[Chuyện nghề] Đang làm thư ký CEO, sếp khuyên tôi chuyển qua làm sale, 9 năm sau tôi thành quản lý vùng: Nhớ ngày sinh, hiểu tâm lý, chiều khách hàng hơn cả người yêu!

26/04/2022 14:57 PM | Kinh doanh

Đối với khách hàng, sự trung thực, chân thành và nhiệt tình cộng với những kiến thức về sản phẩm sẽ là công cụ tuyệt vời nhất để chinh phục họ - những con người khó tính nhưng cũng rất tuyệt vời.

Nguồn ảnh: Fanpage Nhà Thổ
Nguồn ảnh: Fanpage Nhà Thổ

Tốt nghiệp cử nhân một chuyên ngành về xã hội, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bước vào nghề sale như công việc tôi đã làm và đang gắn bó 9 năm nay. Công việc này cũng cho tôi có một vị trí khá trong công ty cũng như thu nhập tương đối tốt so với bạn bè cùng học năm ấy.

Ngay từ khi ra trường tôi đã ứng tuyển và bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại Tổ chức phi chính phủ (NGO) của Việt Nam. Tôi tham gia một dự án về dự án xóa đói giảm nghèo tại một tỉnh ở miền bắc, đúng chuyên ngành của tôi được đào tạo là ngành Công tác xã hội, một ngành nghề chưa phổ biến nhiều trong các ngành đào tạo của Việt Nam những năm 2000.

Sau 2 năm làm việc, do mong muốn được về làm việc tại Hà Nội tôi đã chuyển đến một công ty khác, tôi thi tuyển và được nhận vào phòng Tổ chức nhân sự của Công ty, Phòng Tổ chức nhân sự có bộ phận là Thư ký giúp việc cho Ban giám đốc và ban Tổng giám đốc công ty. Tôi vào được một thời gian sau khi đã ổn định công việc sau đúng lúc Thư ký giúp việc của Tổng giám đốc xin nghỉ việc và công ty đã điều chuyển tôi lên làm Thư ký thay chị ấy.

Sau một thời gian làm việc thư ký giúp việc cho Tổng giám đốc, thật bất ngờ đến một ngày, chính Tổng giám đốc bảo tôi: "Anh thấy em hợp với công việc bán hàng, em nên thử công việc này vì Công ty mình nồng cốt chủ yếu vẫn là đội ngũ bán hàng và cũng cần những người phù hợp với công việc này". 

Chưa hết, sếp còn vạch ra lộ trình cũng như mục tiêu cho một vị trí quản lí Team bán hàng trong tương lai. Đứng trước đề nghị của sếp, với mong muốn thử thách bản thân mình và do bản thân đã làm trong công ty một thời gian và đã nắm bắt được quy trình công ty nên tôi lập tức nhận lời.

Bước vào nghề tôi mới nhận ra nghề sale không phải là được thoải mái thời gian và không bị quản lý chặt chẽ như mọi người vẫn thường nghĩ. Cũng không phải yêu cầu suốt ngày ăn mặc quần áo bảnh bao đi tiếp chuyện khách hàng. Nghề sale - nếu bạn làm việc một cách nghiêm túc thì thực sự là một nghề có nhiều áp lực, người bán hàng cần được đào tạo và cũng phải tự trau dồi kiến thức rất nhiều, ngoài kiến thức về sản phẩm bạn kinh doanh bạn cũng cần có một kho tàng kiến thức xã hội phong phú, "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" là tài liệu để bạn "tám chuyện" với khách hàng. Bởi trên thực tế là khi bạn gặp khách hàng thì bạn không chỉ nói câu chuyện về sản phẩm của bạn, bàn cần phải "buôn dưa lê" với khách hàng trước trong và sau khi bán sản phẩm của mình.

Nghề sale cũng cần bạn là con người có kế hoạch và có tính kỷ luật. Làm sale, bạn sẽ không bị quản lí hành chính suốt thời gian phải làm việc, bạn không phải ngồi ngày 8 tiếng trong văn phòng, bạn có thể đi ra ngoài gặp khách hàng, đôi khi bạn "một mình một ngựa chiến đấu", do đó bạn phải tự đặt ra cho mình kế hoạch công việc cá nhân phù hợp với kế hoạch của Team và của công ty và tự mình phải tuân thủ một cách thật nghiêm túc. Còn công việc quản lí đội ngũ bán hàng ở các doanh nghiệp như tôi đang làm thường phải xây dựng kế hoạch và mục tiêu cụ thể cần đạt được, nên việc hoạch định kế hoạch và đảm bảo kỷ luật là điều cực kỳ quan trọng.

Và đôi khi bạn cũng cần có tâm lý vững chắc vì có những lúc bạn sẽ rơi vào tâm lý có phần chán nản, mọi thứ đều không như bạn đặt kế hoạch ban đầu, bạn đặt hẹn nhưng khách hàng hủy hẹn vào phút cuối, thậm chí ngay cả khi bạn vượt quãng đường rất xa chỉ đến để gặp khách hàng nhưng lại nhận được sự từ chối vào phút cuối, bạn nghĩ rằng mình sẽ chốt đơn nhưng khách hàng lại chần chừ hoặc thay đổi… đó chỉ là một trong rất nhiều điều thay đổi vào phút cuối mà bạn có thể gặp phải.

Có những ngày bạn sẽ tràn ngập trong công việc phải làm nhưng có những ngày bạn sẽ thấy thật là trống rỗng và không biết đi đâu về đâu trong hàng đống kế hoạch mục tiêu cần phải đạt được. Nhưng sau tất cả bạn vẫn phải vượt qua và phải luôn luôn tiến về phía trước.

Tôi đã có những ngày phải chờ suốt buổi chiều để chỉ gặp được một khách hàng do đến phút cuối khách báo lại có cuộc họp gấp và chưa biết sẽ kết thúc khi nào. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm chờ để gặp khách hàng vì đây là một khách hàng rất khó đặt lịch hẹn, và với sự kiên trì đó, khách hàng thực sự vui vì tôi đã đánh khách hàng rất cao. Cộng với chút may mắn, tôi đã bán được hàng cho khách hàng này và công ty này trở thành một trong những khách hàng có doanh thu tương đối lớn và đều đặn của công ty tôi.

Tất nhiên sau những câu chuyện từ kho tàng kiến thức xã hội của bạn thì cũng phải đến phần chính là bán hàng và … bán hàng – vì đó là mục tiêu công việc và thu nhập của bạn. Lúc này thì bạn cần mở ra túi kiến thức mới về sản phẩm của bạn, và kỹ năng hỏi đáp của bạn mới cần được đưa ra chiến đấu. Bạn cần phải nói cho khach hàng dễ hiểu về sản phẩm và lấy được nhu cầu, và mong muốn của khách hàng rồi từ đó đánh trúng "tim đen" của khách hàng để chốt đơn về cho công ty, bằng cách nào đó bạn cũng cần phải nói như thế nào để khi bạn đặt câu hỏi mà như không hỏi, đưa ra yêu cầu mà như đưa ra món quà, chốt đơn hàng xong mà khách hàng cảm giác như vừa nhận được một giải pháp tuyệt vời, khi đó bạn sẽ là một sales thật sự xuất sắc đúng nghĩa.

Có lần tôi đi bán hàng cho một công ty cơ khí – anh giám đốc cũng là xuất phát từ thợ kỹ thuật nên anh lặn lộn suốt ngày ở xưởng để chỉ đạo sản xuất. Anh bảo chúng tôi: "Các em là sướng nhất, suốt ngày ăn mặc đẹp và đi chơi nói chuyện chứ như bọn anh thì lăn lộn suốt ngày". 

Cách nhìn như anh với nghề sales khá phổ biến với xã hội. Hầu hết mọi người chỉ nhìn đúng được vẻ ngoài của dân sale. 

Trên thực tế, công việc bán hàng cần nhiều kiến thức về sản phẩm cũng như tạo được giao tiếp tốt với khách hàng, không chỉ đơn thuần là ăn mặc đẹp và "khua môi múa mép" với khách, mà ngược lại bạn cần nắm chắc về chuyên môn sản phẩm bạn đang bán,bạn cũng rất cần kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Giao tiếp không chỉ dừng đơn thuần ở nói chuyện mà còn cần nhiều kỹ năng để tạo được sợi dây kết nối được với tình cảm khách hàng. 

Chúng tôi vẫn nói đùa nhau rằng đối với khách hàng bạn phải biết cả sở thích, ngày sinh và những điều đặc biệt khác của khách hàng nhiều hơn là người thân mình, không phải là để nịnh bợ khách hàng mà đơn giản chỉ là để khách hàng thấy được sự quan tâm nhờ đó mới được sự ủng hộ của khách hàng, trong thời đại mà một sản phẩm có "vạn người bán, một người mưa" như hiện nay thì điều đó vô cùng quan trọng.

Cũng vì thế mà hiện tại rất nhiều người xuất phát là dân kỹ thuật đơn thuần nhưng đã lấn sân sang mảng bán hàng và cũng làm rất tốt, nhất là đối với các sản phẩm có tính kỹ thuật và cần phải tư vấn cho khách hàng hoặc thực hiện các cuộc tư vấn thông số chuyên sâu như các loại vật liệu, máy móc, phần mềm... 

Ở những trường hợp này các bạn thuần là dân kỹ thuật không có lợi thế trong giao tiếp nói chuyện nhưng lại tư vấn về sản phẩm rất chi tiết cụ thể, ngắn gọn và logic nên rất được khách hàng tin tưởng. Cùng chuyển sang phòng bán hàng cùng đợt với tôi có một bạn là kỹ thuật vật liệu, mặc dù ít nói, không quá sôi nổi như tôi, thậm chí có phần hơi nhút nhát. Nhưng chỉ sau một thời gian bạn ấy cũng là một người tư vấn bán hàng và chốt đơn rất tốt. Chính vì tính cách trầm lặng nhưng chắc chắn của cậu ấy, nên khi đã được khách hàng thấu hiểu thì họ sẽ rất ủng hộ.

9 năm trong nghề bán hàng với tôi có thể là đủ thời gian để tôi được gặp gỡ được rất nhiều người với nhiều hoàn cảnh, tính cách khác nhau, người vui tính có, cục cằn, gắt gỏng cũng có, và có lẽ đó là môi trường rèn luyện bản thân tốt đối với tôi. Nhiều lúc tôi ngồi nghĩ lại nếu cho mình chọn lại con đường công việc thì tôi vẫn muốn nó diễn ra như chính nó đã diễn ra. Tôi đã được rèn luyện và trở nên mạnh mẽ, có ý chí hơn trong công việc và cuộc sống.

Sau một thời gian làm việc với vai trò là chuyên viên bán hàng, tôi được Công ty tin tưởng bổ nhiệm làm trưởng Team phát triển địa bàn mới tại Huế

Với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, tôi dần dần xây dựng được một thị trường vững chắc cho công ty, cũng chính vì thế công ty đã bổ nhiệm tôi giữ chức vụ giám đốc chi nhánh mới tại đây. TP Huế cũng chính là nơi tôi gặp vợ và hình thành nên gia đình nhỏ của tôi bây giờ.

Giờ đây với vai trò quản lí vùng cho một hệ thống bán hàng của công ty, tôi luôn khuyến khích và động viên các bạn mới vào rằng bán hàng là một cuộc chiến mà bạn có cơ hội kiểm soát phần thắng của mình bằng cách rèn luyện bản thân và học hỏi hàng ngày, nó là một công việc không dễ dàng như mọi người vẫn thường thấy là ăn mặc sạch đẹp và làm việc ở những văn phòng sang trọng, mà đôi khi bạn phải chọn hương án phù hợp với đối tượng tiềm năng của bạn – đó là khách hàng.

Bạn cũng không nên thiếu tự tin nếu bạn chưa có kiến thức về bán hàng, cái đó bạn sẽ được đào tạo và bạn có thể tự trau dồi, cái quan trọng là bạn có sự quyết tâm và chịu khó học hỏi mỗi ngày, học ở chính đồng nghiệp và chính từ khách hàng của mình.

Đối với khách hàng, sự trung thực, chân thành và nhiệt tình cộng với những kiến thức về sản phẩm sẽ là công cụ tuyệt vời nhất để chinh phục họ - những con người khó tính nhưng cũng rất tuyệt vời.

Bạn đọc thân mến!

Mỗi người chúng ta trong xã hội đều có một công việc.

Tôi là một biên tập viên ngày qua ngày làm việc với guồng quay của tin tức. Bạn là một bác sĩ phải chăm lo cho bệnh nhân, một kỹ sư ngày đêm dựng nên những công trình, một nhà giáo tâm huyết với lớp lớp thế hệ học trò, một người công nhân chăm chỉ trong nhà máy, một người thợ sửa đồng hồ lặng lẽ bên một con phố nhỏ, một người bán cà phê, một trưởng phòng, một giám đốc công ty hay một người đang chập chững bước trên con đường khởi nghiệp…

Cuộc sống thật sinh động. Tôi và bạn đều có một công việc khác nhau. Không ai giống ai. Mỗi người đều có lý do riêng của mình để bắt đầu một thứ gì đó. Kể cả khi chúng ta có làm cùng một nghề, mỗi người đều nhận được những trải nghiệm rất khác nhau. Một lần nữa, không ai giống ai.

Có quá nhiều điều cần phải kể khi nhắc tới công việc của mình. Sao bạn không thử chia sẻ cho chúng tôi và mọi người cùng nghe?

Chủ đề: Cảm xúc, chia sẻ, trải nghiệm của bạn với nghề nghiệp của mình hoặc của bạn bè, người thân.

Hình thức: Thể hiện dưới dạng bài viết tối đa 2.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, phông chữ Unicode.

Tác giả bài viết gửi bài đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Ms Linh Chi - phamthilinhchi02@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên Nghề_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Văn A

Bài viết thể hiện đúng chủ đề và đáp ứng các yêu cầu nói trên, không sao chép bất kỳ tác phẩm nào từng được công bố. Những bài viết đạt yêu cầu sẽ được lựa chọn sử dụng. Chúng tôi xin phép thay đổi tiêu đề tiêu đề bài viết, biên tập nội dung cho phù hợp với tiêu chí của trang. Chúng tôi sẽ phản hồi và gửi nhuận bút với những bạn đọc có bài viết phù hợp đã được chọn đăng.

Ban biên tập trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Hữu Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM