Chuyện về con trai ông thợ sửa khóa ở Thái Bình 2 năm liên tiếp giành HCV Olympic Toán Quốc tế

25/07/2016 14:49 PM | Sống

Bạn sẽ thay đổi suy nghĩ của mình về chân dung những người học giỏi sau khi nghe Trung nói chuyện. Và bạn cũng sẽ thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều khi nghe ông bố làm thợ sửa khóa kể chuyện về đứa con giành HCV Olympic của mình...

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện sẽ hỏi Trung những điều gì đây trong đêm trước khi lên đường về quê lúa Thái Bình để gặp cậu. Bởi lẽ cũng vào tầm này năm ngoái, tôi đã về nhà Trung một lần và có dịp được trò chuyện với hai bố con cậu. Hồi đó, Trung mới học lớp 11 thôi, nhưng đã xuất sắc giành tấm HCV Olympic Toán Quốc tế với số điểm cao nhất toàn đoàn . Khi ấy hai chúng tôi đã nói khá nhiều về kỳ thi, về tâm trạng, rồi những khó khăn của Trung. Câu chuyện lần đó tuy chưa thực sự dài và sâu, nhưng đã đủ để trong tôi có ấn tượng về cậu con trai út "chỉ biết ăn và học", mê Toán, hỏi gì cũng cười cười, rồi bẽn lẽn gãi đầu gãi tai nghĩ mãi mới dám nói.

Lần này, sau 1 năm, cũng là tấm HCV đầy tự hào và kiêu hãnh ấy, cũng là cuộc trò chuyện với bố con Trung trong căn nhà đã được sửa sang lại gọn gàng hơn đôi chút, nhưng Trung đã trưởng thành và cởi mở hơn, chủ động chia sẻ nhiều hơn, kể cả sẵn sàng tâm sự về chuyện cứ bị người ta nghĩ mình là "gà công nghiệp", rồi là "mọt sách" chỉ biết lao đầu vào học hành. Chính cậu cũng tự nhận rằng ngày trước mình nhát, giờ thì dám nói dám làm hơn. Trung khiến tôi bất ngờ nhiều lắm. Cho đến bây giờ, có lẽ tôi phải thay đổi suy nghĩ của mình về những cô cậu thủ khoa, học giỏi, được giải này giải kia thôi...

Thú thực là dù đã 1 năm trôi qua, nhưng vẻ bề ngoài của Trung chẳng có gì thay đổi mấy. Vẫn cậu học sinh cấp 3 với cặp kính cận, chiếc áo phông của đoàn Việt Nam thi Olympic, nụ cười hiền lành, cộng thêm vẻ mặt vẫn còn ngái ngủ thì nhà có khách rồi được mẹ gọi dậy nên trông Trung khá trẻ con. Những ngày này, Trung được rất nhiều phóng viên, báo đài quan tâm. Cậu liên tục nhận được điện thoại, rồi cả những cuộc gặp gỡ phỏng vấn, chúc mừng nên có vẻ đã... quá quen với những câu hỏi liên quan tới kỳ thi vừa qua.

"Mình nói nhiều quá rồi, xoay đi xoay lại cũng có mỗi từng ấy thôi à" - cậu bạn thành thật chia sẻ khiến tôi phải bật cười. Nhưng bảo vậy thôi, chứ Trung vẫn hào hứng lắm, dù có vẻ như niềm vui này so với năm ngoái đã bớt đi một ít. Cũng dễ hiểu thôi, vì năm ngoái là lần đầu tiên Trung giành được tấm huy chương danh giá này mà.

Đã từng "chinh chiến" một lần, với kinh nghiệm và sự tự tin về kiến thức của mình, sau khi làm bài xong Trung đã nắm được 70-80% là sẽ có giải. Nhưng lần này đi thi, áp lực từ chính bản thân và kỳ vọng của mọi người đã lớn hơn nhiều lần trước, Trung ý thức được điều đó, và cũng có bận tâm về những "lời ra tiếng vào" nếu như kết quả chẳng may không tốt. Đã vậy, theo cậu thì đề năm nay có khó hơn. Cảm giác lúc biết mình đạt HCV đúng là vui sướng và vỡ oà...

Trung thật thà đến dễ thương. Tiếp xúc với cậu bạn này, người ta sẽ không bao giờ phải nghe những lời đao to búa lớn, lối biện luận, rồi những triết lý đôi khi đến khó hiểu của các cô cậu học giỏi học nhiều (như chúng ta vẫn tưởng tượng). Với cả, Trung cũng không hề có ý định phải xây dựng một hình ảnh thật hoàn hảo về cậu học trò giỏi 2 năm liền mang 2 tấm Huy chương vàng Olympic Quốc tế về cho Việt Nam, cho tỉnh Thái Bình. Trung là Trung, gần gũi và giản dị. Chẳng cần biết mình đã trở thành thần tượng, tấm gương đầy ngưỡng mộ của bao nhiêu người.

Trung học giỏi thật, nhưng lại không phải kiểu chân dung "con nhà người ta" mà ai nấy đều nghĩ đâu. Cậu vẫn là cậu học sinh cấp 3 bình thường thích xem phim, chơi game, cũng có lúc chán học, học hành tuỳ hứng, có những mối quan hệ bạn bè đầy băn khoăn... như bất cứ ai khác. Trung cũng không phải kiểu khi được hỏi tới bí quyết học hành thì trả lời "mình chẳng học gì nhiều đâu" cho xong - câu nói mà dân tình vẫn quan niệm là... nói dối. Vì có ngồi đấy trò chuyện Trung mới thấy, dù cách nói chuyện khá trẻ con nhưng cậu thẳng thắn cực kỳ.

"Mình thích Toán từ tiểu học, và đầu tư cho nó rất nhiều thời gian. Nhưng lên cấp 3, mình mới biết tới IMO (cuộc thi Olympic Toán Quốc tế) nên mình cứ học, rồi qua vòng loại, rồi thi, chứ đây không phải là mục tiêu hay con đường của mình từ trước. Sau lớp 11 thì kỳ thi lần này mới nằm trong mục đích của mình.

Ngoài học ra thì mình thích xem phim, chơi game. Học Toán để đầu óc logic, còn xem phim là để đầu óc được phát triển theo nhiều hướng nhất có thể. Cũng có lúc mình chán Toán chứ, nhưng rồi cứ được tiếp xúc với những người thật giỏi mình lại thấy Toán thú vị, và rồi tiếp tục quay lại thôi. Mình không thực sự thần tượng ai, thích thì có thích nhưng chưa có ai khiến mọi suy nghĩ và hành động của mình phải đi theo cả.

Nhiều người nhìn mình chắc nghĩ mình là gà công nghiệp, suốt ngày chỉ biết ăn và học. Mình khó chịu lắm, nhưng kệ họ đi. Họ không biết mình thế nào, mà mình cũng chẳng biết họ thế nào. Thôi kệ cứ nói gì thì nói, mình cứ sống cuộc sống của mình".

Loanh quanh thi cử một vòng, chúng tôi lại chuyển sang những câu chuyện vui vẻ và linh tinh. Đại để như "Trung có bạn thân không?", thì câu trả lời mà tôi nhận được là "mình cũng không biết có phải bạn thân, hay chỉ là nhất thời hay không, mình chưa có ai để sẵn sàng kể hết mọi chuyện". Rồi "Trung đã từng trải qua quãng thời gian nào mệt mỏi, đáng quên nhất chưa?", Trung nói thật như đùa: "mình thuộc tuýp người những chuyện không đáng nhớ thì sẽ nhanh quên".

Chắc cũng không ít người đã biết hoàn cảnh gia đình của Trung chẳng mấy khá giả. Cả nhà làm nông, từ trước đến giờ cũng chưa có ai học rộng, thi thố được như cậu con út này cả. Trước Trung có 3 chị gái thì cả 3 đều đi lấy chồng xa xứ, gia đình lâu lắm rồi cũng chưa có dịp được đoàn tụ đông đủ dâu rể cháu chắt một lần... Bố mẹ Trung ngoài những khi bận bịu mùa màng cũng có làm thêm việc nọ việc kia, như bố Trung thì sẽ đi sửa khoá, sửa kính ở chợ phiên cách nhà 10 km, có hôm tới 40 km , còn mẹ thì buôn bán linh tinh kiếm thêm thu nhập.


Bố...

Bố...

Trước lúc ra về, bố Trung có kể lại chuyện này khiến tôi thấy thương lắm. Đó là từ lúc Trung sang Hongkong 1 tuần cho đến khi có kết quả và về lại Hà Nội, cả nhà không có tiền gọi điện thoại đường dài quốc tế để động viên và biết tình hình từ con trai mình...

Ông bố quanh năm chỉ biết đến làm ruộng, sửa khóa, sửa kính cho người ta, tự nhận mình "văn hoá thấp" nhưng thương con vô bến bờ này có lẽ sẽ khiến mọi đứa con ngưỡng mộ vì câu nói: "Bố và con trai thì phải hợp nhau chứ. Tôi không bao giờ ép buộc Trung, để cho em tự quyết định con đường của mình. Gánh nặng quá thì sẽ gãy lưng. Cứ để em thoải mái". Bác còn bảo thêm sắp tới khi Trung học Đại học mới thực sự là cuộc chiến mới của cả gia đình.

Giữ nguyên dự định của mình, Trung sẽ đăng ký vào trường ĐH Khoa học tự nhiên và học chuyên sâu về Toán học. Kết quả trong kỳ thi Olympic vừa rồi, cậu xem là một thành quả, một niềm vui trong suốt những năm tháng học Toán. Còn thành công thực sự là như thế nào thì thời gian sẽ có câu trả lời, vì chặng đường phía trước còn rất dài...

Câu chuyện về Trung cùng người bố không giàu sang nhưng cực tâm lý của cậu khép lại khi chúng tôi nói với nhau rằng biết đâu sang năm Trung đạt giải gì đó và lại có dịp về thăm tiếp gia đình mình. Cả hai bố con vẫn cười rạng rỡ - nụ cười hạnh phúc như lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Cậu con trai học giỏi, thành thật và dễ thương. Ông bố đáng yêu, chẳng cần văn vẻ nhưng đủ để lây lan nicó thê cảm hứng tích cực.

Căn nhà nhỏ xa dần nhưng niềm vui và sự hào hứng của tôi được "lây lan" từ bố con Trung vẫn còn nguyên đó. Thái Bình một chiều tháng 7, nắng đổ mồ hôi, nhưng xứng đáng quá rồi...

Theo TD

Cùng chuyên mục
XEM