Có chứng chỉ CFA danh tiếng nhưng vẫn “sấp mặt” trong đầu tư chứng khoán, đây là lý do!

12/03/2017 10:36 AM | Kinh doanh

CFA không chỉ mang đến cơ hội nghề nghiệp cao mà còn mang lại kiến thức với khả năng ứng dụng cao trong ngành tài chính. Dù vậy, điều này không có nghĩa rằng nếu có CFA bạn sẽ thành công trong đầu tư chứng khoán.

CFA (the Chartered Financial Analyst) là chương trình học phân tích tài chính và được cấp chứng chỉ bởi Hiệp hội CFA Hoa Kỳ. CFA được xem như một chuẩn mực đánh giá năng lực, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của người hoạt động trong lĩnh vực tài chính cũng như giới đầu tư.

Chương trình CFA được công nhận rộng khắp trên khắp thế giới và giúp người học có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Ngay tại Việt Nam, CFA hiện là một trong những điều kiện để các ứng viên có thể gia nhập vào các bộ phận quan trọng tại ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, bảo hiểm…

Có thể nói, chứng chỉ CFA không chỉ mang đến cơ hội nghề nghiệp cao mà còn mang lại kiến thức với khả năng ứng dụng cao trong ngành tài chính. Dù vậy, điều này không có nghĩa rằng nếu có CFA bạn sẽ thành công trong đầu tư chứng khoán – một lĩnh vực quan trọng của ngành tài chính. Dưới đây là những lý do khiến nhiều người gặp thất bại trong đầu tư chứng khoán ngay cả khi đã có CFA:

Quá tin vào các con số

Trong quá trình đầu tư, việc tìm hiểu, phân tích doanh nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên, hầu hết mọi người khó có cơ hội tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp để tìm hiểu hoạt động mà thường chỉ tìm hiểu qua các con số trong báo cáo tài chính.

Với người học CFA, họ thường khá tự tin vào khả năng phân tích số liệu của mình rồi từ đó đưa ra các quyết định đầu tư. Rõ ràng, đây là thế mạnh của những người có CFA so với phần còn lại.

Dù vậy, nếu chỉ tập trung vào các con số trong báo cáo tài chính sẽ là không đủ bởi những con số này hoàn toàn có thể chưa phản ánh trung thực về tình hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những số liệu từ báo cáo tài chính thường phản ánh quá khứ mà không thể cho biết đầy đủ về tình hình hiện tại. Do đó, việc chỉ tập trung vào phân tích cơ bản, báo cáo tài chính sẽ là chưa đủ giúp bạn thành công trong đầu tư chứng khoán.

Không kiểm soát được tâm lý

Những người có CFA hầu hết là những người có chỉ số thông minh IQ khá tốt. Tuy vậy, trong đầu tư chứng khoán, những người thành công nhất chưa hẳn là những người thông minh nhất. Đôi khi, những người có IQ cao lại là đối tượng thua lỗ triền miên.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói rằng: "Đầu tư không phải trò chơi mà một người với chỉ số IQ 160 thắng một người có chỉ số IQ 130". Đó là câu nói rất thẳng thắn, thực tế đã chứng minh sự đúng đắn của nó khi việc đầu tư thành công không dựa vào chỉ số IQ của người tham gia đầu tư chứng khoán.

Ví dụ điển hình nhất là trường hợp nhà bác học lỗi lạc Issac Newton từng thua lỗ nặng nề trong đầu tư chứng khoán khi không kiểm soát được tâm lý, dẫn tới việc mua đỉnh, bán đáy. Sau này, ông đã để lại một câu nói nổi tiếng: “Tôi có thể tính toán được chuyển động của các vì sao, nhưng chẳng thể nào đo được sự điên rồ của con người” (I can calculate the movement of stars, but not the madness of men).

Qua ví dụ trên, có thể nói IQ hay kiến thức tài chính cũng chỉ quyết định một phần trong đầu tư chứng khoán. Một điều quan trọng khác trong đầu tư là phải kiểm soát tâm lý tốt để tránh đưa ra những quyết định sai lầm.

Trên thực tế, việc mua bán đúng thời điểm là điều rất quan trọng với nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bởi vì nếu mua sai thời điểm thì dù cổ phiếu có tốt đến đâu thì cũng chịu rủi ro ngắn hạn và dẫn tới thua lỗ. Và để mua bán đúng thời điểm, bên cạnh những kiến thức có được thì một yếu tố không thể bỏ qua chính là kiểm soát tốt tâm lý.

Không có chiến lược rõ ràng, không phân biệt giữa đầu tư và đầu cơ

Thực ra, đây là vấn đề vô cùng nan giải bởi việc kiên định theo con đường đầu tư là tương đối khó khăn. Hầu hết những người tham gia TTCK, bao gồm cả những người có CFA thường có suy nghĩ sẽ đầu tư dài hạn cổ phiếu thay vì đầu cơ ngắn hạn. Tuy nhiên, mọi việc thường diễn ra không như chiến lược ban đầu của họ.

Bởi lẽ, việc đầu tư nắm giữ cổ phiếu còn cần sự kiên định. Đôi khi cổ phiếu tốt nhưng chưa tăng giá sẽ khiến nhà đầu tư sốt ruột, vội vàng bán ra tìm kiếm cơ hội khác. Khi đó, việc đầu tư nắm giữ lại xoay chuyển thành đầu cơ và nhà đầu tư sẽ chịu không ít rủi ro nếu đua lệnh mua các cổ phiếu đầu cơ tăng nóng khác trên thị trường.

Theo Tuấn Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM