Cô gái Việt gây dựng thương hiệu Vsmooth Coffee trên đất Thượng Hải

16/12/2018 10:28 AM | Kinh doanh

Cùng học quản trị kinh doanh tại đại học Lunghwa, Đài Loan, cô gái Việt và chàng trai người Trung Quốc đã tạo dựng nên thương hiệu cà phê đặc sản đầu tiên của Việt Nam mang tên Vsmooth Coffee ở Thượng Hải.

Trong chuyến đi Đà Lạt gặp gỡ những người trẻ trồng và kinh doanh cà phê đặc sản, tôi vô cùng ấn tượng với cặp đôi Hà Ánh, nickname là Candy Cat và Thiên Vũ, nickname Phò Mã Gia Việt Nam.

Trẻ trung, sống động, họ lôi cuốn mọi người bởi tình yêu luôn rạng ngời trong ánh nhìn họ dành cho nhau, và cho cà phê.

Cùng học quản trị kinh doanh tại đại học Lunghwa, Đài Loan, cô gái Việt và chàng trai người Trung Quốc này đã được cộng đồng mạng yêu thích đến phát cuồng bởi chuyện tình ly kỳ của họ, và thương hiệu cà phê đặc sản đầu tiên của Việt Nam mang tên Vsmooth Coffee ở Thượng Hải do hai người tạo dựng.

Vì sao chị lại chọn Thượng Hải, một thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới để khởi nghiệp với cà phê đặc sản Việt Nam?

Học quản trị kinh doanh tại Đài Loan, tôi quen biết Thiên Vũ cũng học tại trường này. Câu chuyện tình rất ly kỳ của chúng tôi không ngờ có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Khi mới qua Trung Quốc, Ánh ở Hàng Châu, với ý tưởng có thể đóng gói lại cà phê phin Việt Nam để người Trung Quốc có thể tặng quà cho bạn bè, chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp làm shop online trước, vì online chi phí đỡ hơn nhiều về mặt bằng và nhân công.

Bán những dụng cụ pha chế cơ bản như phin, bình chế nước, những hộp quà, cối xay tay, những chiếc ly nho nhỏ xinh xinh… cùng cà phê bột và sữa đặc nữa để mọi người tự pha cà phê sữa đá bằng phin hoặc mỗi người có thể tặng quà cho bạn bè.

Bán online cũng ổn, khách hàng chủ yếu giới trẻ, giới văn phòng, hoặc ai đó vừa đi du lịch ở Việt Nam về, và phát hiện ra cà phê Việt Nam rất ngon.

Bên Trung Quốc, văn hóa trà đạo mạnh hơn văn hóa cà phê, các thương hiệu nước ngoài hiện chiếm chủ yếu thị trường cà phê Trung Quốc. Còn quán cà phê do người Trung Quốc mở đa phần là những cửa hàng nhỏ, không nhiều như ở Việt Nam.

Thượng Hải là nơi có nhiều cửa hàng cà phê nhất ở Trung Quốc. Tôi nghĩ mình không thể ở mãi Hàng Châu mà phát triển được, nên đã liều lĩnh quyết định lên Thượng Hải.

Mê cà phê, thích pha chế, làm bánh… Chúng tôi muốn gầy dựng một mô hình cà phê đặc sản tiện lợi nho nhỏ ngay tại Thượng Hải, để quảng bá cho cà phê Việt. Khi nỗ lực như vậy ở đất khách quê người, sẽ mang cà phê Việt Nam đi xa.

Là con của người nông dân, tôi hiểu hơn ai hết đời sống bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường, được mùa mất giá của cha mẹ, hàng xóm tôi, tôi muốn làm điều gì đó cho quê hương mình. Sức tới đâu làm tới đó.

Cũng biết áp lực mặt bằng là vô cùng lớn, đặc biệt ở Thượng Hải còn kinh khủng hơn, nên chúng tôi không chọn mô hình quán lớn, mà đi vào thị trường ngách take away, nhưng trang trí tinh xảo, có cùng thức uống đặc sắc từ vùng quê Việt Nam như cà phê sữa đá, cà phê đen kèm bánh mì kẹp thịt, bánh mì gà xé…. Mùa hè còn có gỏi cuốn, chanh dây nữa.

