Có lẽ nhiều người sẽ ‘vỡ mộng’ làm sếp bởi câu nói này của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu

19/06/2017 10:07 AM | Kinh doanh

"Tôi không tin, ngược lại với những gì sách vở ở Mỹ nói, rằng bạn có thể dạy người ta trở thành lãnh đạo. Tôi nghĩ bạn là một nhà lãnh đạo bẩm sinh hoặc chẳng thể làm lãnh đạo", cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Tôi không tin có thể học để trở thành lãnh đạo

Lý Quang Diệu được xem là cha đẻ của Singapore hiện đại. Ông nhận được sự kính trọng không chỉ nhân dân quốc đảo này mà còn được giới chính trị gia ca ngợi: Chiến lược gia của các chiến lược gia, Thủ lĩnh của các thủ lĩnh, Bậc thầy của các bậc thầy.

"Những phẩm chất gì định hình nên một nhà lãnh đạo thành công?", một phóng viên nước ngoài lão luyện về chính trị từng đạt câu hỏi với ông.

Và đây là câu trả lời khúc chiết của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu: Những tình huống cách mạng tạo ra các lãnh tụ vĩ đại, những người đòi hỏi máu, mồ hôi và nước mắt; những tình huống thoải mái tạo ra những nhà lãnh đạo hứa hẹn với người dân một cuộc sống dễ chịu hơn nữa.

Tuy nhiên ông tin rằng khả năng lãnh đạo, khí chất của một người là do thiên bẩm. "Từ quan sát theo kinh nghiệm của tôi về con người và những lãnh tụ, tôi tin 70 - 80% năng lực, xu hướng, khí chất của một con người mang tính di truyền. Ngày bạn thụ thai, ít nhất 70% trong bạn đã được định hình trong bào thai. Nếu chắn chắn bạn là một người có năng lực, bạn sẽ trưởng thành thành người có năng lực. Nếu bạn chậm chạp, bạn chắc chắn sẽ chậm chạp. Chẳng có gì có thể thay đổi điều đó…

Tôi không tin, ngược lại với những gì sách vở ở Mỹ nói, rằng bạn có thể dạy người ta trở thành lãnh đạo. Tôi nghĩ bạn là một nhà lãnh đạo bẩm sinh hoặc chẳng thể làm lãnh đạo. Bạn có thể dạy một người trở thành nhà quản lý, nhưng không phải nhà lãnh đạo. Họ phải có động lực lớn, hứng thú đối với tri thức, sự kiên trì rất lớn và ý chí vượt khó", Lý Quang Diệu nhấn mạnh.

Theo ông, lãnh đạo là công việc rất khắc nghiệt, đặc biệt trong lãnh đạo chính trị. Là một CEO hay một vị tướng trong quân đội rất khác. Bạn không phải thuyết phục những người có thể la ó với bạn để họ đứng về phía bạn. Khi vận động tranh cử, không ai cần phải lắng nghe bạn cả. Và khi chiến dịch tranh cử kết thúc, người ta phải tin rằng bạn có gì đó cho họ mà bạn có thể làm được để khiến họ bỏ phiếu cho bạn. Điều đó đòi hỏi một loạt kỹ năng hoàn toàn khác.

Những kỹ năng đó chỉ có thể được phát triển nếu bạn có một động lực tự nhiên, một sự quan tâm bản năng đến con người, đến việc muốn làm gì đó cho họ, mà họ có thể cảm nhận được.

Công việc của nhà lãnh đạo là truyền cảm hứng và khích lệ

Có kỹ năng, tố chất nhưng nhiệm vụ của một nhà lãnh đạo cũng không hề đơn giản. Theo Lý Quang Diệu, nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo là tạo niềm tin trong người dân để họ sẵn sàng đứng lên hưởng ứng… Tuy nhiên không quân đội nào, dù can trường, có thể chiến thắng khi các vị tướng của họ yếu đuối. Các nhà lãnh đạo phải có khả năng lên kế hoạch và vạch ra con đường phía trước và kiên cường đi theo lộ trình… Khi họ cùng nhau chiến đấu và chiến thắng, một mối liên hệ sẽ hình thành giữa người dân và nhà lãnh đạo, như cảm giác tin tưởng sâu sắc và không thể lay chuyển giữa quân đội và các tướng lĩnh cùng sát cánh bên nhau trong trận chiến.

"Công việc của bạn với tư cách một nhà lãnh đạo là truyền cảm hứng và khích lệ, chứ không phải rêu rao những ý nghĩ cùng quẫn của mình. Bạn như vậy là khiến cho người dân của mình mất tinh thần", ông nhấn mạnh.

Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp không phải thuyết phục người lao động của mình theo mình. Trong một công ty đã có tôn ti trật tự, và ông ta triển khai các chính sách thông qua tổ chức. Công việc của ông ấy là thỏa mãn khách hành và cổ đông của mình. Tuy nhiên, một thủ lĩnh chính trị phải vẽ ra được tầm nhìn tương lai cho người dân của mình, sau đó biến tầm nhìn đó thành các chính sách mà ông ấy phải thuyết phục người dân là rất đáng để ủng hộ, và cuối cùng là khích lệ họ giúp mình triển khai các chính sách ấy.

Bài kiểm tra đánh giá vai trò lãnh đạo không đơn thuần nằm trong việc lặp lại những nỗi sợ hãi và nghi ngờ, đặc biệt khi những nỗi sợ hãi và nghi ngờ thật sự này có khả năng là giải pháp và bị cho là không hợp lý và vô căn cứ.

"Là người lãnh đạo rất nhiều cộng đồng, chúng tôi nhận ra những nỗi lo lắng này có tồn tại, nhưng chúng tôi phải đi đầu trong việc xua tan chúng. Chúng tôi không thể chấp nhận để cho mọi việc trôi đi một cách thụ động. Chúng tôi phải đi đầu trong suy nghĩ của công chúng. Sau khi đã thu hút được sự chú ý vào những mối quan tâm của cộng đồng đòi hỏi phải có sự bảo hộ đặc biệt, chúng tôi phải hình thành các giải pháp giúp bảo đảm những mối quan tâm này và thúc đẩy những điều tốt đẹp", Lý Quang Diệu mô tả về công việc lãnh đạo Singapore của mình.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM