Chuyện về con hẻm 100 năm tuổi đậm chất "Hong Kong" giữa lòng Sài Gòn mang tên Hào Sỹ Phường

16/07/2017 10:51 AM | Sống

Tách biệt hoàn toàn với không khí ồn ào của phố thị, những ngôi nhà mang màu của thời gian, những nét văn hóa được gìn giữ qua hàng trăm năm ở con hẻm Hào Sỹ Phường đã đem đến một hình ảnh Sài Gòn đầy thi vị.

Vài bản nhạc Hoa du dương vang lên trong cái không gian chầm chậm đặc sệt mùi thời gian, những ông già bà cả ngồi nhâm nhi tách trà sáng và trò chuyện với nhau cũng bằng tiếng Hoa, ở Hào Sỹ Phường, người ta cứ ngỡ đang lạc vào bối cảnh một bộ phim TVB nào đó chứ không phải đang ở giữa Sài Gòn. Thế nhưng chính sự giao thoa văn hóa thú vị ấy đã tạo nên một Sài Gòn rất riêng, rất thơ.

Hẻm Hào Sỹ Phường mang trong mình một không gian đặc trưng của cộng đồng Hoa kiều ở Sài Gòn.

Đi tìm nguồn gốc "Hào Sỹ Phường"

Nếu ngõ, ngách làm nên Hà Nội, thì Sài Gòn lại được tạo nên từ những con hẻm rất riêng biệt. Mỗi con hẻm Sài Gòn mang trong mình một văn hóa đặc trưng, không hẻm nào giống hẻm nào hoàn toàn. Hào Sỹ Phường là một trong những con hẻm mang bản sắc của cộng đồng người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn. Tồn tại hơn 100 năm, con hẻm không còn đơn thuần là nơi sinh sống mà đã trở thành một dấu ấn văn hóa của cộng đồng Hoa kiều ở Sài Gòn.

Con hẻm tọa lạc tại địa chỉ 206 Trần Hưng Đạo B, quận 5.

Hẳn không ít người cảm thấy lạ lẫm lẫn tò mò với cái tên Hào Sỹ Phường và sự hình thành của con hẻm. Có rất nhiều lý giải về cái tên đặc biệt này. Đa số mọi người diễn giải rằng Hào được lấy từ chữ hào hiệp, Sỹ trong từ văn sỹ, Phường là theo tập quán của người Hoa "buôn có bạn, bán có phường", nghĩa là hào hiệp và văn ca là những nét đặc trưng tạo nên con hẻm này.

Đường vào hẻm có cầu thang để đi lên tầng trên.

Tuy nhiên theo ông A Tôn (68 tuổi) - người đã sống ở hẻm hơn 50 năm, thì hẻm Hào Sỹ Phường trước đây thuộc quyền sở hữu của công ty Hứa Bổn Hòa (Chú Hỏa). Các căn nhà trong hẻm đều do chú Hỏa xây dựng và cho thuê lại từ năm 1910. Cái tên Hào Sỹ Phường cũng do Chú Hỏa đặt cho hẻm. Hiện nay vẫn còn một số hộ gia đình giữ lại giấy tờ thuê nhà của Chú Hỏa từ trước giải phóng.

Những ngôi nhà được sơn phết nhiều màu sắc trông bắt mắt.

Theo một số nghiên cứu khác thì cái tên Hào Sỹ Phường có xuất xứ từ nghề nghiệp của cư dân trong hẻm. Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Hoa thoải mái xây dựng khu vực Chợ Lớn theo lối sống truyền thống của họ, miễn là không tạo nên sự khác biệt quá lớn đối với văn hóa bản địa.

A Tôn là người đã sống ở hẻm trên 50 năm, ông không rành tiếng Việt vì từ nhỏ chỉ giao tiếp bằng tiếng Hoa.

Từ đó những con hẻm mang đậm văn hóa Trung Hoa xuất hiện, những hẻm này được đặt tên riêng theo tên của người chủ và có chữ cuối thường là: Lý, Hạng, Phường. Trong đó Lý là một xóm, Hạng là tập hợp những gia đình có qua hệ họ hàng, Phường là nơi quy tụ những người cùng chung một nghề với nhau. Phường thông thường là một hẻm cụt, gồm vài chục căn nhà mà những người làm cùng nghề, hoặc chung một ông chủ, chung tiền ra mua, hoặc được chủ cho ở. Theo đó hẻm Hào Sỹ Phường là nơi ở của những công nhân làm nghề chế tạo xà phòng (xà bông), chà gạo cho một ông chủ tên là Hào Sỹ. Theo một số người dân trong hẻm thì cách lý giải này phù hợp hơn cả, vì trước đây tất cả cư dân ở đây đều làm thuê, làm mướn.

Trong hẻm những quán cà phê cốc được bày trí đơn giản để dân cư ngồi trò chuyện với nhau.

Ốc đảo bình yên giữa thành phố

Dù được lý giải bằng cách này hay cách khác thì Hào Sỹ Phường vẫn cứ thế, bình dị suốt hơn 100 năm qua. Ở nơi đây dường như mọi thứ trôi qua chậm hơn. Người ta tận hưởng cuộc sống không vội vã, không khói bụi, không tiếng ồn, dù chỉ cách đường lớn có vài bước chân.

Có một điều thú vị là dù chỉ cách trục đường lớn có vài bước chân, nhưng Hào Sỹ Phường dường như không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn hay khói bụi của bên ngoài.

Theo A Tôn thì trước giải phóng ở Hào Sỹ Phường chỉ có duy nhất một hộ dân là người Việt, còn lại là người Hoa gốc Tiều và Hải Nam. Về sau thì người Việt vào ở nhiều hơn, nhưng con hẻm vẫn giữ được nét đặc trưng của mình. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp Ngũ phúc lâm môn được dáng ở trước cửa, bàn thờ Thảo Địa, Thiên Quang rất đặc hữu của văn hóa Trung Hoa.

Những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa được cư dân trong hẻm gìn giữ qua nhiều năm tháng.

Nhà trong hẻm được xây theo dạng chung cư, gồm nhiều căn nhà nhỏ được bố trí ở 2 tầng có các cầu thang kết nối. Hẻm có 1 lối thông ra đường Trần Hưng Đạo và một lối thông ra Ngô Quyền. Hệ thống cầu thang bên trong cũng vô cùng độc đáo, khác hẳn với những con hẻm của người Việt ở Sài Gòn.

Hệ thống lối đi trong hẻm khá lạ so với những con hẻm của người Việt.
Hệ thống lối đi trong hẻm khá lạ so với những con hẻm của người Việt.

Tồn tại hơn 1 thế kỷ, cơ sở vật chất của những căn nhà trong hẻm đã bắt đầu xuống cấp. Phần ngói lợp được thay thế bằng tôn, các cửa gỗ cũng dần thay bằng cửa sắt. Theo kế hoạch của thành phố thì trong 1 -2 năm nữa sẽ tiến hành giải tỏa hẻm Hào Sỹ Phường.

Cụ Diệp Liên (97 tuổi) đã sống cả một đời người ở Hào Sỹ Phường, có lẽ thông tin giải tỏa khiến cụ khá hụt hẫng, nhưng với tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp như hiện tại thì đây có thể là một lựa chọn hợp lý. Dẫu sao Hào Sỹ Phường cũng đã làm tròn nhiệm vụ của nó, và mãi mãi là một dấu ấn đẹp trong lòng người Sài Gòn.

Theo Futo Nguyen

Cùng chuyên mục
XEM