Có công việc ổn định, tiết kiệm được 100 triệu đồng, muốn kinh doanh homestay tại Hà Nội nên bắt đầu từ đâu?

22/11/2018 10:57 AM | Kinh doanh

Sức hút của ngành dịch vụ homestay nhanh chóng lan rộng tới giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam cho tới những cá nhân đam mê kinh doanh.

Giữa năm 2015, hệ thống chia sẻ phòng nổi tiếng thế giới Airbnb bước chân vào Việt Nam. Ở thời điểm cách đây 2 năm, Airbnb chỉ mới giới thiệu chừng vài ngàn phòng thuê, tập trung tại thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Đến nay, theo số liệu cung cấp bên lề sự kiện công bố Khảo sát khách sạn Việt Nam năm 2018 diễn ra hồi tháng 7, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng này tại Hà Nội và Tp.HCM.

Số lượng này bằng tổng số phòng của tất cả các khách sạn từ 2-4 sao của Tp.HCM, một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước. (Theo số liệu từ Sở Du lịch Tp.HCM, hiện toàn thành phố này có 341 khách sạn từ 2-4 sao, với 16.912 phòng).

Nhiều chuyên gia và chủ khách sạn, đặc biệt là khách sạn có quy mô nhỏ lo ngại, nếu phát triển với tốc độ này thì trong thời gian không lâu nữa, những chủ nhà cho thuê phòng qua ứng dụng Airbnb sẽ là một đối thủ lớn với các khách sạn truyền thống.

"Dịch vụ chia sẻ phòng đang phát triển rất nhanh và khó có thể kìm hãm được. Hiện tại, nhiều khách sạn từ 1-3 sao đang bị ảnh hưởng", ông Tào Văn Nghệ, một chuyên gia trong ngành khách sạn chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Sức hút của ngành Dịch vụ du lịch này cũng nhanh chóng lan rộng tới giới khởi nghiệp Việt Nam cho tới những cá nhân đam mê kinh doanh. Trong chương trình talkshow mới đây của Nhà đẹp TV, nhiều người trẻ có thu nhập ổn định và tiết kiệm được 1 ít vốn rất hào hứng với mô hình kinh doanh homestay.

"Em hiện tại đang ở Hà Nội, là biên tập viên đài truyền hình nhà nước. Em có thu nhập ổn định và tiết kiệm được 100 triệu, muốn làm kinh doanh homestay thì nên bắt đầu như thế nào?", một bạn nữ đặt câu hỏi dành cho các đại diện đến từ 2 thương hiệu homestay Urban Gateaway và LeBleu.


Tìm người hợp tác chung như thế nào?

Với mức vốn không quá nhiều, đa số các bạn trẻ lựa chọn phương án tìm 3-4 người để hợp tác cùng, mỗi người phụ trách một mảng từ dịch vụ cho tới giấy tờ. Tuy nhiên theo 2 nhà sáng lập của LeBleu, việc hợp tác làm homestay cần phải xác định ai mạnh mảng gì và tổng số vốn chung của mọi người có thể góp được là bao nhiêu.

"Ví dụ bạn giỏi về tài chính thì bạn có thể cần 1 người giỏi về luật để có thể lo các công việc giấy tờ. Mình nghĩ có thể là 2 người đã là đáp ứng được", Trương Trang (đồng sáng lập LeBleu) chia sẻ.

Còn về thẩm mỹ, Trang cho biết hiện có nhiều kiến trúc và kiến trúc sư nội thất đảm nhiệm. Điều quan trọng nhất là bạn cần vững về tài chính, tìm ra hướng đi riêng bởi Hà Nội hiện có rất nhiều homestay. Và hiện giới làm homestay Hà Nội rất đẹp, có thẩm mỹ nên cầm tìm hướng đi mới để khi mọi người nhắc đến homestay của bạn sẽ nhắc đến yếu tố gì. Ví dụ như Lebleu là sống chậm, căng thẳng quá tìm đến chỗ đi trốn ngay tại Hà Nội.

"Tùy thuộc vào quy mô bạn muốn làm một căn nhà trong phố cổ thì có thể tự làm hoặc làm cùng 1 người khác. Hoặc như có 10 nhà thì 2 người có khi cũng thiếu", Trang cho biết thêm.

Đối với Maika (đồng sáng lập LeBleu), việc hợp tác 1 người, 2 người hay nhóm người không quan trọng, quan trọng là tìm được người lấp đầy chỗ còn thiếu của bạn hay không. Đồng thời các bạn có tìm được người có tiếng nói chung với nhau hay không, bởi dù có bổ sung được điểm yếu của nhau nhưng không có tiếng nói chung thì cũng khó kết hợp.


Ý tưởng sáng tạo rất quan trọng

Có công việc ổn định, tiết kiệm được 100 triệu đồng, muốn kinh doanh homestay tại Hà Nội nên bắt đầu từ đâu? - Ảnh 1.

"Hiện nay bọn mình quản lý mấy chục homestay nhưng cũng chỉ làm 1 mình. Với mình suy nghĩ khác", Lê Kiên Trung (sáng lập Urban Gateaway) cho biết. Theo anh Trung, hiện miếng bánh homestay nhiều người muốn ăn nhưng đã bị băm nát. Người làm homestay cần có miếng bánh mới cho mình, từ đó dễ có người đến chia sẻ cùng mình.

"Điều quan trọng nhất là sáng tạo. Chọn ra được gu tốt, địa điểm thú vị, tìm khách hàng cũng dễ dàng hơn. Từ đó, cần có idea (ý tưởng) cho sản phẩm thú vị thay vì làm như bao nhiêu homestay khác", anh cho biết.

Đồng ý với Lê Kiên Trung, 2 đồng sáng lập của LeBleu cho biết để kinh doanh homestay ban đầu phải có 1 ý tưởng định hướng. 

Với Trương Trang và Maika, định hướng ban đầu của họ là mang văn hóa Việt Nam ra bạn bè quốc tế, chia sẻ, kết nối. Tuy nhiên khi càng làm thì các ý tưởng khác nhau sẽ đến. Sau một thời gian Trang và Maika nhận thấy việc du lịch đang thiếu lifestyle, hướng dẫn kỹ năng nên LeBleu tổ chức thêm các dịch vụ đáp ứng điều này để tạo ra sự khác biệt.

Với Urban Gateaway, cách Trung làm là chia sẻ văn hóa Thái Lan tới cộng đồng người Việt Nam, định hướng người đi du lịch homestay văn minh, nhiều trải nghiệm.


Địa điểm, địa điểm và địa điểm

Có công việc ổn định, tiết kiệm được 100 triệu đồng, muốn kinh doanh homestay tại Hà Nội nên bắt đầu từ đâu? - Ảnh 2.

Trương Trang và homestay Le Bleu.

"Trong ngành này có 3 yếu tố quyết định sự thành công rất quan trọng: Thứ 1 là location, thứ 2 là location, thứ 3 là location. Địa điểm quyết định rất nhiều thứ", Trung chia sẻ. Do đó để tìm ra địa điểm phù hợp, người muốn kinh doanh homestay cần xác định được khách hàng mục tiêu của mình là ai, ai sẽ là người sử dụng sản phẩm của bạn để từ đó tìm ra được địa điểm cho phù hợp.

Địa điểm cũng quyết định đến vốn đầu tư cho mô hình kinh doanh homestay. Theo đó với vị trí không quá đắt đỏ, khách hàng mục tiêu bình dân và không phải sửa chữa gì thì mức 30 triệu cũng đã có thể bắt đầu kinh doanh homestay.

Lấy ví dụ một trường hợp khác là khi bạn có một căn nhà 5 phòng ở khu vực hồ Tây thì nên làm apartment thay vì homestay. Theo lý giải của Trang Trương, khách du lịch thường thích ở phố cổ thay vì các địa điểm khác. Ngoài ra Hà Nội là điểm trung chuyển để khách du lịch nước ngoài đến các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai. Do đó đối tượng này chỉ ở tại Hà Nội tầm 5 ngày và muốn ở phố cổ hơn là khu vực xa hơn.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM