Chuyện tranh thủ quảng cáo, xin hỗ trợ và xin... đi thẳng vào vấn đề ở Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017

20/05/2017 14:45 PM | Kinh doanh

Ông chủ sân golf Long Thành dự kiến vay được vài tỷ USD nhưng xin được hỗ trợ rủi ro tỷ giá, bà chủ tập đoàn BRG (ngân hàng, sân golf và bất động sản) tranh thủ giới thiệu công ty của gần hết thời gian phát biểu… Chỉ hiếm hoi một chủ doanh nghiệp ở địa phương kiến nghị thẳng, không dài dòng, không xin.

Năm nay, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp có sự thay đổi không nhỏ. Với việc ưu tiên kinh tế tư nhân, các đai biểu thuộc nhóm này cũng lên phát biểu nhiều nhất. Các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước chỉ xuất hiện EVN trên danh sách.

Nhiều doanh nhân lớn (cả tư nhân và Nhà nước) như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình… cũng có mặt tại hội nghị nhưng không phát biểu. Trao đổi với các phóng viên bên lề hôi nghị, một doanh nhân nổi tiếng từ chối trả lời các câu hỏi ở tầm “quá vĩ mô” mà chỉ trả lời các câu hỏi cụ thể.

Tại hội trường, trong khi các doanh nghiệp trình bày vấn đề và kiến nghị ban hành các văn bản pháp luật phù hợp hơn với kinh doanh thì một số chủ doanh nghiệp tranh thủ… giới thiệu. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG giới thiệu về công ty của mình quá dài đến lúc gần hết thời gian phát biểu vẫn chưa xong và bị ban tổ chức nhắc nhở. Chủ tịch BRG đành nhanh chóng kết thúc mà chưa nêu được đủ các ý quan trọng cần kiến nghị.

Trong khi đó, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Công ty golf Long Thành lại đề xuất với Thủ tướng xin bảo lãnh về vấn đề tỷ giá để có thể thực hiện dự án BOT đường cao tốc Bắc Nam trị giá hàng tỷ USD. Ông Kiểm nói: “Nếu như biến động tỷ giá lớn hơn thì được phép tăng thời gian thu phí để giúp đỡ cho chúng tôi”.

Còn ông Phạm Văn Sơn (Tập đoàn BMG) thì xin “hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ trang trại theo các gói hàng trăm nghìn tỷ đồng để vượt vay vượt qua thời gian khó khăn”. Doanh nhân này còn đề nghị “huy động các doanh nghiệp lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thức ăn nhanh” và “hỗ trợ vay vốn và giao đất thời gian dài cho những người làm trang trại”.

Còn ông Trần Hồng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist thì xin chính sách hỗ trợ cho việc phát triển du lịch ở vùng sâu, vùng xa…

Trong khi đó, một doanh nhân hiếm hoi khi phát biểu không xin xỏ gì, mà chỉ “xin đi thẳng vào vấn đề” và “không nói thành tích”, đó là ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Công ty Hợp Lực, tỉnh Thanh Hóa. Doanh nhân có biệt danh bầu Đệ phát biểu: “Cái gì doanh nghiệp làm được thì Nhà nước thôi, đừng làm nữa. Cứ lấy tiền Nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn”. Điều thú vị là tại hội nghị với Thủ tướng, trong khi các doanh nghiệp có trụ sở ở thành phố tích cực xin, thì một doanh nhân ở tỉnh lại không làm điều đó.

Một doanh nhân nổi tiếng ngành tài chính theo dõi phát biểu tại hội nghị này, bình luận: “Được kỳ vọng để doanh nhân hiến kế nhưng lại xin lợi ích cục bộ sẽ làm giảm ý nghĩa của cuộc gặp”.

Ở phía Chính phủ, câu chuyện về cơ chế xin cho cũng có điểm khá thú vị. Trong phần trình bày của mình, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố hà Nội đề xuất: “dần hạn chế các phương thức đặt hàng dịch vụ công ích, tiến tới chuyển đổi toàn bộ sang cơ chế đấu thầu và chuyển toàn bộ các doanh nghiệp công ích trực thuộc bộ, tỉnh, thành phố quản lý sang cơ chế doanh nghiệp tư nhân”. Ông Chung còn đề nghị: “Cổ phần hóa 100% các doanh nghiệp không cần nắm giữ”.

Còn với bài phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ông thừa nhận nhiều điểm yếu của môi trường kinh doanh của Việt Nam (dù mới được Ngân hàng Thế giới thăng hạng cho năm 2016): Lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%; Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4...

Theo Khánh Linh

Cùng chuyên mục
XEM