Có 3 cấp độ lãnh đạo, người làm sếp muốn nhân viên trung thành nên chọn cách thứ 3

18/10/2018 16:01 PM | Kinh doanh

Quyền lực thực sự của người lãnh đạo bắt nguồn từ tính cách đáng kính trọng và từ việc thực hành các công cụ quyền lực theo các nguyên tắc nhất định.

Ba loại quyền lực

Phương pháp đánh giá năng lực lãnh đạo hiệu quả nhất là nhìn vào những người đi theo và tìm hiểu tại sao họ lại đi theo nhà lãnh đạo đó. Các lý do rất đa dạng và phức tạp, nhưng có thể xét từ ba cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ lại có những căn nguyên, động cơ và tâm lý khác nhau.

Ở cấp độ thứ nhất, người ta đi theo vì sợ hãi – họ e ngại hậu quả xấu có thể xảy ra nếu họ không làm theo mệnh lệnh. Điều này có thể được gọi là quyền lực cưỡng bức. Do sợ hãi về các hậu quả tiêu cực tiềm tàng, họ buộc phải khuất phục, "dĩ hòa vi quý" hoặc bày tỏ "lòng trung thành" bằng lời nói suông, hay hứa cho qua chuyện. Nhưng sự cam kết của họ rất hời hợt, còn nguồn lực của họ dễ biến thành nhân tố phá hoại và hủy diệt khi "không có ai theo dõi" hay khi không còn sự răn đe nữa. 

Cấp độ thứ hai, người ta đi theo vì sẽ nhận được một số lợi ích nào đó. Điều này có thể gọi là quyền lực lợi ích, bởi vì trong mối quan hệ này quyền lực được đặt trên cơ sở trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Những người đi theo có những thứ mà người lãnh đạo cần (thời gian, năng lực, các nguồn lực cá nhân, mối quan tâm, tài năng, sự ủng hộ…), còn người lãnh đạo có những thứ mà những người kia muốn (thông tin, tiền bạc, sự cất nhắc, sự ưu ái, sự an toàn, cơ hội, và những thứ tương tự). Những người đi theo tin rằng người lãnh đạo có thể và sẽ làm điều có lợi cho họ nếu họ làm điều có lợi cho người lãnh đạo. Đây là hiện tượng thường thấy trong hoạt động hàng ngày, từ các tổ chức, tập đoàn trị giá hàng tỉ đô-la, cho đến cuộc sống gia đình.

Cấp độ thứ ba khiến người ta đi theo nhà lãnh đạo có sự khác biệt về thể loại và mức độ so với hai cấp độ trước, bởi nó dựa trên quyền lực mà một số nhà lãnh đạo có được đối với những người khác – những người tin tưởng vào họ và vào điều mà họ đang cố gắng thực hiện. Đây không phải là niềm tin mù quáng, sự tuân thủ thiếu suy nghĩ hoặc chấp hành một cách máy móc, mà là sự cam kết có ý thức, toàn tâm toàn ý và hoàn toàn tự nguyện. Đây chính là quyền lực lấy nguyên tắc làm trọng tâm.

Gần như mỗi người đều từng trải nghiệm loại quyền lực này vào một thời điểm nào đó, với tư cách là một người đi theo, trong mối quan hệ với thầy giáo, với cấp trên, với các thành viên trong gia đình hoặc với người bạn là người có ảnh hưởng và có ý nghĩa sâu sắc đối với mình. Cũng có thể đó là người đã cho họ một cơ hội để thành công hoặc vươn lên, cổ vũ những lúc gian truân, hoặc đơn thuần là luôn có mặt khi chúng ta cần đến. 

Tác động của quyền lực

Mỗi loại quyền lực nói trên có một nền tảng khác nhau và dẫn đến những kết quả khác nhau.

Quyền lực cưỡng bức dựa vào nỗi sợ hãi của người lãnh đạo lẫn người đi theo. Các nhà lãnh đạo thiên về quyền lực cưỡng bức sợ rằng ý muốn của họ không được phục tùng. Đó là cách tiếp cận "cây gậy to" – một phương pháp tiếp cận ít người ủng hộ công khai nhưng vẫn sử dụng. Ở đây, nhà lãnh đạo cho rằng phương pháp này là hợp lý trước tình hình có nhiều mối đe dọa lớn hơn đang lơ lửng trên đầu, và đó là một việc làm "tùy cơ ứng biến" có vẻ sẽ mang lại hiệu quả vào lúc đó.

Người lãnh đạo dùng nỗi sợ hãi để kiểm soát người khác cần thấy rằng sự kiểm soát này chỉ mang tính chất đối phó và tạm thời, và sẽ không còn tồn tại khi người lãnh đạo hay hệ thống kiểm soát không còn nữa. 

Có 3 cấp độ lãnh đạo, người làm sếp muốn nhân viên trung thành nên chọn cách thứ 3 - Ảnh 1.

Sự sợ hãi thường kích thích năng lượng sáng tạo của những người đi theo, liên kết họ với nhau để phản kháng theo những cách thức không thể kiểm soát được. Quyền lực cưỡng bức chất thêm gánh nặng tâm lý và cảm xúc cho cả người lãnh đạo lẫn những người đi theo, khuyến khích sự nghi ngờ, lừa dối, không trung thực, và về lâu dài là đưa đến sự tan rã. 

Hầu hết các tổ chức được liên kết với nhau bằng quyền lực lợi ích. Quyền lực lợi ích dựa trên ý thức về sự bình đẳng và công bằng. Chừng nào những người đi theo còn cảm thấy điều họ nhận được là thỏa đáng với điều họ cho đi thì mối quan hệ còn được duy trì. Sự tuân thủ dựa vào quyền lực lợi ích có vẻ giống như việc gây ảnh hưởng hơn là sự kiểm soát. Hành động của những người đi theo được tôn trọng và công nhận, nhưng dưới góc độ "người mua chịu trách nhiệm kiểm hàng". 

Các nhà lãnh đạo được đi theo bởi vì điều đó thiết thực đối với những người đi theo. Những người đi theo được tiếp cận với những gì mà người lãnh đạo kiểm soát – thông qua địa vị, trình độ chuyên môn hay uy tín của người lãnh đạo. Bản chất của việc tuân theo dựa vào quyền lực lợi ích vẫn mang tính chất đối phó, tuy sự đối phó có xu hướng tích cực hơn là tiêu cực.

Các mối quan hệ dựa trên quyền lực lợi ích thường dẫn đến chủ nghĩa cá nhân hơn là tinh thần đồng đội và tính hiệu quả tập thể, bởi vì mỗi cá nhân chỉ tập trung sự chú ý vào góc nhìn và ý muốn của riêng mình. Vai trò của cá nhân có thể thay đổi khi nhu cầu và mong muốn của họ thay đổi. 

Ngoài ra, hình thức đạo đức tình huống cũng được nuôi dưỡng, theo đó, cá nhân quyết định điều gì là tốt đẹp, là đúng đắn và công bằng, bất chấp các giá trị chung của tổ chức. Trong trường hợp xấu nhất, quyền lực lợi ích phản ánh các yếu tố của công lý thường thấy trong một xã hội ưa kiện tụng, với các phiên tòa thực thi công lý trong các vụ thôn tính, ly hôn hay phá sản. Trong trường hợp tốt nhất, quyền lực lợi ích phản ánh ý muốn duy trìmối quan hệ, dù là quan hệ kinh doanh hay quan hệ cá nhân, chừng nào nó còn có lợi cho cả hai bên.

Có 3 cấp độ lãnh đạo, người làm sếp muốn nhân viên trung thành nên chọn cách thứ 3 - Ảnh 2.

Quyền lực dựa vào nguyên tắc có phần hiếm hơn. Đó là dấu hiệu của chất lượng, tính ưu việt và sự vượt trội trong tất cả các mối quan hệ. Quyền lực lấy nguyên tắc làm trọng tâm đặt cơ sở trên sự kính trọng, theo đó người lãnh đạo tôn trọng người đi theo, còn người đi theo đồng lòng góp sức cho người lãnh đạo mà họ kính trọng. 

Đặc điểm nổi bật của quyền lực dựa vào nguyên tắc là tầm ảnh hưởng ổn định và tính chủ động cao. Quyền lực ổn định bởi không phụ thuộc vào khả năng xảy ra điều mong muốn (hoặc không mong muốn) với người đi theo. Chủ động cao bởi thực hiện các lựa chọn dựa vào các giá trị được tôn thờ. Như thế, quyền lực dựa vào nguyên tắc được hình thành khi giá trị của những người đi theo và người lãnh đạo trùng khớp. Quyền lực dựa vào nguyên tắc không bị thúc ép, mà được khơi gợi, bởi tâm ý cá nhân của cả người lãnh đạo lẫn người đi theo để hướng tới một mục đích chung cao cả hơn. 

Kiểm soát là điều ắt phải có đối với quyền lực dựa vào nguyên tắc, nhưng không phải là từ bên ngoài, mà là tự kiểm soát. Quyền lực được tạo ra khi các cá nhân nhận thức rằng nhà lãnh đạo của họ là người đáng tôn trọng, họ tin cậy người đó, được truyền cảm hứng từ nhà lãnh đạo đó, mong muốn được dẫn dắt và tin tưởng sâu sắc vào các mục đích được truyền đạt. 

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM