Có một "mỏ vàng" cực kỳ lớn bên trong những chiếc smartphone của chúng ta

31/10/2016 21:14 PM | Công nghệ

Bạn có tin rằng chiếc smartphone mình đang sử dụng lại trở thành một phần của "mỏ vàng" khổng lồ của thế giới trong vòng 100 năm nữa?

Hiện nay, chiếc điện thoại đắt nhất thế giới thuộc về "con" iPhone 6 Falcon SuperNova Pink Diamond, với trị giá lên tới 95 triệu USD (gần 2000 tỉ VNĐ).

Nhưng mà bỏ qua cái thứ đắt tiền ngoài tầm với đấy đi, mà hãy tập trung vào một sự thật như sau. Bạn biết không, chiếc smartphone bạn đang dùng là một tổ hợp của rất nhiều kim loại, từ thứ "lởm" như đồng, kẽm... đến hàng hiệu quý hiếm như vàng, bạc, bạch kim...

Và trong một cái viễn cảnh khi thế giới sẽ sớm cạn kiệt tài nguyên trong tương lai, những smartphone bị thải loại bỗng dưng trở thành một hầm mỏ kim loại quý giá với trữ lượng đáng kể.

Cụ thể điện thoại của bạn có những gì đặc biệt?

Chiếc smartphone bạn đang sử dụng có thể được ví như mỏ hỗn hợp nhiều kim loại quý hiếm. Chẳng hạn, một chiếc iPhone thông thường chứa khoảng 0,034 g vàng, 0,34 g bạc, 0,015 g paladi, 1 mg bạch kim cùng với cỡ 25g nhôm và 15g đồng.

Chưa hết nhé, một chiếc smarphone có thể chứa cả những nguyên tố - dù có nhiều trong vỏ Trái đất nhưng rất khó để khai thác - như ytri, lantan, tecbi, neoddim, gadolini và praseodymi. Đó là chưa kể đến các nguyên liệu như nhựa, kính hay pin...

Con số này nghe thì nhỏ, có vài gram thôi đúng không? Nhưng thực ra, nếu tính cả số điện thoại mà hơn 2 tỷ người trên thế giới đang sử dụng và đã thải loại, đó sẽ là một con số khổng lồ.

Trên thực tế, số lượng kim loại trong một chiếc điện thoại di động thường cao hơn đáng kể so với một khối quặng có cùng trọng lượng. Ví dụ, một tấn iPhone sẽ chứa một lượng vàng gấp 300 lần một tấn quặng vàng, và có một lượng bạc gấp 6,5 lần một tấn quặng bạc.

Gom đủ 1 tấn iPhone cũng làm nên chuyện đấy chứ...
Gom đủ 1 tấn iPhone cũng làm nên chuyện đấy chứ...

Sự lãng phí quá khủng khiếp

Cứ khoảng sau mỗi 11 tháng, 2 tỷ người sử dụng smartphone sẽ lại đổi điện thoại của mình một lần. Điều này đồng nghĩa với việc điện thoại cũ của họ sẽ nằm lăn lóc đâu đó trong tủ đồ hay bị… vứt ra đường.

Và trong số này, chỉ khoảng 10% được tái chế. Vậy 90% còn lại - hay 1,8 tỉ chiếc điện thoại - sẽ là những mỏ vàng tiềm năng nhưng có nguy cơ bị lãng quên mãi mãi.

Gom hết số điện thoại nhân loại vứt đi, ta sẽ được một khối vàng khổng lồ
Gom hết số điện thoại nhân loại vứt đi, ta sẽ được một khối vàng khổng lồ

Với tình hình hiện nay, khi mà nhiều nguồn tài nguyên đã chạm mức đỉnh điểm và không còn có thể tăng thêm được nữa, việc tận dụng những nguyên liệu quý hiếm trong smartphone sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế và môi trường.

Dầu mỏ sẽ cạn kiệt trong vòng 100 năm nữa
Dầu mỏ sẽ cạn kiệt trong vòng 100 năm nữa

Khi nhớ đến lượng kim loại rất nhỏ trong một chiếc smartphone, chúng ta có thể dễ nản chí khi nghĩ đến việc phải "khai thác" nó. Nhưng nếu xét ở một quy mô lớn, con số sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều: cứ 1 triệu chiếc điện thoại di động thì ta lại có gần 16 tấn đồng, 350 kg bạc, 34 kg vàng và 15 kg paladi.

Đó là một sự lãng phí quá ghê gớm. Vậy thử thách đặt ra là làm như thế nào chúng ta mới có thể thu hồi lại lượng tài nguyên đó một cách thật an toàn và tiết kiệm.

Trung Quốc là nước có tỷ lệ rác điện tử - bao gồm cả điện thoại di động - lớn nhất thế giới. Dân lao động và trẻ em nghèo nơi đây thường đến các bãi rác để thu nhặt các linh kiện điện tử có giá trị.

Tuy nhiên, muốn tách rời các linh kiện này, họ cần đến nhiều hóa chất độc hại, qua đó gây tác động nghiêm trọng đến môi trường. Ví dụ như thị trấn Guiyu - nơi có bãi rác điện tử lớn nhất Trung Quốc. Đất, nước, không khí tại đây bị ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng, rơi vào hàng báo động đỏ của thế giới.

Còn ở Úc, việc tái chế chất thải điện tử tại chỗ phải trải qua quá trình nung chảy công nghiệp, làm tốn kém rất nhiều chi phí và cũng không hề thân thiện với môi trường một chút nào.

Bãi rác điện tử ở Guiyu, Trung Quốc
Bãi rác điện tử ở Guiyu, Trung Quốc

Không còn giải pháp nào tốt hơn sao? Phải có chứ!

Thoạt nhìn, từ bỏ thói quen đổi điện thoại như chong chóng có vẻ là một giải pháp lý tưởng. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng không thể được thực hiện một sớm một chiều. Hơn nữa, từ bỏ thói quen này cũng đồng nghĩa với những tác động rất xấu đối với ngành kinh tế, cũng như cho doanh thu của các nhà sản xuất.

Cắm chốt đợi mua iPhone
"Cắm chốt" đợi mua iPhone

Nhà khoa học vật liệu Veena Sahajwalla đến từ ĐH New South Wales (Úc) đã nghĩ ra một giải pháp đơn giản cho vấn đề mang tính toàn cầu này. Bà nhận định, trong tương lai, chúng ta sẽ xây dựng được những "nhà máy" cực nhỏ đảm nhận việc "khai thác" tất cả các kim loại quý giá bên trong những chiếc điện thoại di động đã lỗi thời.

Cụ thể, điện thoại di động sẽ bị đập vỡ ra bằng dòng điện cao tần. Sau đó, những bảng mạch in có giá trị sẽ được lấy ra bằng robot và bỏ vào một lò nung tí hon. Lò nung này sau đó tạo những phản ứng nhiệt độ cao, được tuỳ chỉnh để chiết xuất ra những hợp kim quý giá. Bất kỳ chất thừa hay độc hại nào sẽ bị loại bỏ một cách an toàn.

Veena Sahajwalla đang thử nghiệm ý tưởng tái chế điện thoại của mình
Veena Sahajwalla đang thử nghiệm ý tưởng tái chế điện thoại của mình

Mọi quy trình đều được thực hiện tại nơi có kích cỡ bằng một kho chở hàng, hứa hẹn sẽ rất thích hợp cho ngành công nghiệp thủ công gia đình.

Bạn thấy đấy, những chiếc smartphone lỗi thời hóa ra mang giá trị nhiều hơn chúng ta tưởng.

Cùng chuyên mục
XEM