Chuyện nóng: Antifan và "bùng hàng" có chủ đích

09/05/2023 15:24 PM | Kinh doanh

Khi việc bùng hàng - một vấn nạn trong kinh doanh online vẫn chưa được xử lý tận gốc - thì lại có thêm lý do mới liên quan đến... cảm xúc.

Đặt hàng qua mạng xã hội nhưng lại không nhận khi được giao hay còn gọi là "bùng" hàng,  "bom" hàng từ lâu đã trở thành một vấn nạn trong kinh doanh online. Lý do để người mua "bùng" hàng nhiều vô kể: khách nói đang ngồi điều hoà mát không ra ngoài lấy được, khách bảo chỉ đặt cho "vui", rồi cả khách đi đẻ không nhận hàng… Mới đây, còn có thêm một lý do nữa - "khách ghét người livestream bán hàng nên bùng hàng".

Những người thích mua sắm online sẽ mong ngóng đặc biệt với những ngày như 1/1, 2/2, 3/3… bởi đó là thời điểm nhiều sự kiện giảm giá sẽ bùng nổ trên các sàn thương mại điện tử. Mới đây nhất, ngày 5/5 vừa qua, bên cạnh sự bùng nổ thường thấy ấy còn có sự xuất hiện của một nỗi ám ảnh đối với bất cứ đơn vị kinh doanh online nào - những đơn hàng bị bùng.

Chỉ có điều, việc bùng hàng lần này lại được chuẩn bị từ trước, với số lượng lớn và nhắm vào một mục tiêu nhất định. Việc bùng đơn hàng có chủ đích này là nội dung của mục "Chuyện nóng" trong Chuyển động 24h trưa 09/5.

Chuyện nóng: Antifan và bùng hàng có chủ đích - Ảnh 1.

Chuyện nóng: Antifan và bùng hàng có chủ đích - Ảnh 2.

Nếu chia hành động bùng hàng thành cơ bản 2 loại theo góc nhìn từ phía người mua hàng thì gồm bùng hàng không có chủ đích và có chủ đích.

"Bùng hàng không có chủ đích" nghĩa là lúc mua thì muốn nhưng đến khi hàng giao tới nơi thì lại không muốn nhận. Lý do của trường hợp này thường là do mua theo cảm xúc chứ không phải nhu cầu. Khi hàng tới nơi thì cảm xúc đã hết, còn nhu cầu thì vốn đã chẳng có nên người mua sẽ có xu hướng bùng - không nhận hàng.

Ngược lại, "bùng hàng có chủ đích" nghĩa là ngay từ thời điểm đặt mua trực tuyến, việc không nhận hàng đã được xác định. Việc này thực sự trở thành một rắc rối lớn khi nó trở thành công cụ hoạt động của một nhóm antifan.

Vì là có chủ đích nên hoạt động "bùng hàng" này được nhóm antifan chuẩn bị khá kỹ càng từng bước với mục tiêu cụ thể là phá hỏng buổi bán hàng của đối tượng mà nhóm hướng tới. Cụ thể trong nhóm, các thành viên hướng dẫn nhau từng bước, từ việc nhắn tin cho thương hiệu để đề xuất không hợp tác với nhân vật mình ghét, tới việc đặt hàng rồi bùng hàng ra sao nếu hãng vẫn hợp tác. Kết quả là phiên bán hàng trực tuyến đã lập kỷ lục về lượng đơn hàng bị bùng, các thương hiệu liên quan phải tắt đánh giá, bình luận trên các kênh thông tin mạng xã hội của mình.

Chuyện nóng: Antifan và bùng hàng có chủ đích - Ảnh 3.

Trong câu chuyện bùng hàng, có một đối tượng người ta vẫn thường nhắc đến với nhiều sự thương cảm, chính là những shipper - người vận chuyển. Thế nhưng, trong nhóm antifan kia, có một bình luận:  "…Riêng kho của tôi, ai nấy đều vui, vì ai cũng được khách bo thêm 30-50 ngàn, riêng tôi giao 20 đơn bị hoàn về, tổng cộng được 800 ngàn, hiện tại chưa thấy thiệt hại gì cho shipper". Đây chỉ là một bình luận đơn lẻ, không thể đại diện cho ý kiến của toàn bộ các shipper, và cũng chưa thể kiểm chứng tính chính xác của bình luận ấy. Nhưng nếu thực sự có trường hợp người mua không nhận hàng nhưng vẫn gửi tiền bồi dưỡng, thì những shipper sẽ nghĩ gì đây?!

Chuyện nóng: Antifan và bùng hàng có chủ đích - Ảnh 4.

Shipper không quá bị ảnh hưởng, thậm chí còn vui vì được thêm tiền. Các nền tảng, sàn thương mại điện tử không mấy liên quan về quyền lợi. Người đặt hàng rồi bùng thì chưa có tiền lệ nào bị pháp luật xử lý, cùng lắm thì sẽ bị các sàn, nền tảng hạn chế một số dịch vụ nếu số lượt bùng đơn quá nhiều… Cuối cùng, chỉ có uy tín của nhân vật bị anti và nhãn hàng là ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chuyện nóng: Antifan và bùng hàng có chủ đích - Ảnh 5.

Thế mới thấy sức ảnh hưởng của lực lượng antifan lớn thế nào. Sức ảnh hưởng ấy càng lớn, việc kiểm soát nó càng quan trọng. Yêu - ghét thuộc về cảm xúc và chẳng thế ngăn cấm còn đúng - sai lại là chuyện của lý trí. Cảm xúc và lý trí khó mà luôn luôn cân bằng.

Nếu đang là một antifan của bất kỳ ai, liệu rằng chúng ta có đang bày tỏ bức xúc một cách văn minh?

Theo VTV Digital

Cùng chuyên mục
XEM