Clip: Trải nghiệm xe buýt nhanh BRT vào giờ cao điểm ở Hà Nội

05/01/2017 10:35 AM | Công nghệ

Khác với cái nhìn bên ngoài, cảm giác ngồi trên xe buýt nhanh BRT vào giờ cao điểm khiến nhiều hành khách cảm thấy khá thích thú vì xe vắng người, thông thoáng, tiện nghi và chạy nhanh hơn khá nhiều so với những gì họ tưởng tượng.

Mặc dù đã đi vào hoạt động chính thức được một thời gian nhưng hiện tại, xe buýt nhanh BRT vẫn là chủ đề được nhiều người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm, nhất là với những ai thường xuyên di chuyển bằng các loại phương tiện giao thông công cộng.

Tuyến buýt nhanh BRT hiện tại chỉ khai thác 1 chặng BX Kim Mã - Yên Nghĩa nhưng vì lộ trình trải dài qua nhiều cung đường và đang trong thời gian miễn phí (1 tháng đầu tiên) nên những ngày qua, có khá nhiều người dân Thủ đô háo hức chờ đón xe, trải nghiệm dịch vụ giao thông công cộng này.

"Tôi thấy xe chạy nhanh, êm ru và hệ thống ghế ngồi, tay vịn đều rất hiện đại. Xe thoáng rộng nên không tạo cảm giác bí và dễ say xe như các loại xe buýt khác", ông Tuấn (Kim Mã) chia sẻ.

Nhiều hành khách háo hức trải nghiệm loại xe buýt này
Nhiều hành khách háo hức trải nghiệm loại xe buýt này

Tương tự, chị Thảo, một hành khách đã di chuyển bằng buýt BRT nhiều lần cho biết: "Từ hôm xe này thử nghiệm mình đã đi rồi. Xe đi nhanh do được ưu tiên làn đường riêng, tài xế, phụ xe phục vụ lịch sự, tận tình. Các điểm chờ thông báo trên loa rõ ràng, tiện cho hành khách nắm bắt".

Theo tìm hiểu của PV, từ điểm đầu bến xe Kim Mã tới điểm cuối là BX Yên Nghĩa, BRT di chuyển hết khoảng 45 phút. Do được dành làn đường ưu tiên, vào giờ cao điểm xe BRT vẫn di chuyển khá dễ dàng. Các chuyến BRT nối nhau chỉ từ 5-10 phút nên bên trong xe thường khá thưa khách, không xảy ra tình trạng chen lấn, nhồi nhét như một số tuyến buýt khác.

Nhiều người cho biết xe đi khá nhanh, lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 1 số bất cập.
Nhiều người cho biết xe đi khá nhanh, lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 1 số bất cập.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm cộng ấy, theo nhiều hành khách, xe buýt BRT vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế. "Nhà chờ xe ở giữa đường nên mỗi khi cập bến, tôi khá vất vả trong việc sang đường, nhất là lúc tan tầm", chị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Vì có làn đường riêng dành cho xe buýt nên việc lưu thông không quá khó khăn.
Vì có làn đường riêng dành cho xe buýt nên việc lưu thông không quá khó khăn.

Trong khi đó, một số người khác lại cho rằng, xe BRT hiện tại chỉ có một chặng nên chưa giải quyết triệt để nhu cầu di chuyển của họ. "Bình thường tôi đi buýt đi làm cũng mất 1 tiếng nhưng nếu đi xe này còn lâu hơn vì phải đi 2 chặng, lý do là BRT không đi qua cơ quan tôi. Tôi nghĩ vấn đề kết nối các tuyến buýt nhanh nên được ưu tiên giải quyết nhanh chóng", bà Lệ (một hành khách cho biết).

Loại hình xe buýt BRT đưa vào sử dụng được khá nhiều người ưa thích
Loại hình xe buýt BRT đưa vào sử dụng được khá nhiều người ưa thích

Bên cạnh đó, nhiều phương tiện khác vẫn bất chấp quy định xử phạt, ngang nhiên đi ngược chiều cắt đầu hoặc vượt lên trước xe buýt BRT để sang đường, đi lấn làn hoặc xe máy vẫn leo lên cầu vượt có biển cấm xe thô sơ. Chính vì sự thiếu ý thức này nên mặc dù BRT đã được ưu tiên làn đường riêng, đôi khi vẫn không thể chạy đúng tốc độ, thời gian quy định và nhìn bên ngoài, xe buýt nhanh vẫn chạy chậm như xe buýt thường.

Cùng chuyên mục
XEM