Chuyện khởi nghiệp của ông chủ chuỗi nhà xác chuyên phục vụ tang lễ tại Nhật Bản: Đam mê nghề đến mất vợ!

08/11/2019 21:20 PM | Kinh doanh

Hiện Norihisa Tomiyasu đã là Chủ tịch của tập đoàn Tear Corp, chuỗi nhà xác chuyên phục vụ nghi thức tang lễ cho những người đã khuất. Giá cổ phiếu của Tear Corp đã tăng hơn 100% trong khoảng 2014-2018.

Năm 1997, anh Norihisa Tomiyasu mở nhà xác đầu tiên của mình với mục tiêu chuyên nghiệp hóa dịch vụ tang lễ, một trong những nghi thức quan trọng của đời người đối với văn hóa Nhật Bản.

Chuyện khởi nghiệp của ông chủ chuỗi nhà xác chuyên phục vụ tang lễ tại Nhật Bản: Đam mê nghề đến mất vợ! - Ảnh 1.

Anh Norihisa Tomiyasu

Tuy nhiên, chính anh Tomiyasu cũng không thể ngờ rằng ngành này lại kinh doanh tốt đến như vậy. Hiện Tomiyasu đã là Chủ tịch của Tập đoàn Tear Corp, chuỗi nhà xác chuyên phục vụ nghi thức tang lễ cho những người đã khuất. Giá cổ phiếu của Tear Corp đã tăng từ mức 400 Yên/cổ phiếu khi niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo vào năm 2014, đạt đỉnh ở mức giá 1.200 Yên/cổ phiếu vào năm 2018..

Sự thành công của anh Tomiyasu và Tear Corp là dễ hiểu khi kể từ năm 2007, số người tử vong tại Nhật Bản vượt số sinh mới và khiến ngành tang lễ nơi đây tăng trưởng tốt. Khoảng 30% dân số Nhật có độ tuổi trên 65 và nhu cầu chuẩn bị hậu sự tại thị trường này là rất cao.

Theo nhiều ước tính, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Nhật sẽ giảm mạnh sau năm 2018 và sẽ giảm thêm 4 triệu người đến năm 2025, tương đương dân số của thành phố Los Angeles. Thậm chí, tình hình có thể còn tồi tệ hơn vào năm 2050.

Hãng Tear chỉ là một trong số 8.550 công ty kinh doanh tang lễ ở Nhật Bản đang hưởng lợi từ tốc độ già hóa dân số nhanh. Tuy nhiên, nhờ mở rộng thêm 98 chi nhánh mới, Tear đã trở thành công ty tang lễ lớn nhất thành phố Nagoya và xếp thứ 2 Nhật Bản, đứng sau San Holding Inc.

Điều khiến Tear trở nên thành công hơn so với những đối thủ trong ngành là bởi họ niêm yết giá cả công khai từng loại dịch vụ trên website cho mọi người thấy, điều này trước nay chưa công ty nào dám làm và là một điều khá tế nhị ở Nhật.

Với một quan tài bằng gỗ đơn giản cùng các thủ tục tang lễ, giấy xác nhận, buổi lễ đơn giản với gia đình và người thân… Tear sẽ lấy giá khoảng 2.989 USD. Nếu muốn chất lượng quan tài tốt hơn cùng hoa và yêu cầu thợ hóa trang làm người đã khuất trông đẹp hơn trong buổi lễ, giá của dịch vụ có thể lên tới 9.240 USD, tùy yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, mức giá này vẫn được coi là rẻ so với mức bình quân 12.675 USD trong ngành này tại Nhật.

Những khách hàng đăng ký trước các gói dịch vụ sẽ được giảm giá 10%. Trên thực tế, ngành tang lễ Nhật giờ đây kinh doanh không khác gì ngành bán lẻ hay ngành dịch vụ khác, khi có nhiều chương trình giảm giá.

Chuyện khởi nghiệp của ông chủ chuỗi nhà xác chuyên phục vụ tang lễ tại Nhật Bản: Đam mê nghề đến mất vợ! - Ảnh 2.

Nhà kho cung cấp nguyên vật liệu cho hãng Tear


Vì nghề mất vợ

Ban đầu, công việc của Tomiyasu là chuẩn bị nghi lễ cho cả tiệc cưới lẫn tang lễ. Tuy vậy khi cha mẹ vợ của anh phát hiện ra rằng con rể mình chủ yếu chuẩn bị các nghi thức cho tang lễ họ đã sốc.

"Đổi nghề hoặc ly dị với con gái chúng tôi", anh Tomiyasu nhớ lại những lời bố mẹ vợ nói với mình khi phát hiện ra công việc anh đang làm.

Trớ trêu thay, giờ đây nghề tang lễ của Tomiyasu lại thành lĩnh vực khấm khá khi đã dần được người dân chấp nhận, việc kinh doanh được tiến hành công khai. Trận sóng thần lịch sử năm 2011 đã cướp đi nhiều sinh mạng và thúc đẩy ngành tang lễ trong cả nước. Bên cạnh đó những bộ phim về ngành nghề được cho là tế nhị này cũng khiến nhiều người Nhật thay đổi cách nhìn về nó.

Trong năm vừa qua, hãng Tear đã thực hiện 13.465 buổi tang lễ và con số này chỉ chiếm 1% số trường hợp tử vong trên toàn Nhật Bản.

Đối với Tomiyasu, nguyên nhân chính khiến anh theo đuổi nghề này dù có bị mất vợ đi chăng nữa là lương tâm nghề nghiệp.

Chuyện khởi nghiệp của ông chủ chuỗi nhà xác chuyên phục vụ tang lễ tại Nhật Bản: Đam mê nghề đến mất vợ! - Ảnh 3.

Khu vực trang điểm cho người mất của hãng Tear

Vào một ngày sau khi đã thực hiện tang lễ cho một người đàn ông, anh Tomiyasu nhận được phong bì 30.000 USD tiền thanh toán từ người vợ của người quá cố. Khoản tiền này tương đương với rất nhiều tháng lương bình quân của người Nhật, nhưng người góa phụ vẫn cúi đầu nói cảm ơn đầy chân thành với Tomiyasu.

Chính điều này đã khiến bản thân Tomiyasu rung động. Anh nhận ra rằng ngành tang lễ là một trong những nghề đem lại phúc đức cho xã hội, dù vẫn thu được khoản tiền kha khá.

Mặc dù vậy, Tomiyasu cũng phải thừa nhận rằng rất nhiều người trong nghề tận dụng sự đau thương của khách hàng để kiếm lời trái với lương tâm. Rất nhiều lần Tomiyasu đã phải tranh cãi với những người quản lý cấp dưới của mình bởi họ hoàn toàn có thể giảm 50% giá mà vẫn thu lời.

"Những người làm tang lễ thường bán dịch vụ mà không nghĩ đến tình hình tài chính của khách hàng. Nhiều nhân viên của tôi khuyên khách hàng mua thêm dịch vụ này nọ để rồi thu về cả đống tiền", anh Tomiyasu bức xúc nói.

Số liệu của trung tâm tư vấn tiêu dùng quốc gia Nhật Bản (NCAC) cho thấy, tỷ lệ tử vong tại Nhật gia tăng đi kèm với số lời than phiền về dịch vụ tang lễ, từ mức 83 đơn khiếu nại năm 1996 tăng lên gần 1.000 đơn năm 2018. Phần lớn chúng liên quan đến khoản chi phí quá cao cùng những dịch vụ không cần thiết được thêm vào.

Chị Yuki, một người dân ở thành phố Nagoya cho biết, chị từng tham dự lễ tang của người bà trong một lễ đường quá lớn mà chỉ lác đác vài người tới viếng. Tổng chi phí của dịch vụ lên tới 45.200 USD và dù thấy con số rất bất hợp lý nhưng chị Yuki lại khó mở lời bởi điều này vô cùng tế nhị.

Suy cho cùng, việc chi tiền cho người đã khuất là điều khó minh bạch với văn hóa Nhật Bản, khi văn hóa lịch sự và hình ảnh gia đình được đặt lên trước tính hiệu quả và hợp lý của buổi tang lễ.

Chuyện khởi nghiệp của ông chủ chuỗi nhà xác chuyên phục vụ tang lễ tại Nhật Bản: Đam mê nghề đến mất vợ! - Ảnh 4.

Hậu trường chuẩn bị tang lễ của hãng Tear

AB

Cùng chuyên mục
XEM