Mô hình được giới cà phê sành điệu Thượng Hải chấp nhận. Chưa dám nói đến thành công lớn, nhưng khách hàng đến đây rất thích cách đóng gói bao bì tinh tế, chất lượng cà phê ngon đặc sắc, và câu chuyện thương hiệu, truyền thông rất tốt. Quán đã lên hết các báo hot của Trung Quốc nhờ câu chuyện tình khá đặc biệt, nhắc đến Vsmooth Coffee là nhắc đến Ánh - Vũ

Sắp tới đây, Vsmooth Coffee sẽ kết nối với một công ty làm cà phê đặc sản tại Đà Lạt để tổ chức tour du lịch kết hợp tham quan vườn cà phê Việt Nam, cho du khách, đặc biệt giới kinh doanh cà phê đặc sản của Thượng Hải được tìm hiểu về quá trình trồng, gặt hái, rang xay và chế biến cà phê tại đây.

Với mức giá 50 triệu đồng/tháng cho 12 mét vuông, hẳn hai bạn phải đối diện với rất nhiều áp lực khác nữa để làm nên câu chuyện cho cà phê đặc sản?

Với tôi, làm cái gì cũng phải đặc sắc. May mắn là ở Thượng Hải, người Việt bán phở thì nhiều, nhưng chưa ai làm cà phê đặc sản. Kết hợp với câu chuyện tình về hai người thích đi du lịch, chúng tôi làm nên câu chuyện tình kết nối hai quốc gia, xuyên suốt để tạo nên một cộng đồng yêu cà phê Việt.

Chính Thiên Vũ quay phim, chụp hình, tạo dựng hình ảnh cá nhân trước, sau đó mới đưa ra câu chuyện về cà phê Việt Nam, để thu hút giới trẻ đến với quán của mình.

Cửa hàng cà phê ở Thượng Hải rất nhỏ, chỉ như một cửa sổ để check in về cà phê Việt Nam thôi, nhưng do thiết kế, chụp hình rất đẹp đưa lên mạng, nên đã thu hút rất nhiều bạn trẻ đến uống.

Chọn vị trí trung tâm thành phố, nhưng không nằm trong trung tâm thương mại mà ngay đường đi cạnh ga tàu điện ngầm để thuận tiện đi lại, dễ cho mọi người tìm thấy.

Thiết kế cũng do một người bạn của Vũ, một nhà thiết kế trẻ kiêm photographer nổi tiếng đảm nhận. Anh rất thích câu chuyện của hai đứa tôi, thích cà phê, nên đã giảm giá cho chúng tôi rất nhiều, chứ nếu tính sòng phẳng thì mình không đủ tiền trả anh ấy đâu.

Với 4 ngàn cái bong bóng kết lại với nhau, mỗi tầng là mỗi màu khác nhau, mô tả một vườn cà phê, phía trên là trời xanh, mây trắng, được điểm xuyết bởi những bong bóng màu hồng đậm như những trái cà phê chín.

Cửa chính cũng là màu hồng, ánh sáng từ bốn phía đều rất lung linh, nên các bạn trẻ đến đây thường thích chụp hình. Khi giới thiệu lên những báo chuyên về thiết kế, dân trong ngành cũng rất thích.

Thiên Vũ là người viết bài và làm marketing khá tốt nhờ khả năng giao tiếp, hiểu rất rõ tâm lý khách hàng, nên lo về đối ngoại, thiết kế, hình ảnh thương hiệu và truyền thông. Còn tôi từng khởi nghiệp và… thất bại với quán cà phê ở Sài Gòn trước đây, nên khá am hiểu về sản phẩm. Tất cả sản phẩm trong cửa hàng đều do tôi thiết kế, pha chế. Toàn bộ nguyên liệu đều mang từ Việt Nam sang.

Công ty hiện có 5 người, người quản lý thiết kế, quản lý logistics. Bên Thượng Hải có rất nhiều công ty logistics để mình lựa chọn, biết được đơn hàng của mình đang đi đến đâu, đã giao hàng chưa, còn bao nhiêu lâu nữa sẽ đến. Mình còn có thể chọn giờ để giao cho khách hàng theo đúng yêu cầu.

Thương mại điện tử ở đây rất phát triển, đồng thời mọi thứ đều trong suốt, đòi hỏi mình phải tốt, giỏi, đẹp, thú vị. Vì ai cũng bán cà phê, nhưng tại sao họ đến với bạn? Điều này khiến tôi phải luôn suy nghĩ để phát triển.

Sau 8 tháng, doanh thu tăng trưởng từ hai mươi đến ba mươi phần trăm. Tới lúc này có rất nhiều nhà đầu tư muốn nhượng quyền, nhưng do hệ thống và đội ngũ còn non trẻ, nên chúng tôi không ham phát triển quá nhanh.

