Chuyện ông "Năm Hấp" lấy đất nhà mình mở chợ cho người bán hàng rong ở Sài Gòn

28/03/2017 11:02 AM | Sống

Thương các cô hàng rong bị bắt liên tục vì lấn chiếm vỉa hè, vợ chồng ông Năm bàn với nhau dùng mảnh đất ở phía sau nhà lập thành cái chợ nhỏ, rồi kêu gọi bà con vào buôn bán cho ổn định. Và đương nhiên là ông bà Năm chẳng lấy một đồng tiền mặt bằng.

Nhiều người bảo ông bà Năm lo chuyện bao đồng, ở cái xứ tấc đất, tấc vàng này người ta mà có mảnh đất to như vậy thì cho mướn mỗi tháng cũng có mấy chục triệu dằn túi, chứ ai lại đem cho người dân đến ngồi buôn bán mà không lấy một đồng tiền phí. Ông bà Năm chỉ cười vì những điều họ làm trong suốt 8 năm qua chung quy cũng là vì cái tình người.

Chuyện ông "Năm Hấp" lấy đất nhà mình mở chợ cho người bán hàng rong ở Sài Gòn.

Ngôi chợ không tên của dân hàng rong ở Sài Gòn

Ông Lý Văn Hấp (70 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lùn (66 tuổi) mà mọi người vẫn gọi với cái tên trìu mến là ông bà Năm là chủ nhân của ngôi chợ không tên nằm trên Đường T1 (phường 15, quận Tân Phú).

Ông bà Năm - đôi vợ chồng già lập chợ miễn phí cho người bán hàng rong ở quận Tân Phú, Sài Gòn.

Ông bà Năm vốn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cũng trong con phố này, hai người là đôi bạn thân từ thuở nhỏ, rồi lớn lên, yêu nhau và bên nhau hạnh phúc cho đến khi đầu đã hai thứ tóc.

Tâm sự về cơ duyên đưa ông bà Năm quyết định dùng mảnh đất hương hỏa của gia đình để lập thành một khu chợ nhỏ cho người bán hàng rong, ông Năm kể: "Khu vực kênh 19/5 trước đây vốn là kênh nước đen ô nhiễm, khoảng hơn chục năm về trước khu này được quận đầu tư cải tạo lại, xây bờ kè, mở đường thông thoáng, vì vậy dân cư cũng đông lên, đồng thời nhiều khu công nghiệp mở ra nên số lượng công nhân sinh sống cũng nhiều. Nhu cầu mua bán trao đổi cũng tăng, nên nhiều người đến bờ kè để bán hàng rong, đa phần là tôm, cá, rau củ quả...".

Ngồi trong nhà nhìn bà con buôn bán lấn chiếm vỉa hè rồi bị đuổi, bị bắt, ông Năm xót lắm nên quyết định dùng mảnh đất sau nhà làm cái chợ nhỏ cho bà con.

"Người ta bán hàng rong trên khu bờ kè nhiều lắm, người bán rau, người bán thịt... nhưng ai cũng vừa bán vừa nơm nớp lo bị bắt vì lấn chiếm vỉa hè. Hôm nào đang ngồi trong nhà thấy mấy cô hàng rong gom đồ đạc chạy vào nhà trốn, là biết hôm đó có lực lượng chức năng đi kiểm tra. Nhiều cô bị bắt, không có tiền để đóng phạt đành bỏ luôn hàng hóa, đã khó khăn lại càng khó khăn, thấy thương lắm!" - bà Năm tiếp lời chồng.

Những người bán hàng rong hiểu rằng lấn chiếm vỉa hè là phạm luật, nhưng cuộc sống của họ vốn khó khăn nên họ đành nhắm mắt vi phạm.

Thương cảnh các gánh hàng rong phải chạy ngược chạy xuôi, ông bà Năm mới ngồi bàn với nhau tìm cách gì đó để giúp họ. Được sự gợi ý của phường, ông bà quyết định dùng mảnh đất ở sau nhà lập thành cái chợ nhỏ, để bà con có chỗ buôn bán ổn định, không lấn chiếm vỉa hè.

Mảnh đất phía sau nhà được ông bà Năm lập thành chợ để bà con đến buôn bán.

Mỗi buổi sáng, ông đều đi bộ ra chợ, phụ bà con sắp xếp hàng hóa.

Ông Năm kể: "Tui cho chặt hết cây ăn quả ở vườn phía sau, thuê người về đổ nền, chia từng ô nhỏ, lắp điện nước, rồi kêu gọi những người bán hàng rong đến buôn bán. Ban đầu nhiều người còn nghi ngại không dám vào vì họ nghĩ tui lập chợ ra để thu tiền. Nhưng khi biết tui không thu tiền họ rất phấn khởi, đến nay cũng có khoảng 30 hộ đang kinh doanh ở trong khu chợ này".

Chẳng có giấy tờ ràng buộc nào giữa người bán và ông Năm, ai muốn bán thì cứ đến nói với ông rồi đem hàng ra chợ bán. Người nào khó khăn quá, ông bà Năm còn cho vay một ít vốn để kinh doanh. Chợ đi vào hoạt động chính thức từ năm 2009, vốn dĩ là chợ không tên, nhưng lâu dần mọi người yêu thương nên gọi với cái tên thân thương: Chợ ông Năm Hấp.

Chợ sẽ nghỉ bán từ khoảng 11, 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều mới bán lại. Buổi chiều khách ít hơn, người bán cũng nhàn nhã hơn.

Ông Năm nói: "Tùy người bán có khả năng bày biện hàng hóa ra sao thì làm, chứ tui không có chia lô chia sạp gì hết, ai muốn bán sao thì bán hà!"

Những niềm vui chẳng mua được bằng tiền

Trước đây, người bán hàng phải tự che dù để buôn bán, nên mỗi lần mưa lớn hay nắng nóng mọi người đều rất vất vả. Thấy thế, ông bà Năm dựng thêm mái che bằng tôn, để che nắng che mưa cho bà con.

Chị Diệu (Trà Vinh) kinh doanh hải sản ở chợ "Ông Năm" chia sẻ: "Trước đây chị bán cá ở chỗ kênh 19/5 nè, bị dí chạy miết, có bữa bị bắt, mất hết vốn. Cũng nhờ Bố Năm cho vay ít tiền nên chị mới gây dựng lại được. Bán trong chợ ổn định, nên thu nhập cũng ổn định, không còn phải vất vả như ngày xưa".

Chị Diệu xem ông bà Năm như những người thân trong nhà.

"Lâu lâu đi du lịch xa nhà, trở về nghe bà con gọi "Ô chú Năm ra kìa", "bác Năm về kìa" mà thấy vui. Có người còn gọi "Bố! Bố!" nữa", ông Năm chia sẻ.

Dù không thu tiền phí mặt bằng của người bán hàng, nhưng để phụ chi trả những khoản tiền điện nước, vệ sinh, mỗi ngày các tiểu thương sẽ đóng góp cho ông Năm 30.000 đồng. "Ngày nào có đến bán thì ngày đó đóng, những ai xài điện nước nhiều thì đóng 30 ngàn, còn như mấy cô bán rau ít xài điện nước thì đóng 20 ngàn thôi. Đóng để phụ ông ông bà Năm trả lo chi phí chứ cũng không bao nhiêu" - chị Hà (bán trứng) cho biết.

Chị Hà rất vui vì có chỗ kinh doanh ổn định hơn trước đây.

Bất kể sáng hay chiều, hễ có thời gian là ông bà Năm lại đi dạo ra chợ để trò chuyện với mọi người. Ông bà bảo riết rồi thành thói quen, thành cái niềm vui mỗi ngày. "Có những niềm vui mà mình không thể nào mua bằng tiền bạc. Giống như việc mình giúp đỡ người dân có chỗ buôn bán, rồi họ cảm ơn mình bằng cách mời mình ăn chung một miếng bánh ướt chấm nước tương, hay bán giá vốn cho mình... những điều tưởng chừng rất nhỏ thôi nhưng tình cảm lắm" - ông Năm tâm sự.

Ông bà Năm thường cùng nhau đi xuống chợ chơi với mọi người.

Sống trong cái khổ rồi mình sẽ hiểu và thương những con người đang phải đối mặt với cái khổ hằng ngày, tôi vẫn nhớ mãi điều mà ông Năm tâm sự. Chắc cũng chính vì thế mà suốt 8 năm qua, ông bà vẫn luôn hết lòng với những người bán hàng rong mà chẳng một chút tính toán thiệt hơn. Và cũng nhờ vậy ông bà Năm trẻ mãi, chẳng chịu già.

Ông Năm cười sảng khoái kể: "Hôm trước có người hỏi tui rằng: 'Chợ mình mấy giờ mở cửa, mấy giờ đóng cửa vậy chú Năm?'. Tui mới nói là chợ này làm gì có cửa mà mở với đóng, chợ ở đó, ai có nhu cầu thì tới bán, ngồi bao lâu thì ngồi, miễn thấy thoải mái là được".

Theo Toàn Nguyễn - Quỳnh Trân

Cùng chuyên mục
XEM