Có phải ai cũng "Gap Year" được?

05/02/2018 21:32 PM | Sống

Gap Year bản chất chỉ là một “khoảng trống” đủ để chúng ta có những bước chuẩn bị cẩn trọng cho con đường dài hơn phía trước.

Gap year thường là 12 tháng mà bạn quyết định "nghỉ giữa hiệp" trong một quá trình học tập hay làm việc, cho phép bạn tìm đến những kế hoạch khác biệt (so với cuộc sống thường ngày). Đối tượng "gap year" nhiều nhất có lẽ là sinh viên cuối cấp 3, trước khi vào Đại học. Tiếp theo là lực lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng chưa muốn "lao" vào thế giới công sở ngay lập tức, thay vào đó là muốn dành thời gian cho những thú vui, đam mê của bản thân.

Tóm lại, "gap year" là một quá trình nối liền giữa trường cấp III và Đại học, giữa Đại học và công việc hay giữa những bước nhảy việc khác nhau.

Những cách gọi khác của "gap year" là: pathway, prep-year, leap year, defer year, bridge-year, drop year, year out, year off, overseas experience (OE) hay foundation year.

Tôi muốn dành thời gian để viết về một vấn đề ngày nay tuy đã không còn quá xa lạ nhưng vẫn chưa thực sự được cắt lát toàn diện. Từng có một năm Gap Year cũng như được may mắn mời chia sẻ và tham vấn cho các bạn trẻ, tôi nghĩ mình có thể nói nhiều hơn một sự thật về lựa chọn ấy.

Chúng tôi hầu hết đều quyết định Gap Year vì cảm giác đang "ở trọ" trong chính cuộc đời của mình. Chất đầy những trải nghiệm, song quãng nghỉ ấy thực sự không thể lấp đầy mọi lỗ hổng, nó sau cùng với tôi chỉ đơn giản là một chuỗi những cảm giác, ý nghĩ được thật thà cất lên từ bên trong mình. Và tất cả những điều đó, không phải lúc nào cũng dễ chịu để đối diện.

Đằng sau sân khấu

Tôi vẫn nhớ ngày hôm đó trời mưa rất lớn nhưng không ai vắng mặt trong buổi hẹn cả. Một cách tình cờ, ba đứa tôi, ở ba độ tuổi, với ba câu chuyện khác nhau đều đã gap và có những lựa chọn hậu Gap Year riêng cho mình. C. quyết định nghỉ học Báo Chí và theo đuổi giáo dục thay thế(*), MA bỏ Ngoại Thương để chuẩn bị cho việc du học về tâm lý còn tôi quay trở lại với trường Đại Học. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau như thế, để cùng nói về cuộc sống mới và để nhìn lại những gì đã qua. Câu hỏi nhiều nhất mà chúng tôi dành cho nhau có lẽ là "có hối hận vì đã gap year không?"

C. kể về một người bạn đã khuất của mình, một người cũng từng gap và luôn được nhớ về với hình ảnh tươi vui cạnh cây guitar. C. bảo anh ấy bị trầm cảm và đột ngột qua đời. Tôi cũng biết về H., những tưởng đã làm chủ được lựa chọn bỏ học hẳn của mình với sự thành công trong chuỗi cửa hàng áo thun. Bỗng một ngày, H. thấy bế tắc, cuộc đời anh không còn gì khác ngoài áo thun.

Nhiều người hỏi tôi vì sao lại chấp nhận trở về chốn cũ khi đang có nhiều cơ hội khác mở ra, làm vậy thì mọi thứ cũng lại đâu vào đấy. Sự thật là tôi đã quay lưng bỏ về khi đang đứng ngay trước cửa phòng Đào Tạo để làm thủ tục tái nhập học. Tôi đã rất sợ hãi. Tôi đã rất chán nản và tự mỉa mai lòng can đảm trước đây của chính mình.

Vậy mà đã bốn tháng trở lại với guồng quay cũ của giảng đường, tôi cảm thấy rất hài lòng vì đã không bỏ học hẳn, không tiếp tục vùng vẫy trong quỹ thời gian rộng rãi và tự do của Gap Year nữa.

Có phải ai cũng Gap Year được? - Ảnh 1.

Sự tự do đánh đổi

Nhưng không phải ai cũng thuộc về nơi mà họ sinh ra. Trong suốt thời gian gap year, tôi đã kinh doanh, làm tình nguyện, học một môn nghệ thuật và rong ruổi khắp nơi chỉ để tự trả lời câu hỏi bản thân thuộc về đâu?

Trong hành trình đó, tôi đã yêu biết bao nhiêu cung đường biển dọc Tổ quốc với cái mặn mòi nắng gió mà tôi tự gọi tên "vị miền Trung". Tôi đã hạnh phúc đứng trên dãy Hoàng Liên Sơn nhìn mưa đổ mờ mà không quan tâm liệu mình có về được chỗ trọ hay không.

Tôi còn gặp hai vợ chồng người Mông đêm đêm mở Google học tiếng Anh. Tôi đã đau lòng chứng kiến Sapa hóa thành một bãi công trường ngổn ngang. Tôi đã buông mình cheo leo trên một cái hiên nhỏ xíu của cầu Hàm Rồng nghe người chị mới quen kể về cái lúc chị lên đúng chỗ này với ý định tự tử.

Tôi đã chọn mua một ổ bánh mì và ngồi uống cà phê ở gốc bàng trước cảng Hội An, cười nhe răng nhìn các chú dân phòng kéo hết xe đạp của những du khách đãng trí về đồn khi đến giờ giới nghiêm. Tôi cũng biết thêm nhiều người Sài Gòn bỏ xứ lên dựng nhà ở Đà Lạt, mỗi ngày đọc sách uống trà trồng cây nuôi chó thay vì bon chen nhau ở thành phố chật chội…

Những màu ký ức xinh đẹp và những bài học mở mắt để đời đan xen cùng tâm trạng chán nản và trốn tránh thực tại. Giống như những bữa tiệc mà bạn không bao giờ muốn về, giống như những kẻ mộng mơ không thích lao động, giống như những đứa trẻ mới lên thành phố đã vội chê bai quê nhà, tôi từ chối nhìn nhận và quay lại cuộc sống cũ của mình với quá nhiều trách nhiệm, ràng buộc và biết bao điều dang dở.

Tôi buông xuôi mọi thứ và biện minh với hai chữ "tự do". Song đó thật ra là sự tự do được đánh đổi với rất nhiều điều ý nghĩa trên đời này: gia đình, tri thức, ước mơ, và sự cống hiến.

Hầu hết những bạn trẻ mà tôi có may mắn gặp gỡ đều quyết định Gap Year vì tiếp thu quá nhiều thông tin về sự khủng hoảng của hệ thống giáo dục. Trong khi Gap Year bản chất chỉ là một "khoảng trống" đủ để chúng ta có những bước chuẩn bị cẩn trọng cho con đường dài hơn phía trước. Nó không phải một cánh cửa giải thoát bạn khỏi hiện thực hay một con đường tắt đưa bạn đến thành công, những ngộ nhận như vậy khiến nhiều bạn trẻ đi sai hướng và trở nên cố chấp, tiếp tục chìm sâu trong huyễn hoặc.

Có phải ai cũng Gap Year được? - Ảnh 2.

Nhiều bạn tự chuốc lấy áp lực cho mình. Không hẳn ai cũng có được sự đồng ý của gia đình, thế là các bạn phải học cách nói dối. Bị nhồi nhét quá nhiều về những chuyến đi nhưng không có chi phí, ai mà biết được đằng sau những hành trình ấy có thể là rất nhiều nợ nần. Kinh khủng nhất có lẽ là lối suy nghĩ ngông cuồng, vội vàng đặt mình ra bên ngoài cộng đồng và cũng tự nâng mình lên một tầm cao hơn so với những người lựa chọn theo đuổi học tập truyền thống. Rồi phê phán và chỉ trích người khác, tự huyễn hoặc mình về màu hồng ảo mộng và lấy tay che đi đôi mắt để mãi mãi ngủ say.

Tôi cũng từng vậy. Như một người nghệ sĩ bị ánh đèn sân khấu và những tràng vỗ tay, những lời tung hô cướp mất đi khát khao đơn giản là được hát cho mọi người nghe. Hay như một nhà kinh doanh thất bại biết rằng mình có một khoản nợ lớn nhưng thay vì tuyên bố phá sản và làm quen với những công việc nhỏ bé để trả nợ, lão tiếp tục dấn sâu hơn vào lối sống hưởng thụ và mặc kệ tương lai.

Tôi tự hỏi, còn bao nhiêu những mẩu chuyện Gap Year và cái kết buồn hơn? Người ta chỉ đứng lên để to miệng dạy về thành công hay những điều rạng rỡ tương tự, có mấy ai đủ dũng cảm để nói cho thế giới hay rằng mình đã và đang thất bại?

Cơ hội chỉ hết khi bạn ngừng học hỏi

"Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng

Còn tính cách trưởng thành trong bão táp" – W.Gơt

Cũng như hai mặt yin (âm) – yang (dương), chỉ có trải nghiệm không thôi là chưa đủ. Lịch sử đã chứng minh rằng, nền tảng bền vững nhất mà bạn có thể xây dựng cho mình chính là học vấn. Học vấn không đơn giản chỉ là kiến thức mà còn là khả năng tiếp nhận tri thức, chọn lọc và sử dụng nó, là khả năng đưa ra quyết định, rèn giũa tư duy. Cuộc sống là nơi mà tri thức được sinh ra, truyền dạy và kiểm nghiệm. Ý nghĩa đầu tiên và cuối cùng của giáo dục vẫn là học làm người tử tế và có ích. Không phải những người bỏ học thường thành công mà thật ra là những người đạt đến sự chín muồi tư duy càng sớm càng dễ thành công.

Có phải ai cũng Gap Year được? - Ảnh 3.

Chúng ta vẫn thường phê phán những điều bất cập của giáo dục nhưng có một điều không thể chối cãi được: tất cả chúng ta hôm nay thật ra đều là sản phẩm của nền giáo dục ấy. Có lẽ khi ở bậc thang thứ mười rồi, bạn mới nhìn lại được chín bậc thang trước đó. Con người của chúng ta năm mười tám tuổi chính là kết quả của mười bảy năm trước đó. Và phải đi đến tận cùng hành trình, ta mới có thể nhận xét liệu điều gì là đúng và điều gì thì chưa. Bất cứ điều gì trên đời cũng đều có những mặt được - mất đan xen, giáo dục Việt Nam cũng vậy, Gap Year không phải luôn là lựa chọn hoàn hảo mà cũng bao trùm nhiều nguy cơ cho các bạn trẻ nếu thiếu những người đồng hành và tư vấn.

Quay trở lại với câu chuyện của tôi, khi mọi người cho rằng việc quay lại trường học là một hành động chứng tỏ quyết định Gap Year của tôi thật ra là nửa vời, tôi đã trả lời rằng:

Có thể mọi thứ không thay đổi, nhưng tôi thì đã đổi thay.

Thế giới này được nhìn qua những lăng kính khác màu, cách chúng ta nhìn nhận sự việc không thể thay đổi bản chất của nó nhưng có thể định hình được phản ứng của chúng ta.  Thay vì chê bai, hãy là người thay đổi đầu tiên. Khi còn trẻ, tôi hiểu việc kiếm tiền hay rong chơi đều không định hình ta sẽ là ai. Trở lại trường Đại Học, chưa khi nào tôi cảm thấy đói kiến thức nhiều như thế này. Thông qua những trải nghiệm có được, tôi có thêm nhiều nguyên liệu và cách thức để đón nhận lượng tri thức khổng lồ kia. Gap Year đã dạy tôi cách làm chủ cuộc chơi thay vì cứ mãi mãi ca thán và chờ đợi.

Tạm kết

Sau cùng, lựa chọn của bạn là điều không cần phải giải thích hay chứng minh. Tuy nhiên hãy nhớ rằng bạn luôn có quyền để bản thân được suy nghĩ kỹ lưỡng. Hãy để Gap Year thực sự là một quãng nghỉ, là khoảng lặng cho tâm hồn lớn lên. Để rồi lại tiếp tục đi trên hành trình trở thành phiên bản tốt hơn của mình.

Bởi vì điều duy nhất tạo nên sự khác biệt giữa con người với nhau chính là sự tự giáo dục mình.

---

(*) Giáo dục thay thế: Một khái niệm về sự tổng hợp của những phương pháp học tập phi truyền thống như field-trip, học trực tuyến,..

Theo MING YBOX; DESIGN: NGUYỄN THẾ MẠNH; CREDIT: LORENZA COTELLESSA

Cùng chuyên mục
XEM