Từ từ, chậm mà chắc, tôi đang tuyển và đào tạo nhân viên, hoàn thiện bộ máy để sản phẩm tạo ra mang bản sắc cà phê Việt. Cần hệ thống phục vụ và nhận diện thương hiệu mạnh mẽ.

Nguồn cà phê đầu tiên chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng hải hạng, có chứng chỉ quốc tế đàng hoàng, thể hiện bằng mã vạch trong mỗi gói cà phê.

Trực tiếp nhập cà phê, nhưng nếu rang xay ở Việt Nam sau một thời gian sẽ bị giảm chất lượng. Bắt buộc phải rang ở Thượng Hải, lại phải thuê nhà rang chuyên nghiệp, có tay nghề, để làm theo gu của mình.

Tìm kiếm rất nhiều nguồn, cuối cùng chúng tôi mới tìm tới một nhà cung cấp chất lượng, cảm thấy rất ổn, và tin rằng cà phê Việt Nam sẽ đi xa, kết hợp cà phê với du lịch vườn, tháng 12 này sẽ có tour đầu tiên từ Trung Quốc sang Việt Nam thăm vườn và các hoạt động pha chế ở đây.

[BizSTORY] Cô gái Việt gây dựng thương hiệu Vsmooth Coffee trên đất Thượng Hải - Ảnh 1.

Cửa hàng cà phê ở Thượng Hải rất nhỏ nhưng do thiết kế, chụp hình rất đẹp đưa lên mạng, nên đã thu hút rất nhiều bạn trẻ. Ảnh:NVCC

Hiện cũng có thương hiệu cà phê hòa tan của Việt Nam có mặt ở Trung Quốc, bạn có ngại phải cạnh tranh với chính cà phê Việt tại nước ngoài?

Thị trường cà phê hòa tan không ảnh hưởng nhiều đến thị trường cà phê đặc sản, vì người Trung Quốc bắt đầu uống cà phê mộc, cà phê rang xay, và họ bắt đầu phát hiện ra uống cà phê hòa tan không tốt cho sức khỏe. Người Trung Quốc, đặc biệt giới trẻ rất quan tâm đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, họ sẽ tìm đến những sản phẩm tốt hơn.

Cà phê để thưởng thức mà. Trà sữa thì chỉ dành cho giới teen, còn dân kinh doanh hay giới trẻ hẹn hò đều đến quán cà phê. Cạnh tranh rất gay gắt, người làm cũng nhiều, mình cố gắng đến đâu thì cố thôi.

Thượng Hải có hơn 2.000 cửa hàng Starbucks, nhiều khi một con đường có hai cửa hàng Starbucks, Trung Nguyên cũng sắp mở nhà máy rang xay ở Thượng Hải, các thương hiệu cả phê đặc sản quốc tế đều có mặt ở Thượng Hải, nhưng "miếng bánh" còn rất lớn.

Chiến lược sắp tới của chúng tôi là mở rộng thêm nhiều cửa hàng theo kiểu nhỏ mà xinh, chất lượng phục vụ tốt. Các bạn phục vụ ở đây đều học những câu tiếng Việt như: Xin chào, cảm ơn, xin lỗi, anh yêu em… có cả chữ tiếng Việt để dạy mọi người.

Sắp tới sẽ có nhà đầu tư mới, nhưng phải cân nhắc rất kỹ để chọn người có cùng suy nghĩ, dễ làm việc hơn. Mỗi thời điểm cần nhà đầu tư khác nhau, chúng tôi muốn trước tiên phải phát triển đến 5 cửa hàng, sau đó mới tính đến nhượng quyền. Phải tạo nền tảng thương hiệu nhất định, để báo cáo tài chính thuyết phục hơn các nhà đầu tư. Chọn địa điểm giống cửa hàng tiện tích, càng tiện thì khả năng tiếp xúc khách hàng càng tốt…

Tôi mong muốn giữ được phong độ ổn định cho những đứa con tinh thần mình tạo ra. Người Thượng Hải đón nhận cà phê sữa đá Việt Nam rất hào hứng, hoàn toàn phù hợp khẩu vị của họ. Dùng chất lượng và khẩu vị để thuyết phục khách hàng, chúng tôi còn làm bánh mì để giao cho các nhà hàng Việt Nam bên cạnh. Vì bánh mì phải nhập từ Quảng Châu, Quảng Tây về không còn ngon nữa. Nhiều nhà hàng bán món Việt không có bánh mì, nên mua của chúng tôi.

Khởi nghiệp ở nơi đất khách quê người, lại lấy chồng khác ngôn ngữ có là thử thách quá lớn với riêng chị?

Thời gian đầu sang đây tôi rất sốc, vì không có bạn, ngoài chồng ra không biết nói chuyện với ai. Mỗi lần cãi nhau chỉ biết… đắp chăn khóc. Khóc mãi cũng chẳng làm được gì, thế là mở quán.

Nhờ có cà phê mà Ánh có nhiều bạn bè hơn, học hỏi được nhiều hơn. Văn hóa cà phê cũng là văn hóa giao lưu, những người chủ quán cũng thường mời nhau gặp gỡ, cùng pha chế, cùng chia sẻ thông tin, cạnh tranh lành mạnh. Ở đây có quá nhiều cơ hội và quá nhiều thử thách, cần người giỏi hơn, lỳ hơn, vì những cửa hàng mở ra rồi đóng cửa rất nhiều.

Chị có thấy sợ nhiều không khi quyết định liều lĩnh lên Thượng Hải?

(Cười ngất…) Tự tin quá đáng luôn ấy. Giống như chuyện tình hai đứa. Có một lần hai đứa đạp xe từ Thành Đô đi Tây Tạng, qua 15 ngọn núi cao trên 5 ngàn mét, nên lỳ lắm.

Tôi tự tin về cà phê Việt Nam, tự tin vì có gì là dành hết cho cà phê, từ tiền bạc, thời gian, công sức. Hai đứa giống như "cú mèo" vậy, một ngày ngủ có ba tiếng đồng hồ, làm ngày làm đêm, nhưng vui lắm.

Lớn lên cùng với những cánh rừng cà phê, ba má tôi là nông dân trồng cà phê, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dính líu đến cà phê.

Quê tôi ở Định Quán, Đồng Nai, ngay Đá Ba Chồng. Ấn tượng nhất về vùng quê là “cà phê, tiêu, điều”. Nhà ở trong khu người Hoa, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng khả năng kinh doanh.

Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, kẹo không có mà ăn. Tôi nhớ mãi mỗi mùa cà phê thường đi chọn những trái chín đỏ mút thấy vị ngòn ngọt như kẹo vậy.

Sau khi du học, tô quyết định về nước, gom hết tài sản 4 năm đại học gần hai trăm triệu mở quán cà phê cùng bạn bè, nhưng chưa đầy 1 năm thì… đóng cửa, do chưa có kinh nghiệm.

Hồi xưa hai đứa còn ở Hàng Châu, mướn 1 căn phòng 24 mét vuông vừa ở vừa làm kho, mà kho chiếm 5 mét vuông, chất từ dưới đất lên trần. Nhưng bạn bè lại cứ thích đến nhà mình ăn uống… Mình đã có thời gian làm online, có thất bại, nên chẳng sợ gì hết. Quá lắm thì mình lại về số không, có gì để mất đâu mà sợ, ngoài tuổi trẻ.

Nhưng đúng là ba má hai bên thì rất lo lắng, cứ theo hỏi hoài hai đứa: “Có chắc không?” Thử đi, được thì được, mất cũng không còn gì hối tiếc. Thế là hai vợ chồng dọn nhà bằng chiếc xe tải, vừa đi vừa bán dạo, gặp hội chợ cũng tham gia bán luôn trên xe… Từ đây quen biết rất nhiều bạn khởi nghiệp từ bán dạo, từ từ mới có tiền mở tiệm.

Giới trẻ thích hai đứa có lẽ vì… quá điên! Nhờ cà phê mà chúng tôi quen với nhiều người bạn rất thú vị, trải qua quá trình vậy thấy rất ý nghĩa. Có lúc sụp đổ tột cùng chỉ còn thấy mắc cười! Trải qua quá trình vậy, nhiều khi anh hay hỏi tôi: “Lấy anh quá khổ phải không?”. Tôi nói không anh, hồi xưa em ở Việt Nam còn quá khổ cũng không sao hết.

[BizSTORY] Cô gái Việt gây dựng thương hiệu Vsmooth Coffee trên đất Thượng Hải - Ảnh 2.

Hà Ánh thích đi dạy tiếng Anh cho các em bé miền núi. Ảnh:NVCC


Hai người hợp nhau nhất ở điều gì?

Hai đứa quen nhau không dễ dàng, ban đầu cha mẹ rất lo lắng, sợ con gái sang Trung Quốc làm dâu, một ngày nào đó tỉnh dậy mất một bên… nội tạng! Còn bên nhà trai thì lại sợ gái Việt Nam qua một ngày nào đó nhà cửa tan hoang, vàng bạc châu báu… đi hết!

Sau một quá trình kiên trì tìm hiểu nhau, kiên trì thuyết phục gia đình, hai bên đều hiểu nhau hơn. Trong những năm tháng xa nhau chỉ yêu qua… điện thoại, nhưng mỗi năm chúng tôi đều hẹn nhau cũng đi du lịch ở một đất nước nào đó, từ Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia… Năm tốt nghiệp đại học, 22 tuổi, tôi đã cùng anh hẹn hò.

Hai đứa có cùng suy nghĩ về cuộc sống, về nhân sinh quan. Tôi không giỏi về cách thể hiện lắm, nhưng anh ấy sẽ dạy tôi. Anh ấy không giỏi tinh tế trong cuộc sống, mình sẽ hỗ trợ anh ấy. Tình cảm khó nói lắm, nó là sợi dây gắn kết vô hình mà, không dễ dàng mà đến với nhau được, có nhiều thử thách lắm…

Tôi chịu anh nhất là đã cùng mình đạp xe đến Tây Tạng. Trong quá trình đói khát, mỗi lần kiếm được đồ ăn anh ấy đều cho mình ăn trước. Có khi chỉ còn lại chút nước, anh ấy luôn nói uống rồi, nhưng nhìn môi anh ấy khô, tôi biết là anh nhường nước cho tôi. Người đàn ông trong lúc đói sẽ bộc lộ bản chất rõ nhất, đó là người đáng tin cậy.

Ngọn lửa tình yêu đã tiếp sức cho hai người trong mọi thứ?

Nhiều khi làm việc chung cãi nhau, mình muốn… tự sát không dưới mười đầu ngón tay! Chắc anh ấy cũng vậy, vì bất đồng ngôn ngữ. Nhưng may là lúc cãi nhau bằng tiếng Trung, mình bị quên từ, không phản ứng kịp, thế là im lặng. Nhờ thế bình tĩnh lại… Càng gần nhau, mâu thuẫn diễn ra thường xuyên, nhờ thế hiểu nhau nhiều hơn.

Anh rất tâm lý, hiểu nam và nữ khác nhau, không cầu toàn được. Mình có thói quen khi giận thì đi trồng sen đá và trồng cây, còn anh coi clip, thế là… hết giận.

Mình con nông dân, không có thói quen chia sẻ sâu, anh lại có thói quen chia sẻ với ba mẹ, dạy cho mình cách trò chuyện với ba mẹ nhiều hơn. Mỗi tuần hai đứa đều có một cuộc hẹn hò để nói hết những điều mình còn ấm ức trong lòng, đến khi hết sạch mới thôi. Đặc biệt khi làm việc bằng tình cảm khác nhau nhiều lắm. Đây là công việc, em sai thì anh la là bình thường.

Vậy hai người ai làm sếp?

Hai đứa y chang nhau, đứa nào cũng muốn làm sếp. Nhưng dần dần chúng tôi hiểu ra, lĩnh vực nào anh ấy giỏi như thiết kế, marketing… thì mình phải nghe theo, còn về sản phẩm, độ tinh tế thì anh ấy phải nghe mình nhiều hơn. Ai làm việc nấy, phân công rõ ràng, sai thì sửa, cố gắng học.

Có điểm tôi rất thích ở anh, tôi là một phụ nữ ham học, anh ấy học gì cũng chia sẻ với tôi, hai đứa học ngôn ngữ của nhau, học tiếng Anh chung, học cả tiếng Nhật nữa. Nhiều mục tiêu chung cùng học với nhau, vừa làm bạn, vừa cùng làm việc, luôn cảm thấy có một bờ vai cùng mình tiến về phía trước.

Anh ấy cũng chính là mối tình đầu của tôi. Hồi xưa tôi đen lắm, tóc thì ngắn ngủn như con trai, giờ quen anh thì… thùy mị hơn chút xíu. Nhưng tính cách thì vẫn vậy, không hề thay đổi. Mỗi lần gặp bạn bè, có một câu mà tôi rất vui: “Sau bao năm mà mày vẫn y vậy”.

Giữ được sự trong sáng, nhiệt huyết, dù cuộc đời có nghiệt ngã đến đâu. Tôi rất thích câu nói: "Tôi cố gắng không phải để thay đổi thế giới mà để thế giới không làm đổi thay chính mình."

Tôi thích đi dạy tiếng Anh cho mấy em bé ở các vùng núi, tôi đi Tây Tạng nhiều, đến để giúp đỡ các em. Tôi thích trẻ em, giúp được các em cái gì thì giúp… Vì mình may mắn, nên mình sẽ cố gắng nhiều hơn để giúp đỡ ai đó nhiều hơn.

Theo Kim Yến

Cùng chuyên mục
XEM