Cổ nhân truyền kinh nghiệm "nhìn người", 5 bước có thể nhìn rõ người quân tử, kẻ tiểu nhân

27/09/2017 12:26 PM | Sống

Những kinh nghiệm "nhìn người" được cổ nhân đúc kết dưới đây sẽ giúp bạn kết giao với quân tử, tránh xa kẻ tiểu nhân.

1. Nhìn dung nhan

Người cổ đại coi trọng tướng mạo, không phải vì muốn lấy chuyện xấu, đẹp của dung nhan để luận anh hung. Cổ nhân có quan niệm "tướng tại tâm sinh", do đó họ nhìn dung nhan để đánh giá khí sắc, thần thái.

Vào thời Tam Quốc, Tào Tháo có lần phải tiếp sứ giả của Hung Nô. Nhưng ông cảm thấy bản thân vóc dáng nhỏ bé, tướng mạo lại không xuất chúng, nên đã để cho một nam nhân tuấn tú là Thôi Quý Khê đóng giả mình, còn Tháo thì vờ làm người lính cầm kiếm đứng hầu cận.

Khi sứ giả ra về, Tháo liền cho gián điệp dò hỏi: "Ngài thấy Ngụy vương thế nào?"

Sứ giả liền trả lời: "Đại vương dung mạo tuấn tú, cử chỉ văn nhã. Còn người lính hầu cận bên cạnh thì đích thực là bậc anh hùng".

Sử cũ có ghi, Tào Tháo "vóc dáng nhỏ bé, nhưng thần thái anh phát" cũng là vì vậy.

Tướng mạo phản ánh phần nào thần thái, khí chất và tâm tính của con người. (Ảnh minh họa).

2. Trọng tài hoa

Trong cuốn "Bản sự thi", danh nhân Mạnh Khải thời Nhà Đường có ghi lại cuộc gặp gỡ của hai thi nhân là Lý Bạch và Hạ Tri Chương.

Bấy giờ, Lý Bạch lần đầu rời quê hương tới kinh đô Trường An, có trọ tại một khách điếm. Hạ Tri Chương biết tin, liền tới thăm hỏi, cũng xin Lý Bạch một cuốn thơ để đọc.

Lý Bạch đưa "Thục Đạo Nan" cho thi nhân họ Hạ. Sau khi đọc xong, Hạ Tri Chương tấm tắc khen hay, còn ca ngợi thi nhân họ Lý là "trích tiên nhân" (ý khen Lý Bạch là người nhà trời giáng trần).

Biết Lý Bạch thích uống rượu, Hạ Tri Chương khi ấy liền tháo kim bài trên người để đổi lấy mỹ tửu, cùng ông uống rượu, ngâm thơ.

Hạ Tri Chương đối với Lý Bạch, trước là cảm mến con người, sau là kính trọng tài hoa. Điều này cho thấy cổ nhân xưa cũng coi tài hoa là một phương diện để đánh giá người quân tử.

3. Xem tính cách

"Kinh dịch" có viết: "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thủy lưu thấp, hỏa tựu táo". Có nghĩa là cùng một tiếng thì dễ cộng hưởng, cùng một chí nguyện thì dễ hòa hợp, giống như nước chảy chỗ trũng, lửa tìm chỗ khô.

Sự vật giống nhau về bản chất dễ dàng tương hợp, mà con người tương đồng về tính cách cũng như vậy. Muốn hòa hợp với nhiều người, bản thân cần phải tu tâm dưỡng tính, duy trì thái độ ôn hòa, cẩn trọng.

Ở bên cạnh người hòa hợp, chẳng khác nào được nghe một khúc nhạc êm dịu, thưởng thức một tách trà nóng thơm ngát, ngắm nhìn một đóa hoa đoan nhã nở rộ, hưởng thụ sự yên tĩnh đến từ tâm tính hiền hòa, an lạc của họ.

Cốt cách thanh tao, tinh thần trượng nghĩa là điểm thu hút ở những bậc quân tử. (Ảnh minh họa).

4. Quý "thiện tâm"

Người xưa có câu "Ở hiền gặp lành", nhưng không ít người lại cho rằng, ở hiền ắt sẽ chịu thiệt, bởi "người hiền có chủ cưỡi, người hiền dễ bị làm khó".

Vậy nhưng, hiền lành, thiện lương khác với cả tin, dễ dãi. Người thiện lương không phải là kiểu người chấp nhận bị người ngoài gây khó dễ, càng không phải là tin tưởng người khác một cách bừa bãi.

Người hiền trong lòng sẽ có thiện tâm, luôn mong muốn mang tới những điều tốt đẹp cho bản thân và người khác.

Chẳng vậy mà cổ nhân đã răn dạy: "Thiện tâm là của báu, cả đời dùng mãi không hết. Thiện tâm là ruộng tốt, giúp muôn đời của cải dồi dào".

Chuyện kể rằng, Lý Thúc Đồng năm xưa là thầy giáo dạy nhạc. Trong một giờ học của ông, có học sinh ngồi dưới đọc sách tiêu khiển, lại có một người khác khạc nhổ trong giờ. Dù đang đứng trên bục giảng, nhưng thầy Lý khi ấy không hề lên tiếng.

Sau khi tan học, Lý Thúc Đồng mời hai học sinh này ở lại, dùng giọng điệu hòa nhã nhắc nhở họ lần sau không nên làm như vậy trong giờ học.

Hai học sinh định cãi cố, nhưng thầy Lý lúc ấy cúi gập người xuống, khiến họ đều cúi đầu hối lỗi trong ngượng ngùng.

Vậy mới thấy, chỉ có người thiện lương mới có sức ảnh hưởng lâu dài tới người khác. Khi một người có thiện tâm trong lòng, hết thảy mọi phù phiếm trên thế gian đều tan biến trong mắt họ, nhường chỗ cho một tâm hồn thanh bạch, nhân ái và cao thượng.

Nguồn Internet.

5. Xét nhân phẩm

Suy cho cùng, việc đánh giá một người chính là xem xét về nhân phẩm của người đó. Cũng bởi vậy mà cổ nhân xưa từng quan niệm: "Lập đức, lập công, lập ngôn" là "tam bất hủ" của đời người, trong đó đứng đầu là việc "lập đức".

Muốn làm được đại sự, trước nhất phải học cách làm người. Muốn đánh giá một con người, điều đầu tiên là phải nhìn vào nhân phẩm của họ.

Người sở hữu một nhân phẩm tốt sẽ luôn cẩn trọng, bao dung, thấu cảm. Sức hút của họ đến từ nhân cách tốt đẹp, khí chất sang quý của họ tỏa ra từ vẻ đẹp của sự nhân ái, hòa nhã.

Người nhân phẩm tốt vừa tinh tế, vừa thông minh, vừa trọng lẽ phải, vừa biết lễ độ. Mỗi câu nói của họ đều đi vào lòng người. Mỗi hành động của họ đều xuất phát từ tinh thần trọng lẽ phải, lấy nhu thắng cương.

Sự cao quý của một nhân phẩm tốt đẹp thể hiện ở việc, chỉ cần một ánh mặt, một lời nói, một cử chỉ của họ đều khiến cho người đối diện tình nguyện tin tưởng.

Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM