Cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%: Bức tranh kinh tế nửa đầu năm phát tín hiệu tích cực

07/07/2017 09:45 AM | Kinh tế vĩ mô

Tăng trưởng GDP đạt 5,73%, trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh. Lạm phát 6 tháng ở mức thấp, chỉ tăng 0,2%.

Những số liệu cho đến hết nửa năm đã được công bố, bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2017 đã dần được hình thành. Những tín hiệu tích cực mới nhất trong quý II đang làm người ta dần yên tâm về một nền kinh tế khỏe mạnh, hoàn toàn có thể chạm đến mức tăng trưởng 6,7% vào cuối năm.

Những chỉ số đo lường sức khỏe kinh tế Việt Nam ấn tượng

Buổi sáng làm việc ngày 3/7, trong phiên họp trực tuyến với các lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những con số tích cực của nền kinh tế 6 tháng vừa qua. 

“Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường, mặc dù gặp khó khăn chung của quốc tế và khu vực, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả bước đầu” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phúc nhắc đến việc lạm phát 6 tháng ở mức thấp, chỉ tăng 0,2%. Đồng thời, với chỉ số tăng trưởng, sự phục hồi mạnh đã xảy ra khi nền kinh tế cán đích quỹ II ở mức 6,17% (so với mức chỉ 5,15% ở quý I). Kết quả cả nửa năm, tăng trưởng GDP đạt 5,73%, trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh.

Mục tiêu của ngành 'công nghiệp không khói' năm 2017 có lẽ cũng chẳng mấy chốc mà đạt được, khi mà hết tháng 6 thì khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trên 30%. Việt Nam chính là 1 trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch của thế giới trong nửa năm qua.

Cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%: Bức tranh kinh tế nửa đầu năm phát tín hiệu tích cực - Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam phục hồi trong quý II/2017

Việt Nam cũng đang là thị trường tiềm năng để đầu tư và kinh doanh. Bằng chứng là con số có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn gần 600.000 tỷ đồng.

Và khi điều kiện kinh doanh thông thoáng tín dụng đã tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm qua ở mức 8%. Đồng thời, thị trường chứng khoán cũng tăng cao nhất trong 9 năm qua, đã chạm đến mốc 777 điểm vào cuối tháng 6 vừa qua.

Những động lực hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng có thể kể đến như chỉ số PMI trong tháng 6 đã đạt 52,6 điểm  và xuất khẩu toàn nền kinh tế thì đã tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến việc thu ngân sách tăng mạnh. Vốn FDI cũng là điểm sáng khi đã tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đã tăng 54,8%, còn vốn thực hiện 7,7 cũng tăng đến 6,5%.

Mới đây, Thủ tướng cũng vừa ký Chỉ thị số 29 ngày 5/7/2017 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo đó, năm 2018, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,4-6,8%. 

Nút thắt đầu tư công

Cũng trong buổi làm việc hôm 3/7 nói trên, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số nút thắt đang trói buộc kinh tế Việt Nam. Rất xem trọng việc gỡ bỏ những nút thắt như vậy, Thủ tướng Phúc nhấn mạnh: "chỉ cần lơ là một chút, tăng trưởng sụt giảm ngay”.

Có nhiều nút thắt được chỉ ra như vay vốn, tín dụng, hay các dự án và chuyện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhất mạnh đến nút thắt trọng yếu của tăng trưởng nằm ở thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công.

Vào lúc này, giải ngân vốn đầu tư công chậm chính là một trong số những vấn đề gây nhức nhối: Tính đến tháng 7, giải ngân mới đạt gần 30% so với kế hoạch. Còn nhớ, ở quý I/2017 cũng như cả năm 2016 vừa rồi, chính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là một trong số những nguyên nhân đã khiến tăng trưởng chậm.

Lời giải cho bài toán giải ngân vốn đầu tư công chậm này chính nằm ở Luật Đầu tư công. Hiện tại, Luật này đang vướng vào một tình trạng được gọi là 'con gà và quả trứng'. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng nói: "Muốn thẩm định vốn phải có quyết định đầu tư, nhưng muốn có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư thì phải có thẩm định vốn. Vậy cái gì có trước?”

Cùng quan điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa một số ví dụ cho thấy yêu cầu phải sửa đổi Luật Đầu tư công. Ông kể, chẳng hạn, với các di tích quốc gia đặc biệt thì dù tu sửa rất nhỏ, địa phương cũng phải lên Trung ương xin ý kiến trong khi có giấy tờ thẩm định vốn. Tình huống con gà quả trứng đã xảy ra ở đây, từ đó làm vốn tu sửa mãi không được giải ngân.

Cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%: Bức tranh kinh tế nửa đầu năm phát tín hiệu tích cực - Ảnh 2.

Đầu tư công giải ngân chậm cũng khiến tăng trưởng chậm lại.

Kết luận nội dung thảo luận, Thủ tướng đã trực tiếp đưa ra những chỉ đạo về việc sửa đổi Luật đầu tư này. Theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ nếu đến hạn định đến tháng 9, 10 mà đơn vị, địa phương nào không giải ngân thì sẽ vốn sẽ được điều động cho đơn vị khác.

Về Luật Đầu tư công, Thủ tướng đã chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch Đầu tư rà soát những vấn đề trong luật, từ đó lấy cơ sở để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế nền kinh tế nhất.

"Hôm nay, Thủ tướng chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ liên quan rà lại, báo cáo Chính phủ trước 30/7 về những vướng mắc trong Luật Đầu tư công để trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét chỉnh sửa” - Thủ tướng nêu rõ.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM