Có nhiều lý do để các công ty gia đình phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam

17/04/2017 15:30 PM | Kinh doanh

Trong vòng xoáy toàn cầu hóa nhiều doanh nghiệp Việt đang tìm "nơi trú ngụ” ở thị trường nông thôn, một số đang chịu sức ép lớn từ các đối thủ ngoại. Tuy nhiên vẫn còn đó những thương hiệu Việt, đặc biệt là mô hình doanh nghiệp gia đình khẳng định được sức mạnh đứng vững trên thị trương và trở thành đối trọng lớn của các công ty đa quốc gia.

Nỗ lực chứng minh sự ưu việt

Đó là thành công của Kinh Đô do hai anh em Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên sáng lập, chuyên sản xuất bánh kẹo từ năm 1993 và đã trở thành tập đoàn thực phẩm đạt doanh thu hơn 4.000 tỉ đồng năm 2012, dù đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm.

Bên cạnh đó, còn có công ty Thiên Long của ông Cổ Gia Thọ, một doanh nghiệp khởi đầu vào năm 1981 chuyên sản xuất bút bi quy mô nhỏ và trưởng thành 30 năm sau đó, với doanh thu hơn 1.200 tỉ đồng cùng tỉ suất lợi nhuận 20%.

Tuy nhiên bất cứ doanh nghiệp nào cũng nhìn vào sự thành công của Biti’s như một hình mẫu tuyệt đối về cách quản trị công ty gia đình với sự căn cơ và linh hoạt trong hoạt động kinh doanh. Biti’s đi lên từ cơ sở sản xuất nhỏ, sau đó phát triển kinh doanh dựa trên tiêu chí “sản lượng lớn là mục tiêu chủ đạo”, tiếp theo tập trung vào hình ảnh sản phẩm sẽ giải bài toán chinh phục khách hàng.

Sau 35 năm, Biti’s của gia đình Vưu Khải Thành đang là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành da giày Việt Nam, chiếm 15% thị trường trong nước với doanh thu nội địa hơn 1.000 tỉ đồng và tỉ trọng xuất khẩu đạt 50% trong cơ cấu doanh thu công ty. Không ít lần phải xoay chuyển chiến lược để tồn tại, câu chuyện của Bitis khắc họa rõ nét về cách quản trị một Công ty gia đình với chất keo gắn bó của mối quan hệ vợ chồng, anh em ruột thịt, bạn bè, lại có thêm triết lý kinh doanh, tạo nên sức mạnh khổng lồ cho họ.

Ông Vưu Khải Thành – Tổng giám đốc Biti’s
Ông Vưu Khải Thành – Tổng giám đốc Biti’s

Trong các công ty gia đình, người đứng đầu công ty có thể xem là linh hồn doanh nghiệp, là chủ thể gắn mọi nghĩa vụ và mọi quyền lợi với công ty, nên họ rất dễ để tạo sự đồng thuận cho các chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Đây chính là điểm ưu việt trong quản trị của các công ty gia đình tạo nên sự linh hoạt trên thị trường.

Doanh nghiệp gia đình chưa bao giờ lỗi thời

Rõ ràng với quan điểm kinh doanh của mình trong suốt 35 năm, Bitis luôn đứng vững dù nền kinh tế mới mở cửa còn tồn tại nhiều bất ổn. Ở những nơi mà thị trường vốn đại chúng còn nhỏ bé hoặc chưa tồn tại, sẽ là điểm rất có ý nghĩa nếu các chủ doanh nghiệp có thể tự mình phân bổ các nguồn vốn trong nội bộ tập đoàn và đầu tư nguồn vốn dư thừa sang các doanh nghiệp khác mà họ trực tiếp điều hành, giảm bớt rủi ro bằng cách đưa bà con vào các vị trí lãnh đạo then chốt trong công ty.

Đó cũng là lý do để tác giả của cuốn Oxford Handbook of Business Groups là Randall Morck đưa ra quan điểm: “Ngôi trường kinh doanh tốt nhất ở một quốc gia như vậy có thể chính là bàn ăn tối của một gia đình kinh doanh hùng mạnh”

Và thậm chí cả khi sân chơi là bình đẳng hoàn toàn, chưa chắc các tập đoàn gia đình có thể bị thay thế bởi những công ty có mô hình tổ chức kiểu phương Tây vốn có một thiếu sót lớn của sự thiếu vắng những người chủ sở hữu với mục đích hàng đầu là sức khỏe dài hạn của công ty. Đây là một khoảng trống mà gia đình kiểm soát có thể lấp đầy.

Nhưng những gia đình có quan điểm thực tế trong việc quyết định nên gia nhập hay rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh nào, may mắn có được thế hệ con cháu đủ năng lực thừa kế gia sản và biết trọng dụng nhân tài từ bên ngoài gia đình sẽ là những gia tộc duy trì được vai trò to lớn của họ.

Và Biti’s cũng đang sở hữu thế hệ tiếp theo tài năng, cụ thể là người con gái lớn Vưu Lệ Quyên với những chiến dịch marketing gần đây đang tạo nên hiệu ứng cực lớn trên cộng đồng mạng.

Chị Vưu Lệ Quyên – Con gái lớn của ông Vưu Khải Thành – Phó Tổng Giám Đốc Biti’s
Chị Vưu Lệ Quyên – Con gái lớn của ông Vưu Khải Thành – Phó Tổng Giám Đốc Biti’s

Đây cũng sẽ là những gia tộc chứng minh được rằng, mô hình “quản trị gia đình” là một lựa chọn có thể thay thế cho mô hình quản trị doanh nghiệp phương Tây.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM