Có đến 15 nghìn ngôi chùa, tổ chức 8 nghìn lễ hội mỗi năm, vì sao Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh?

13/02/2019 10:30 AM | Xã hội

Trong xu thế phát triển hiện nay, nhu cầu hưởng thụ các sản phẩm du lịch văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh là ngày càng tăng. Đây có thể coi là nguồn lực kích thích phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt thông qua hoạt động du lịch.

Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo, Việt Nam hiện nay có gần 15 nghìn ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích Việt Nam, chưa kể đến các di tích tâm linh khác như đền, miếu,... Với sự xuất hiện của các công trình tín ngưỡng tôn giáo trải dài suốt mọi miền đất nước, Việt Nam có lợi thế lớn trong việc khai thác ngành du lịch văn hóa tâm linh.

Mỗi tỉnh từ Bắc chí Nam đều sở hữu tối thiểu một công trình tín ngưỡng tôn giáo đặc sắc. Tiêu biểu như ở Hà Nội có tứ trấn thành Thăng Long (đền Quán Thánh, đền Kim Liên, đền Voi Phục, đền Bạch Mã), chùa Trấn Quốc, chùa Hương. Ở Ninh Bình có chùa Bái Đính, nhà Thờ Phát Diệm; ở Huế có chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu, điện Hòn Chén; ở Đà Nẵng có "tam giác tam linh" (3 ngôi chùa Linh Ứng ở Bà Nà, Ngũ Hành Sơn và bán đảo Sơn Trà); ở Nha Trang có chùa Long Sơn, nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang (còn gọi là nhà thờ núi hay nhà thờ đá), tháp Bà Po Nagar; ở thành phố Hồ Chí Minh có chùa Giác Lâm, miếu Bà Thiên Hậu, nhà thờ Đức Bà…

Đến với các di tích văn hóa tâm linh, du khách sẽ được trải nghiệm, thấu hiểu các giá trị cốt lõi về văn hóa nhận thức, văn hóa ứng xử và văn hóa tổ chức của cộng đồng địa phương và tín đồ của các tôn giáo. Hơn nữa, các công trình này thường được xây dựng tại những nơi có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, làm tăng những trải nghiệm thú vị khi tiếp cận với các không gian văn hóa tâm linh.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước tổ chức gần 8 nghìn lễ hội mỗi năm. Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Trong đó, có hơn 7 nghìn lễ hội dân gian, mang đậm đà bản sắc dân tộc, hơn 500 lễ hội tôn giáo, hơn 300 lễ hội lịch sử, còn lại là các lễ hội du nhập từ nước ngoài và lễ hội nhỏ khác.

Lễ hội đón nhiều du khác nhất là Lễ hội đền Hùng với 7 đến 8 triệu lượt khách mỗi năm, thứ hai là Lễ hội Yên Tử với 2 triệu lượt khách và Lễ hội chùa Hương với 1,5 đến 2 triệu lượt hàng năm.

Lợi thế lớn là thế, nhưng so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam chưa thực sự tận dụng được hết tiềm năng phát triển ngành du lịch tâm linh.

Theo nghiên cứu "Du lịch tâm linh tại Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn" của Thạc sĩ Dương Đức Minh, khách của ngành du lịch văn hóa tâm linh chủ yếu là khách du lịch nội địa, chứ khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích tâm linh không nhiều. Ước tính năm 2012 chỉ có khoảng 12% khách quốc tế có đến tham quan các điểm du lịch tâm linh.

 Có đến 15 nghìn ngôi chùa, tổ chức 8 nghìn lễ hội mỗi năm, vì sao Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh?  - Ảnh 1.

So sánh với "anh bạn" Thái Lan, Việt Nam vẫn còn kém xa về lượng khách quốc tế và hoạt động quảng bá du lịch văn hóa tâm linh và lễ hội. Nổi bật nhất tại quốc gia này là lễ hội té nước trong Tết cổ truyền Songkran. Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết, lễ hội này thu hút đều đặn khoảng 500 nghìn khách du lịch và đóng góp khoảng hơn 15 tỉ THB tương đương 427 triệu USD trong mỗi mùa lễ hội. Kể cả vào những năm hạn hán, lễ té nước truyền thống vẫn diễn ra, bởi đây là cơ hội để người Thái xúc tiến phát triển du lịch.

Hay như Lễ hội hành xác Thaipusam ở Malaysia, tôn vinh thần Subrahmanya hay thần Murugan – vị thần tượng trưng cho đức hạnh, tuổi trẻ và sức mạnh, cũng là vị thần chống lại cái ác theo đạo Hindu. Lễ hội này tuy vô cùng rùng rợn nhưng lại kích thích trí tò mò của những du khách ưa mạo hiểm. Thaipusam từng nằm trong danh sách những lễ hội đáng sợ nhất thế giới, thu hút lượng khách du lịch ổn định hàng năm đến để tham dự.

Qua đó có thể thấy, vấn đề của du lịch tâm linh Việt Nam hiện nay chính nằm ở việc chưa thể hiện được bản sắc rõ nét. Sự kết hợp các yếu tố của lễ hội dân gian trong các lễ hội du lịch nhiều lúc vụng về, chắp vá khó được du khách chấp nhận, khiến cho các lễ hội này trở nên pha tạp, lai căng, kém hấp dẫn.

Trong khi đó, ngành du lịch chưa quảng bá rộng rãi những nét văn hóa tâm linh đặc trưng và các lễ hội Việt Nam đến với bạn bè thế giới, hay phát triển mạnh các hoạt động trải nghiệm thực tế, hoạt động thể thao tinh thần như thiền tịnh, yoga hướng tới sự cân bằng, thanh tao, siêu thoát...

Bên cạnh đó, những vấn nạn nhức nhối diễn ra hằng năm hay chiêu trò xảy ra ở các Lễ hội tâm linh như chen lấn xô đẩy, cướp lộc, trộm cắp, bán hàng hóa chất lượng kém xung quanh lễ hội, chèn ép, tranh giành khách, cò mồi, giá cả dịch vụ ăn uống, lệ phí chưa hợp lý,... vẫn chưa giảm nhiều. Đây chính là những yếu tố cản trở du khách đến với văn hóa tâm linh Việt Nam.

Theo Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
XEM