạ liền thành hướng nội? - Ảnh 2.

Ai ai cũng có trong mình một phần hướng nội, một phần hướng ngoại. Đừng cảm thấy u buồn hay suốt ngày băn khoăn tại sao mình không thể trở nên cởi mở hơn với những người lạ, tại sao mình khó mở lòng với người khác, nếu bạn cảm thấy thoải mái với nó thì hãy cứ sống như vậy vì bạn được là chính mình. 

Còn nếu không thì gửi đến những người muốn thay đổi, muốn trở nên cởi mở hơn, hãy bắt đầu thay đổi từ bây giờ, chưa bao giờ là quá muộn để thay đổi cả, hướng nội có thể là tính cách nhưng cũng có thể không nếu bạn muốn khắc phục nó. 

Bí quyết là hãy tự tin, biết tôn trọng, tôn trọng mình, tôn trọng đối phương, để tâm đến mọi chuyện xung quanh một chút, tốt nhất là hãy cố gắng tạo cho mình thói quen có những phán đoán và quan điểm riêng, đọc nhiều sách, đọc sách mang lại cho bạn nhiều lợi ích mà bạn không ngờ tới, đôi khi những tri thức trong sách có thể là chủ đề cho những cuộc trò chuyện giúp thu hẹp khoảng cách giữa mình và người khác, và quan trọng nhất đó là hãy luôn luôn nở nụ cười, "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", cười không chỉ bổ cho bạn mà nó còn giúp tiếp thêm năng lượng cho đối phương, giúp bạn tạo được thiện cảm trong mắt đối phương.

Đừng bao giờ xem những gì mình có là rơm rác, là cỏ dại, khuyết điểm của bạn trong mắt người này đôi khi nó lại là ưu điểm của bạn trong mắt người khác. Đừng suốt ngày ưu phiền về tính cách của mình hay về cách mọi người nghĩ về mình, bởi mỗi một tính cách đều có điểm tốt riêng, quan trọng là cách bạn thể hiện nó ra cho người khác thấy nó như thế nào!

Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM