Chuyện Việt Nam ồ ạt nhập đùi gà đông lạnh của Mỹ, Hàn cho tới lối thoát cuối cùng của nền nông nghiệp nước ta

25/08/2016 09:09 AM | Kinh tế vĩ mô

Khi không thể đảm bảo yêu cầu tối thiểu của thực phẩm là phải SẠCH, người Việt thì ôm bệnh, còn doanh nghiệp Việt không những đã đánh mất cơ hội xuất khẩu thực phẩm sang nước khác, mà còn đang nằm chờ các thách thức ập đến.

Trong câu chuyện đùi gà Mỹ giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam hồi năm ngoái, chúng ta thường nhìn vào mức giá 20.000 đồng/kg đùi gà Mỹ để cho rằng chăn nuôi Việt Nam sẽ “chết” khi vào TPP.

Tuy nhiên, tỷ trọng ngày càng tăng của thịt đông lạnh nhập khẩu trong lượng tiêu thụ của người Việt còn chỉ ra một xu hướng tiêu dùng khác: Thà ăn thực phẩm đông lạnh đã qua kiểm dịch còn hơn dùng thực phẩm tươi trôi nổi.

6 tháng đầu năm 2015, người Việt đã tiêu thụ 70.000 tấn thịt gà ngoại. Trong khi đó, trong cả năm 2014, người Việt chỉ nhập khẩu 100.000 tấn.

Nói về ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại – cho rằng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP và FTA Việt Nam – EU, độ mở với nông nghiệp của Việt Nam là cực lớn khi thuế các mặt hàng nông sản sẽ về 0 ngay sau khi ký kết.

Tuy nhiên, cơ hội lớn này nếu các doanh nghiệp Việt không tận dụng được, tất thách thức sẽ ập đến.

“Hàng nước ngoài sạch hơn, rẻ hơn do hàng rào thuế quan giảm, và nhu cầu của người Việt bắt đầu hướng sang thực phẩm sạch… là những thách thức cực lớn cho doanh nghiệp Việt”, ông Tuyển cho biết tại Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" do báo điện tử Trí thức trẻ - Soha tổ chức.

Ông Tuyển cho rằng: Thách thức số 1 của nông nghiệp Việt Nam không phải là câu chuyện cạnh tranh con lợn, con gà, mà là khi không có được sản phẩm sạch, chẳng những người Việt ôm bệnh, mà doanh nghiệp Việt bên ngoài thì không xuất khẩu được, bên trong thì không cạnh tranh được với các mặt hàng sạch từ nước ngoài tràn vào.

Nếu làm đúng cách, làm nông sẽ lời hơn may mặc


Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí.

Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí.

Theo khuyến nghị của ông Tuyển, cụm từ “phát triển một nền nông nghiệp toàn diện” vốn được nhắc đi nhắc lại trong chính sách của Chính phủ nên bỏ đi, và thay vào đó là phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh, với 3 chức năng chính.

1- Đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm,

2- Tạo ra những vùng sinh thái kết hợp nông nghiệp với du lịch ví như những cảnh cực đẹp thường thấy trên báo nước ngoài như ruộng bậc thang, vườn sinh thái…,

3- Nền nông nghiệp chăm lo, bảo vệ sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, không nên coi nông nghiệp là ngành truyền thống mà phải coi đó là ngành công nghệp sản xuất lương thực, thực phẩm.

Thực tế, nếu áp dụng công nghệ mới vào sản xuất sạch thì với 1ha đất để làm nông sẽ có giá trị hơn làm khâu may trong may mặc”, ông Tuyển so sánh.

Giải pháp cụ thể ông Tuyển đưa ra là phải tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên 2 “chân”, 1 là tận dụng đất khi Việt Nam gia nhập các FTA. 2 là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Việc tận dụng đất vào thời điểm hiện tại khá hợp lý khi một vài hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Với mức giảm thuế quan trong một số ngành thâm dụng lao động như dệt may và da giày, các ngành này sẽ rút lao động trong nông nghiệp mà không cần thời gian đào tạo lại quá dài.

Khi lực lượng lao động trong nông nghiệp được rút ra, đất đai vốn thuộc sở hữu của họ có thể cho thuê. Đấy là điều kiện để có nền sản xuất nông nghiệp tập trung.

TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: Câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những trách nhiệm nặng nề của ngành nông nghiệp.

Nhưng một vấn đề quan trọng hơn là bản thân ngành nông nghiệp trong giai đoạn toàn cầu hóa, với việc nông nghiệp là lợi thế quan trọng nhất của nước ta, rất có thể đề xuất trên chính là lối thoát, là con đường để ngành nông nghiệp và nền kinh tế của chúng ta khôi phục và phát triển.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM