Cơ hội kinh doanh từ ngành dịch vụ trị giá hơn 500 tỷ Euro nhờ đánh trúng vào tâm lý của người giàu

20/09/2017 20:22 PM | Xã hội

Giới siêu giàu ngày nay mong muốn có những trải nghiệm sang trọng độc nhất vô nhị hơn là sở hữu các vật dụng đắt tiền. Và có một số công ty đã nắm bắt được cơ hội kinh doanh bằng ‘vàng’ từ xu hướng này.

Bất cứ ai cũng đều có giới hạn, bao gồm cả Steve Sims, người sáng lập ra Bluefish, một dịch vụ hạng sang ở LA phục vụ độc quyền cho những người cực kỳ giàu có. Sims thu xếp mọi thứ từ một bữa tối yên tĩnh cho 6 người dưới chân bức tượng David của Michelangelo ở bảo tàng nghệ thuật Galleria dell’Accademia tại Florence, Ý - trong khi ăn tối, những thực khách còn được thưởng thức tiếng hát của giọng nam cao nổi tiếng người Ý Andrea Bocelli – cho đến các chuyến tham quan Titanic bằng tàu ngầm.

Tuy nhiên, khi một khách hàng tiềm năng hỏi liệu Sims có thể sắp xếp cho ông ta phát nổ một đầu đạn hạt nhân không, thì người sáng lập Bluefish buộc phải khước từ. Đó chỉ là một trong nhiều yêu cầu ‘kỳ quái’ trong thế giới của những trải nghiệm hạng sang, nơi những người giàu có không còn cảm thấy hài lòng với những chiếc túi xách Hermes Birkin hay đồng hồ Rolex nữa.

Thay vào đó, họ muốn những trải nghiệm độc nhất vô nhị mà sẽ tạo ra những kỷ niệm độc đáo và những cơ hội để khoe khoang. Và có một số ít các công ty dịch vụ độc quyền toàn cầu biến ước mơ của họ thành sự thật, tất nhiên là trong giới hạn pháp lý và đạo đức.

Những trải nghiệm thức tế cho thấy một khía cạnh đang phát triển nhanh của ngành công nghiệp/dịch vụ cao cấp. Vào năm 2016, thị trường cao cấp toàn cầu trị giá 860 tỷ Euro. Trong đó, trải nghiệm hạng sang chiếm tới 542 tỷ Euro và tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh hơn các mặt hàng/dịch vụ xa xỉ dành cho cá nhân, theo nghiên cứu mới nhất của The Boston Consulting Group.

Một sự dịch chuyển mang tính ‘địa chấn’

Keith Wilcox, phó giáo sư về marketing tại Đại học Columbia, cho rằng có một số yếu tố thúc đẩy xu hướng ưa chuộng các trải nghiệm có một không hai của giới nhà giàu.

Thứ nhất, theo Wilcox, sự phô trương rõ ràng về tài sản và địa vị đã không nhận được sự ủng hộ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngoài ra, có sự gia tăng nhận thức rằng việc mua các trải nghiệm sẽ tăng sự hài lòng với cuộc sống hơn là sở hữu các món đồ xa xỉ. Cuối cùng, các kỳ nghỉ sang trọng có xu hướng ‘không đụng hàng’ cao hơn so với việc sở hữu các sản phẩm từ các thương hiệu cao cấp.

Wilcox nói: “Các sản phẩm từ các thương hiệu cao cấp có thể đắt, so với các sản phẩm đồng loại không cao cấp khác. Nhưng một người bình thường vẫn có thể mua được một cái ví, chai nước hoa hay kể cả một chiếc túi xách. Tuy nhiên, một chuyến đi thăm safari theo yêu cầu của khách hàng ở châu Phi là điều mà một người bình thường khó có thể chi trả.”

Theo Ravi Dhar, giám đốc trung tâm thông tin khách hàng tại Yale School of Management, xu hướng này chắc chắn được thúc đẩy bởi thế hệ millennial. Nó cũng phù hợp với một xu hướng rộng hơn, trong đó người tiêu dùng thích thuê hơn là mua các tài sản từ ô tô, nhà cửa cho đến trang sức.

Thêm vào đó, những trải nghiệm khác lạ này mang lại những lợi ích tâm lý đi kèm với việc làm một thứ gì đó độc đáo. Dhar cho biết: “Mọi người thích là một trong những người đầu tiên làm một việc gì đó, biết rõ một việc gì đó, hay để thể hiện một phần bản sắc của họ với người khác.” Còn theo Wilcox, nhờ những dịch vụ độc quyền này, người giàu cảm thấy hãnh diện và làm cho lòng tự trọng của họ gia tăng.

Cách phục vụ nhu cầu của những người cực kỳ giàu có

Tất nhiên cái giá để tận hưởng các dịch vụ độc nhất vô nhị này là không hề rẻ. Tại Quintessentially của Aaron Simpson, chi phí là từ 10.000 Bảng/tháng (khoảng hơn 11.100 Euro/tháng) cho “những sự kiện trải nghiệm độc đáo mà rất ít người có thể nhìn thấy”, theo Simpson.

Đối với một khách hàng, điều đó có nghĩa là một cuộc gặp mặt và chào hỏi với Hoàng tử Harry và Coldplay trước buổi hòa nhạc từ thiện Sentebale tại cung điện Kensington. Đối với một khách hàng khác, người muốn bị mắc kẹt trên một hòn đảo hoang vào ngày sinh nhật của mình, thì Quintessentially đã tạo ra bối cảnh tương tự bộ phim Castaway trên một hòn đảo tư nhân ở Fiji.

Cũng có lần công ty này đã đóng cửa cầu Sydney Harbour để phục vụ cho một màn cầu hôn và một dịp khác, Quintessentially tổ chức một flash mob ở quảng trường Thời Đại để hát bài “Happy” của Pharrell Williams vào ngày sinh nhật của người vợ của một khách hàng.

Để đảm bảo được tính độc quyền, chi tiết về cách tổ chức các sự kiện này được giữ bí mật. Người đại diện của Quintessentially nói: “Đó là nhờ mạng lưới quan hệ cực tốt với những người có thế lực và các chính phủ toàn cầu của chúng tôi.”

Theo những người tổ chức thì vài tháng là khoảng thời gian lý tưởng để tạo ra được các sự kiện như vậy, nhưng có những sự kiện Quintessentially chỉ được báo trước vài tuần hoặc thậm chí vài ngày. Ví dụ như làm ra 10 chiếc bánh tuyệt đẹp dựa trên những mẫu điêu khắc hiện đại cho bữa tiệc sinh nhật của một người yêu nghệ thuật. Simpson nói: “Miễn là hợp pháp và hợp với đạo đức, chúng tôi sẽ hoàn thành nó.”

2 hình thức kinh doanh trong ngành dịch vụ đặc biệt

Loại hình thứ nhất là các công ty mở cửa cho tất cả mọi người, tất nhiên là những người có thể trả tiền cho dịch vụ của họ. Trong khi nhiều công ty dịch vụ cao cấp chỉ phục vụ cho thành viên của họ, thì tập đoàn Pure Entertainment ở Montreal cũng mở cửa cho cả những người không phải thành viên.

Theo CEO Steve Edo, Pure Entertainment cung cấp 5 cấp độ thành viên khác nhau, khởi điểm từ 12.000 USD/năm lên tới 50.000 USD/năm, thậm chí còn cao hơn thế đối với các dịch vụ hàng đầu. Ngoại trừ mức thành viên thấp nhất, thì tất cả các cấp độ khác bao gồm dịch vụ 24/7. Tài sản trung bình của các khách hàng là 5 triệu USD và chi phí điển hình cho một yêu cầu là trên 30.000 USD.

Ngược lại, không phải cứ có tiền là sẽ được tận hưởng các dịch vụ cao cấp, độc nhất vô nhị, nhất là nếu chúng được cung cấp bởi các công ty như Bluefish của Sims. Trái với Pure Entertainment, Bluefish với trụ sở ở Nam California rất chọn lọc thành viên. Sims cho biết: “Tôi đảm bảo rằng sẽ chỉ chấp nhận đúng khách hàng, những người làm điều này vì bản thân họ chứ không phải vì sự nghiệp hoặc những người sẽ làm tôi phải xấu hổ sau khi tôi đón chào họ (vào công ty cảu mình).”

Để trở thành thành viên của Bluefish, một khách hàng sẽ phải nộp đơn đăng ký và vượt qua một quá trình phỏng vấn. Trong số khoảng 10 người đăng ký mỗi tháng, thì thường chỉ 3 hoặc 4 người được chấp nhận. Hội viên của Bluefish phải nộp từ 5000 USD/năm và có một số điện thoại liên lạc cũng như một nhân viên lễ tân phục vụ tận tình.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM