Có hàng triệu thanh niên chưa giàu đã phế: Sự vô ý thức, ưa ổn định trong công việc chính là "mộ phần" của bạn!

17/06/2019 09:15 AM | Sống

Chính sự "vô ý thức" đã hủy hoại hàng loạt thanh niên. Họ tiến dần đến cái chêt trong sự thoải mái.

01

Trên trang Zhihu, một trang chuyên hỏi đáp của Trung Quốc, có một câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người.

Q: "Cuộc sống "bỏ đi" của một người trẻ là một trải nghiệm như thế nào?"

A: "Đó là sự ảo tưởng, tự đắc, ăn và chờ chết. Mỗi ngày, không làm được việc gì ra hồn. Ôm khư khư cái điện thoại rồi suốt ngày lướt lướt, nghĩ ra rất nhiều việc để làm nhưng rồi cuối cùng lại chẳng làm được việc gì. Đến tối, nằm xuống giường, đặt cái điện thoại xuống rồi bắt đầu suy nghĩ về cuộc đời, lên kế hoạch ngày mai phải làm cái này cái kia, nhưng ngày thứ hai vừa thức dậy bỗng phát hiện ra, thôi chết, đã trưa rồi. Lại ôm cái điện thoại tiếp tục lướt, rồi đến tối lại bắt đầu lên kế hoạch về một ngày mai hoàn hảo."

Chua xót hơn đó là có người nói "Cuộc sống bỏ đi chính là cuộc sống giương mắt lên nhìn cân nặng tăng dần đều, hiệu suất công việc lại giảm dần đều, mà vẫn còn có thể bình tĩnh tự an ủi mình rằng chơi điện thoại để giảm áp lực".

Thực ra, những người vô dụng, đầu óc họ hoàn toàn thường, cái gì nên hiểu cũng đã hiểu, cũng biết mình nên làm gì. Nhưng, họ lại thường có một cảm giác bất lực, không cách nào khống chế được cuộc sống của bản thân, để rồi hoang mang không biết phải thay đổi thế nào.

Cũng giống như khi ngẫu nhiên bắt gặp ở đâu đó viết rằng: "Hai dấu hiệu cho thấy những người trẻ tuổi vô dụng", ngay lập tức trong đầu bạn sẽ nghĩ, "Đang nói mình à?"

Những người trẻ tuổi khoác loác ấy vẫn mang trong mình lý tưởng, nhưng cũng đem theo cả sự tuyệt vọng, chưa giàu mà đã phế.

Có hàng triệu thanh niên chưa giàu đã phế: Sự vô ý thức, ưa ổn định trong công việc chính là mộ phần của bạn!  - Ảnh 1.

02

Có một câu chuyện thực tế của một blogger tin tức như sau:

Anh ấy mua pin của một cửa hàng trên Taobao, và một vài thứ đồ lặt vặt nữa, tổng cộng chưa hết 50 nhân dân tệ.

Buổi tối hai ngày sau, một bà lão gửi đồ đến. Anh thấy rất lạ, kể cả khi ở trong cùng một thành phố thì việc cửa hàng tự giao hàng đến cũng là rất hiếm. Hơn nữa, đồ của anh cũng chẳng đáng bao nhiêu nên việc này lại càng không thể xảy ra.

Bà lão nói, chủ cửa hàng là con trai bà. Con trai bà hai hôm nay tâm trạng không được tốt, cứ nằm lỳ ở nhà, không để ý đến cửa hàng. Bà trông thấy có một đơn hàng ở trong cùng thành phố nên thay con trai đi đưa hàng.

Khoảnh khắc đó, anh lại càng hiểu rõ hơn hai từ "vô dụng" là như thế nào.

Đúng vậy, cửa hàng của mình, tâm trạng không tốt thì gỡ hàng xuống hoặc báo hết hàng, thậm chí đóng một vài hôm cũng được, đằng này nằm đó tức giận rồi để mẹ đi làm việc thay mình, chẳng phải "vô dụng" thì là gì? Nói trắng ra thì chính là "đồ bỏ đi".

Các nghiêm cứu tâm lý của Trung Quốc cho thấy thứ hủy hoại khoảng 400 triệu thanh niên ở đất nước tỷ dân này không phải là nghèo đói mà là đắm mình trong sự "vô ý thức".

Dùng lời của nhà văn Li Shanglong để tổng kết lại thì đó chính là: muốn hủy hoại một người trẻ, chỉ cần ba thứ là đủ: cáp mạng, máy tính và điện thoại.

Sau đó để họ tiến dần đến cái chết trong sự thoải mái.

Từ từ làm quen với vùng thoải mái, từ từ trở thành nô lệ của cảm xúc, từ từ đánh mất những khát vọng trong tiềm thức.

Cuối cùng, từ từ trở thành một trong những thanh niên Trung Quốc "chưa giàu đã phế" trong mắt mọi người.

"Cứ chăm chăm vào màn hình điện thoại, lướt đến quên hết mọi thứ xung quanh, xem cho tới khi mắt mỏi nhừ rồi mà vẫn không biết rằng năng lực suy nghĩ của mình đang dần bị xói mòn".

Cao quá thì với không được, thấp thì lại không buồn để ý, thôi cứ sống bình bình đi vậy! Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại vẫn không can tâm, quyết tâm làm một việc gì đó, nhưng khi làm rồi lại cảm thán năng lực có hạn… Quay đầu lại thấy người khác điềm nhiên như không, chỉ có mình tự giày vò bản thân, cuối cùng mất hẳn tinh thần chiến đấu, yên lòng yên dạ trở thành một "kẻ vô dụng".

Còn một bộ phận người trẻ ở thành thị, có công việc ổn định, lĩnh lương tháng ổn định, ngày này qua năm khác, cảm thấy mình đang sống quá thoải mái rồi nên không có động lực tiến lên phía trước.

Hơn hai mươi tuổi đầu, có người thoát FA, có người thoát nghèo, còn bạn lại thoát khỏi dây cương, giống như một chú Huskey điên cuồng chạy về phía con đường "chưa giàu đã phế" kia.

Có hàng triệu thanh niên chưa giàu đã phế: Sự vô ý thức, ưa ổn định trong công việc chính là mộ phần của bạn!  - Ảnh 2.

03

Trên mạng có một bài viết như sau: "Người có tiền hơn bạn di cư hết rồi, người nghèo hơn bạn cũng chấp nhận số phận rồi, bạn chẳng còn nơi nào để đi cả, công việc của bạn chính là mộ phần của bạn", ý muốn nói rằng sự "vô dụng" là đáng xấu hổ nhưng hữu ích?

Những bữa tiệc cuối tuần vẫn sôi động như vậy, nhưng trong sự náo nhiệt đó, bạn vẫn chưa học được cách dần dần trưởng thành.

Nếu hỏi bạn, KPI của tháng này đạt tiêu chuẩn chưa? Bạn sẽ im lặng hơn bất kỳ ai.

Hoặc có lẽ là bạn vẫn còn trẻ, vẫn chưa được trải qua quá nhiều thăng trầm của cuộc sống, vì vậy, "phế" là trạng thái bình thường của bạn.

Nhưng, khi bạn nhận được một cuộc gọi từ cha mẹ ở nhà, nói rằng người thân của bạn cần tiền để đi khám bệnh, khi bạn nghỉ việc vì bất đồng với sếp, khi bạn thân của bạn bị thương trong một tai nạn xe hơi, bạn sẽ biết việc tích cực làm việc hơn khi còn trẻ, lên kế hoạch cho cuộc sống và có một số tiền tiết kiệm trong tay quan trọng tới mức nào.

Tác giả trẻ Wang Lingkai trong cuốn "Liều mạng, tận hưởng" (tạm dịch) có viết: "Hiện tại, tôi cũng đã 26 tuổi, nhưng tôi vẫn còn rất nhiều hy vọng: tôi muốn yêu, muốn ăn, nhưng cũng muốn trở thành một con cá tự do bơi dưới biển dù chỉ là trong chốc lát. Những năm qua, tôi đã bị cây búa nặng nề của cuộc sống đánh bại nhiều lần, nhưng bị thương, tôi sẽ băng bó lại, ngã xuống rồi, tôi lại tiếp tục trèo lên. Cuộc sống nghĩ rằng tôi sẽ ngày càng im lặng như một con bò già, nhưng tôi lại giống như một con sư tử, càng bị ăn đánh lại càng trở nên mạnh mẽ, càng biết cách cắn ngược trở lại, tôi của hiện tại so với tôi của tuổi 20 đã trở nên trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều."

Đúng vậy, cuộc sống của chúng ta vẫn còn quá trẻ, không nên để nó cạn kiệt đi như vậy.

Zhang Xuefeng, một giảng viên rất nổi tiếng trên mạng của Trung Quốc từng nói như sau: Nếu một đứa trẻ không muốn đi học, bạn hãy đưa chúng đến bốn nơi. Đầu tiên là bến xe khách đường dài, thứ hai là ga xe lửa, thứ ba là ga tàu cao tốc, và thứ tư là sân bay. Ở bến xe khách đường dài, hãy để chúng xem xem những người chen chúc lên xe buýt họ mặc gì, nói gì, hút thuốc gì, của hãng nào. Sau đó đưa chúng đến ga xe lửa quan sát, rồi lại đi đến ga đường sắt cao tốc, và cuối cùng là đi đến sân bay để xem. Sau đó, hãy để chúng nghĩ về loại người mà chúng muốn trở thành trong tương lai.

Khi bạn nhìn thấy những tầng lớp người khác nhau, những cuộc sống khác nhau, bạn sẽ ngay lập tức hiểu mình phải làm gì.

Mỗi ngày, tự so sánh mình với một loạt những người vô dụng không kém, ngoài việc có được sự thoải mái về tâm lý, thì nó chẳng giúp ích thêm được gì cho bạn cả.

Có một câu nói rất hay rằng: giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt. Hãy cảnh giác với những người khiến bạn ngày càng trở nên kém cỏi, khích lệ bạn sống một cuộc sống tầm thường.

Hy vọng rằng những người trẻ sẽ sớm rời khỏi vòng an toàn, sống tự giác hơn một chút, đừng để mình trở thành một người trẻ "chưa giàu đã phế".

Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM