Chuyện lạ: Chào mừng bạn đến những vùng đất cấm "chết" trên thế giới

10/10/2019 07:45 AM | Xã hội

Nghe có vẻ kỳ nhưng kể từ năm 1999 đến nay đã có 6 vùng đất mới ban hành luật cấm chết, người vi phạm có thể bị phạt tiền, bị tăng thuế hay nhiều hình phạt khác.

Quy định cấm tử vong, hay chính xác hơn là cấm chôn cất hay làm nơi qua đời vốn đã tồn tại từ lâu. Bạn nghe không có nhầm đâu, phát hiện cổ xưa nhất về quy định này là từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên (BC) tại vùng đảo Delos của Hy Lạp do liên quan đến tôn giáo. Tuy nhiên cho đến tận ngày nay, luật cấm chết vẫn tồn tại ở một số khu vực, như thành phố Longyearbyen của Na Uy.

Tại vùng cực bắc của Na Uy, thành phố Longyearbyen thuộc hàng lạnh giá nhất thế giới và có đêm tối dài tới tận 4 tháng trong năm. Đúng vậy, suốt 4 tháng trời người dân của thị trấn này sẽ không được nhìn thấy ban ngày và chỉ có 8 tháng là có đêm ngày bình thường.

Dẫu vậy, thành phố Longyearbyen vẫn có tới 2000 cư dân và khoảng 65.000 du khách tới đây thăm quan, thám hiểm mỗi năm. Bất cừ du khách nào tới Longyearbyen sẽ được hướng dẫn viên quảng bá về quy định cấm chết.

Chuyện lạ: Chào mừng bạn đến những vùng đất cấm chết trên thế giới - Ảnh 1.

Thị trấn Longyearbyen

Trên thực tế, quy định này đã có từ năm 1950 và đến nay đã chẳng còn mấy hiệu lực bởi làm sao trừng phạt được những người phạm luật. Tại thời điểm ban hành, chính quyền địa phương phát hiện ra rằng những xác chết được chôn cất ở vùng này không thể phân hủy do quá lạnh (có thể xuống -50 độ C).

Thậm chí trước đó vào năm 1918, bệnh dịch cúm Tây Ban Nha lây lan từ những virus thông qua các xác chết không phân hủy đã tạo nên cuộc khủng hoảng trong vùng. Khoảng 40 triệu người đã thiệt mạng vì dịch cúm Tây Ban Nha vào thời điểm 1918 và việc xác chết không phân hủy trở thành nỗi sợ hãi của Longyesrbyen.

Thêm nữa, do là vùng cực bắc lạnh giá xa xôi nên Longyesrbyen không có nhiều bệnh viện hay trạm y tế. Thị trấn chỉ có 1 khu trạm xã nhỏ và không có nhà dưỡng lão cũng như cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Như một hệ quả tất yếu, chính quyền địa phương yêu cầu những người sắp qua đời, hoặc việc chôn xác phải được thực hiện ở khu vực khác nhằm tránh lây lan virus cũng như dịch bệnh từ các tử thi. Những người già tại thị trấn cũng được khuyến khích di cư về phía nam để nhận trợ giúp từ xã hội.

Với những trường hợp tử vong bất ngờ hoặc không may mắn, họ sẽ được chuyển về phía nam để chôn cất.

Cho đến tận ngày nay, rất nhiều xác chết cổ được tìm thấy ở vùng Longyearbyen. Các nhà khoa học thường khai quật những xác chết chưa phân hủy này để nghiên cứu cho mục đích khoa học.

Chuyện lạ: Chào mừng bạn đến những vùng đất cấm chết trên thế giới - Ảnh 2.

Thị trấn Sellia

Những vùng đất cấm chết

Trên thực tế không riêng gì Longyearbyen, một số khu vực ngày nay trên thế giới cũng cấm chôn xác hoặc qua đời tại địa phương. Ví dụ như ở Brazil, thị trấn Biritiba Mirim cũng cấm người dân chôn xác đã tạo nên một cuộc biểu tình nhưng chính quyền địa phương lại khá cứng rắn trong vấn đề này.

Nguyên nhân chính của sự việc là do Biritiba Mirim hết quỹ đất để chôn xác và việc chôn cất bừa bãi đã làm ô nhiễm nguồn nước, đất của khu vực, qua đó buộc chính phủ phải đưa ra quy định lạ đời này. Điều đáng nói là khu vực này nằm khá gần thành phố lớn Sao Paulo với 2 triệu người sinh sống. Bởi vậy việc Biritiba Mirim làm ô nhiễm nguồn nước khiến cộng đồng cư dân trong toàn khu vực phải lo lắng.

Một trường hợp hi hữu khác cũng cấm chết là tại thị trấn Sellia thuộc Italy khi phần lớn dân cư trong vùng là người già trên 65 tuổi. Nhằm củng cố cấu trúc dân số cũng như hối thúc người dân chăm lo sức khỏe nhiều hơn, thị trưởng của thị trấn đã ban hành luật cấm chết vào năm 2015. Tất nhiên là họ không thể ép người dân không được chết hay chôn xác như Longyearbyen nhưng chính quyền địa phương sẽ phạt tiền hay tăng thuế với những người già trong vùng có lối sống không lành mạnh hoặc không chịu chăm lo cho sức khỏe.

"Trên thực tế, chúng tôi chẳng thể cấm ai chết cả. Bạn không thể yêu cầu một thứ vô lý như vậy bằng luật. Mục đích của chúng tôi là để nâng cao sức khỏe và gìn giữ cấu trúc dân số của thị trấn. Chúng tôi không ban hành quy định này chỉ để đùa mà với mục tiêu rõ ràng bởi Sellia cũng như nhiều vùng quê khác của Italy đang lâm vào tình trạng giảm dân số nghiêm trọng. Những người không chịu chăm sóc sức khỏe bản thân hay có cuộc sống không lành mạnh sẽ bị trừng phạt bằng cách tăng thuế cá nhân", Thị trưởng Davide Zicchinella thời đó của Sellia nói.

Nếu trường hợp của Sellia và Longyearbyen là có cơ sở thì vụ việc cấm chết tại Cugnaux-Pháp lại mang tính hài hước hơn nhiều. Câu chuyện bắt đầu vào năm 2007 khi Thị trưởng Philippe Guerin của thị trấn muốn di chuyển nghĩa trang của vùng sang nơi mới để quy hoạch một khu chợ trên vùng đất cũ. Mục đích của kế hoạch này là nhằm thúc đẩy du lịch, thương mại cũng như phát triển kinh tế trong vùng.

Chuyện lạ: Chào mừng bạn đến những vùng đất cấm chết trên thế giới - Ảnh 3.

Thị trấn Cugnaux

Trớ trêu thay, đề án này chưa được cấp trên thông qua do chưa thống nhất về quy hoạch. Hệ quả là dù đã gửi thư lên bộ trưởng cũng như làm mọi cách, thị trấn Cugnaux vẫn chưa thể di dời nghĩa trang của họ. Bất đắc dĩ, ngài thị trưởng quyết định cấm chết trong thị trấn, hay chính xác hơn là cấm chôn xác tại nghĩa trang bởi chúng nằm trong đề án quy hoạch.

Ngay sau đó, Thị trưởng Guerin gửi công văn về quy định này lên khắp truyền thông, tạo nên tiếng vang trong xã hội và cuối cùng đề án di dời nghĩa trang cũng được phê duyệt.

Tương tự như Longyearbyen, Sellia hay Cugnaux, thế giới cũng có nhiều nơi từng ban hành quy định cấm chết khác như Sarpourenx-Pháp (2008), Lanjaron-Tây Ban Nha (1999), Falciano del Massio-Italy (2012)… Phần lớn trong số đó mang lý do tôn giáo, môi trường hay đơn giản chỉ để thu hút sự chú ý của dư luận.

AB

Cùng chuyên mục
XEM