Chuyện lạ ở Nhật Bản: Khi các ngôi đền cũng kinh doanh bất động sản

08/05/2017 19:02 PM | Kinh doanh

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới Nhật Bản nổi tiếng là nơi có chất lượng sống tốt trên thế giới. Tuy nhiên, quốc gia có chất lượng sống tốt này lại đang phải đau đầu vì sự đô thị hóa quá nhanh và quỹ đất hạn hẹp.

Mới đây, những người hàng xóm quanh khu đền Shinto được công nhận là di sản văn hóa thế giới đã vô cùng khó chịu khi các trụ trì ở đây đồng ý cho xây dựng một khu chung cư trên phần đất rừng cũ của ngôi chùa, qua đó phá hủy hoàn toàn cảnh quan của di tích này.

Nhật Bản là quốc gia khá kỳ lạ khi không có một tôn giáo chính thức nào, thậm chí văn hóa của nước này cũng không hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi một tôn giáo nhất định. Người Nhật cũng cảm thấy bình thường khi các vị linh mục, chức sắc kinh doanh và kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên, báo cáo của trường đại học Hokkaido University cho thấy một thực tế trớ trêu là khoảng 180.000 ngôi chùa, đền thờ tại Nhật lại đang lâm vào khủng hoảng tài chính và phải kiếm mọi biện pháp để có thể duy trì hoạt động.

Trong khi đó, khảo sát của hãng truyền hình NHK cho thấy rất nhiều người Nhật tổ chức đám cưới, ma chay tại đền thờ Shinto nhưng chỉ có 40% thừa nhận là tín đồ. Với thực tế như vậy, việc chi trả tiền cho các khoản bảo dưỡng, trùng tu đền thờ là không nhiều.

Hiện nay, các linh mục Nhật thậm chí phải tổ chức, chủ trì những sự kiện hẹn hò, những show chương trình truyền hình để kiếm thêm thu nhập cũng như danh tiếng cho đền thờ. Thậm chí, đầu tư bất động sản cũng đang trở thành một xu thế mới cho các đền thờ khi giá nhà đất tại đây tăng chóng mặt. Năm 2016, đầu tư cho bất động sản chiếm 1/3 tăng trưởng kinh tế đất nước.

Hàng loạt những tập đoàn lớn như West Japan Railway hay Sekisui House đã có nhiều hợp đồng xây dựng với những ngôi đền nằm ở các vị trí đắc địa trong các khu đô thị lớn. Do có lịch sử lâu đời nên những khu di tích này thường chiếm các vị trí vô cùng đắc địa.

Tại Osaka, thành phố lớn nhất của đảo Honshu-Nhật Bản, một khu nhà cũ của ngôi đền Otani Shinshu đang bị phá dỡ để xây khách sạn 17 tầng. Khi hoàn thành vào năm 2019, ngôi chùa cổ này sẽ nằm ngay cạnh tòa khách sạn sang trọng, một hình ảnh khá thú vị tại Nhật.

Không kém cạnh, tập đoàn Mitsui Fudosan cũng đã phát triển 1 khu văn phòng và 2 chung cư trên các nền đất đền thờ ở thủ đô Tokyo.

Dù phương pháp này giải quyết khó khăn tài chính cho những đền thờ nhưng chúng cũng đi kèm các hậu quả.

Đền Nashinori Shrine đã 100 tuổi nằm ngay gần cố đô Kyoto giờ đây bị chắn bởi 3 tòa nhà chung cư và lối đi vào của nó hiện nằm lọt thỏm xen kẽ giữa các khu nhà.

Nghe có vẻ buồn cười nhưng nếu bạn biết rằng giá nhà tại Kyoto vô cùng đắt đỏ cùng những tiêu chuẩn ngặt nghèo cho xây dựng nhà cửa hàng đầu Nhật Bản và không có luật định nào cấm các ngôi đền kinh doanh bất động sản của họ thì câu chuyện trên không có gì lạ.

Trưởng cơ quan bảo tồn di tích Kyoto, ông Tomoko Uehara cho biết miễn là các ngôi đền này không vi phạm luật xây dựng thì họ không thể làm gì hơn ngoài việc đứng nhìn các khu chung cư mọc lên sát các di tích cổ.

Đứng trước tình hình này, các ngôi đền đã đề ra giải pháp tập trung vào phân khúc cao cấp để hạn chế khách hàng cũng như nâng cao tiêu chuẩn, hình ảnh của đền thờ sau khi xây dựng bất động sản mới.

Chuỗi khách sạn Hyatt Regency đã hợp tác với 5 đền thờ ở Kyoto để thuê địa điểm ở các ngôi chùa, tổ chức các dịch vụ hạng sang cho những khách hàng muốn nghỉ ngơi, thư giãn tại các di tích cổ. Giá bình quân mỗi đêm của dịch vụ loại này là 1.500 USD/người.

Với hướng đi đầu tư bất động sản như hiện nay, ngôi đền Shimogamo Shrine hiện đã phần nào thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tài chính. Trong suốt 7 thế kỷ qua, ngôi đền này đã thường xuyên thực hiện việc trùng tu vô cùng tốn kém. Mỗi 21 năm, Shimogamo lại phá dỡ những kiến trúc gỗ mọt để xây mới và điều này khiến ngôi chùa tốn 1 lượng lớn kinh phí.

Năm 2013, ngôi chùa này chỉ quyên góp được 50% trong số 30 triệu USD chi phí cần thiết cho việc bảo dưỡng, vận hành đền thờ. Chính điều này đã dẫn đến việc Shimogamo quyết định cho thuê các khu đất quanh ngôi đền để kinh doanh.

Bất chấp sự phản đối từ nhiều tín đồ trung thành cũng như những người dân xung quanh, trụ trì của ngôi chùa vẫn quyết định để các công ty xây dựng đầu tư vào đây nhằm giải quyết tình trạng tài chính khó khăn.

BT

Cùng chuyên mục
XEM