Chuyện tỷ phú tự thân đầu tiên của Nhật Bản khởi nghiệp sau khi li dị, với ý tưởng kinh doanh có thể khiến bà đi tù

30/01/2017 10:15 AM | Kinh doanh

Bà Yoshiko Shinohara, 82 tuổi, đã trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên ở Nhật Bản. Trên hành trình từ một phụ nữ ly dị chồng cho đến bà trùm doanh nhân, Shinohara đã cách mạng hóa quan niệm tuyển dụng lao động của đất nước mặt trởi mọc.

Shinohara trở thành tỷ phú khi giá cổ phiếu của Temp Holdings, công ty cung ứng nhân sự thời vụ do bà sáng lập, tăng 11,5% trong tháng trước. Bà hiện đang nắm giữ 25% cổ phần của công ty này.

Hành trình kinh doanh của Shinohara bắt đầu khi bà khiến cả nhà sửng sốt vì quyết định ly dị chồng. “Ngay sau lễ cưới, tôi nhận ra mình không nên kết hôn. Chồng cũ không phải là người phù hợp với tôi. Vì thế tôi quyết định, tốt hơn là nên ly dị càng sớm càng tốt”, Shinohara nói trong một buổi phỏng vấn vào năm 2009 với tạp chí Harvard Business Review.

“Sau khi ly dị, tôi tự nhủ mình phải làm gì đó cho bản thân”, bà nhớ lại. Cảm thấy không hứng thú với những công việc nhàm chán mà hầu hết phụ nữ Nhật phải làm khi đó, Shinohara rời Nhật Bản và chuyển tới Châu Âu. Đó là nơi bà chứng kiến khái niệm “nhân viên thời vụ” lần đầu tiên.

Chuyến đi tới Châu Âu là khởi nguồn cho ý tưởng start-up, mà khiến bà trở thành nữ hoàng doanh nhân sau này. “Những sai lầm là đại dương cơ hội”, bà nói với Harvard Business Review.

Shinohara trở lại Nhật Bản vào năm 1973. Bà nhận ra rằng, mình không hứng thú với bất cứ công việc nào hiện có, và quyết định lập công ty cung ứng nhân sự thời vụ của riêng mình. Bà dùng chính căn hộ một phòng ngủ của mình ở giữa thủ đô Tokyo làm văn phòng đầu tiên cho công ty.

Cung ứng nhân sự thời vụ ở Nhật Bản trong thập niên 1970 là một công việc rủi ro. Điều này thậm chí còn bất hợp pháp vào thời điểm đó.

“Làm việc cả đời cho một công ty là chuẩn mực ở Nhật Bản. Luật pháp Nhật Bản khi đó cấm các công ty tư nhân cung ứng nhân sự thời vụ. Vì thế, tôi thường xuyên bị nhà chức trách triệu tập và thẩm vấn”, bà nói.

“Tôi từng tự nhủ: Đi tù thì như thế nào nhỉ. Xà lim rộng bao nhiêu? Có phòng vệ sinh hay cửa sổ không?”, bà nhớ lại. Nhưng rồi thì luật pháp cũng thay đổi và việc cung ứng nhân sự thời vụ được hợp pháp hóa.

Lần thứ hai Shinohara phải chống chọi với dư luận là khi bà đưa nam giới vào làm công việc thời vụ. Cho đến tận thập niên 1980, công ty của bà, Temp Holdings, chỉ gồm toàn phụ nữ.

“Vì thế vào năm 1988, tôi đã hỏi cấp dưới: Đưa thêm đàn ông vào công ty chúng ta thì sao nhỉ?”, bà nói. Các nhân viên quản lý của tôi đáp: “Không, cảm ơn. Chúng tôi không cần loại sinh vật đó”. “Nhưng chúng ta cần họ”, Shinohara nói.

“Chúng tôi mở một chi nhánh mới, cung ứng nam nhân viên bán thời gian. Và thật bất ngờ, doanh số của công ty đã tăng vọt. Đây là một bước ngoặt. Việc cân bằng số lượng nhân viên nam và nữ đã giúp công ty hoạt động tốt hơn”, bà nói.

Theo báo cáo của Temp Holdings, Shinohara đã thôi chức chủ tịch điều hành của công ty, và chuyển sang làm chủ tịch danh dự. Công ty này có 16.542 nhân viên toàn thời gian và 21.000 nhân viên bán thời gian.

Shinohara chưa từng nghĩ đến chuyện, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn nếu bà là đàn ông. Dù vậy, bà vẫn thường phải nghe câu hỏi này.

“Mọi người thường hỏi tôi như thế. Câu trả lời của tôi là: Làm sao tôi biết được? Tôi chưa từng là đàn ông. Khởi nghiệp luôn là công việc khó khăn với bất cứ ai”, Shinohara nói.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM