Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: "Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về"

12/04/2019 08:23 AM | Xã hội

20 năm kể từ ngày gia đình ly tán, chú Năm vẫn bám trụ trong căn nhà cũ kỹ, không điện, không nước sạch, không bóng dáng người thân, nhưng luôn chất đầy những hy vọng, rằng một ngày nào đó các con sẽ trở về bên mái nhà xưa.

2 ngàn đồng ở thành phố bạn mua được gì?

Một chiếc kẹo mút, một cái bánh bông lan bé tẹo hay một lần gửi xe trong siêu thị. Hoặc là một món hàng đáng yêu như bịch "đậu phộng handmade" này:

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 1.

Bịch đậu phộng được trang trí bằng tay tỉ mỉ.

Bịch đậu phộng đáng yêu với giá 2 ngàn đồng 

"Vì cuộc đời còn những điều vô cùng dễ thương như thế. Mọi người có tin với 2 ngàn đồng, một số tiền quá nhỏ như thế mà mua được bịch đậu phộng đáng yêu như thế này không? Đây là của chú đi ngang nhà. Mẹ mình thấy nên mua ủng hộ chú, bao bì chú tự viết tự vẽ, có cả tiếng Hoa và tiếng Việt, có cả ngày sản xuất thành phần, như vậy mà chỉ có 2 ngàn thôi" - đoạn chia sẻ ngắn về bịch đậu phộng của một bạn có nickname là Hồng Đào đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, đa số mọi người đều xuýt xoa trước sự đáng yêu của gói đậu cũng như tâm huyết của người đã làm ra món hàng này.

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 2.

Thành phần nguyên liệu được viết tay bằng 2 thứ tiếng.

"Công ngồi vẽ đã hơn 2 ngàn rồi, sao bán rẻ thế nhỉ?"

"Sao chú ấy không in cho tiện nhỉ?"

"Người bán hàng có tâm nhất Sài Gòn. Hẳn là họ đang khởi nghiệp từ bước đầu khó khăn?"

Có hàng tá câu hỏi được đặt ra xung quanh người đàn ông đã làm nên những gói đậu nhỏ xinh và vô cùng tỉ mỉ này. Chính bản thân tôi khi nhìn thấy túi đậu cũng vô cùng ấn tượng, tôi có niềm tin rằng phía sau những dòng chữ, nét vẽ này là cả một câu chuyện tuyệt đẹp.

Trắng tay, mất cả gia đình

Lần theo địa chỉ trên gói đậu nhỏ xinh này, tôi tìm đến cơ sở sản xuất đậu rang ở quận 8, nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như tưởng tượng ban đầu. Ngờ rằng người đàn ông bán đậu vì lớn tuổi nên đã viết nhầm địa chỉ, nhưng thật ra đó là cách viết khá thông minh, mà nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra.

Hỏi một số người dân xung quanh, tôi nhận được câu trả lời khá mông lung: "Hồi trước ở đây có 1 gia đình làm đậu rang, nhưng họ phá sản đã nghỉ từ lâu rồi!".

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 3.

Biển hiệu cũ kỹ của xưởng đậu.

Đi sâu vào một con hẻm, tôi bất ngờ nhận ra tấm biển có dòng chữ "Cơ sở sản xuất đậu Thuận Phát" trước ngôi nhà nhỏ đìu hiu và cũ kỹ. Những người phụ nữ quanh xóm cảnh báo rằng: "Người đàn ông trong căn nhà này không được bình thường. Nhiều năm trước ông ấy bị phá sản, gia đình ly tán. Bao năm qua ông sống cô đơn trong nhà, không điện, không nước sạch".

Có lẽ đã xảy ra vài biến cố trong căn nhà úa màu thời gian này. Trước khi đến đây tôi đã từng vẽ nên trong đầu những câu chuyện đáng yêu về một gia đình làm đậu dẫu khó khăn nhưng luôn tràn đầy sự lạc quan, thế nhưng cuộc sống đôi khi không đẹp như ta tưởng tượng. 

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 4.

Cuộc sống đôi khi không đẹp như ta tưởng tượng.

Buổi trưa người đàn ông trở về nhà, ông hiền hậu và niềm nở đón tôi vào trò chuyện. "Trong xóm này mọi người gọi chú là chú Năm, nhưng dạo gần đây không ai gọi như thế nữa" - người đàn ông mỉm cười.

Chú Năm tên thật là Trương Lâm (65 tuổi) là người Việt gốc Hoa, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Trước đây làm chú làm chủ cơ sở sản xuất xà bông, sự nghiệp đang phát triển thì gặp sự cố dẫn đến phá sản.

"Chú trắng tay, vợ con chuyển về nhà ngoại sống. Chú có sang tìm nhưng bên ngoại nói là không biết mấy mẹ con đang ở đâu, mà giờ có gặp nhau cũng chỉ toàn là chuyện buồn thì gặp làm gì. Vậy là gia đình chú thất lạc nhau cũng hơn 20 năm rồi. Nhưng thôi đó là chuyện của quá khứ" - những tủi hờn của năm tháng cứ như chực chờ lao đến nuốt chửng lấy người đàn ông ấy, nếu ông đi quá sâu vào câu chuyện.

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 5.

Chú Năm và chiếc áo mà chú vẫn thường mặc để đi bán đậu.

"Gói đậu này chú làm cầu kỳ quá, sao chỉ bán với giá 2 ngàn đồng" - tôi xoá tan bầu không khí bằng câu hỏi về túi đậu dễ thương.

Chú Năm tâm sự: "À, chú bán chỉ để quảng cáo thương hiệu thôi. Hai tuần chú mới bán một lần, mỗi lần chỉ bán 5 - 10 bịch thôi. Sau này có tiền chú sẽ về nông thôn mua đất trồng đậu thì mới phát triển bán khắp đất nước được".

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 6.

Hai tuần chú Năm làm đậu 1 lần để đem bán với giá 1 ngàn hoặc 2 ngàn đồng.

Giữa không gian bốn bề tịch mịch, những bức tường hoen ố được lấp đầy bằng những con chữ vẽ nên viễn cảnh phát triển của thương hiệu và cả những câu nói có phần viễn vông của chú Năm, tôi hiểu rằng ông ấy đã phải đối mặt với quá nhiều cú sốc lớn trong đời. Kinh doanh là vậy, như một cuộc chiến đem đến vô vàn vết đau, có người đứng dậy bước tiếp có người mãi mãi ở lại phía sau.

Xen lẫn giữa những câu chuyện làm kinh doanh rõ ràng, ràng mạch của chú Năm là bóng dáng của những con người đã đi đến cùng lòng tin và sự lừa lọc. Nhưng những người xấu trong đời chú Năm cũng chính người thầy luôn mang lại cho chú bài học đắc giá. Thật may là chú Năm đã xem họ là dĩ vãng, và bắt đầu với việc kinh doanh mới của mình: những túi đậu rang.

Các công đoạn để chú làm ra một tờ thông tin trong gói đậu.

"Đi in thì phải 1000 tờ người ta mới in cho mình, nên chú tự làm, mình mua một khúc gỗ về rồi ngồi đục thành một cái bản in. Sau đó lấy mực quét lên rồi in ra giấy. Chữ nào nhợt nhạt thì chú sẽ lấy viết để tô lại cho đậm" - chú giải thích cách làm những tờ giấy thông tin đựng trong mỗi túi đậu.

Mất tầm 30 phút để chú Năm hoàn thành một tờ thông tin sản phẩm, một cách tỉ mỉ và đầy trân trọng.

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 7.

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa

Đã hơn 11 năm qua chú Năm sống một mình trong căn nhà ẩm thấp này mà không hề có điện và nước sạch. Chú bảo: "Không có tiền đóng tiền điện, còn nước thì chú dùng nước mưa. Vào mùa mưa chú sẽ đựng nước vào những chiếc bao để sang mùa khô có nước mà xài". Giữa phố thị sầm uất, ông Năm có một thế giới của riêng mình.

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 8.

Đường dẫn nước mưa được chú thiết kế để dự trữ nước dùng.

Nhiều người đến hỏi mua hay thuê nhà nhưng chưa bao giờ chú đồng ý, dù số tiền đó đủ giúp người đàn ông lớn tuổi này có một cuộc sống ổn định hơn, ít thiếu thốn hơn. "Chú sẽ không cho ai mướn hay mua lại căn nhà này, đây là căn nhà kỷ niệm của vợ chồng và các con. Chú sẽ ở đây để đợi các con trở về" - chú Năm dẫn tôi đến từng góc nhà kỷ niệm, từng ngóc ngách đã úa màu nhưng tràn đầy cảm xúc.

Người đàn ông ấy khiến tôi nhớ đến bà Tư trong bộ phim Có căn nhà năm nghe nắng mưa - một người mẹ kiên trì bám trụ căn nhà của mình suốt 30 năm để đợi con trở về, hy vọng cứ mong manh qua bao mùa nắng mưa, nhưng chưa một phút giây nào bị dập tắt.

"Không có tiền thì làm sao lo được cuộc sống cho vợ con. Mình phải làm ăn, có sự nghiệp thì vợ con mới quay trở về!" - chú Năm nói, nghe nhẹ tênh mà trĩu lòng.

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 9.

Người ta bảo ông Năm bị điên, không bình thường. Ừ thì, ai yêu thương sâu đậm mà không vài lần điên dại.

Chú Năm ít khi ở nhà, ông dành thời gian để đi lang thang khắp thành phố, có khi để bán từng gói đậu phộng, có lúc để quên đi sự cô đơn của tuổi già. Những buổi tối, khi bóng đêm vây kín căn nhà quạnh vắng, ký ức ùa về cứa từng vết đau, ông Năm nhận ra chỉ còn một mình giữa mênh mông biển người. 

"Chú Năm trồng nhiều cây ăn quả quá nhỉ!" - tôi cười bảo.

Chú trầm ngâm: "Ừ, chú trồng để sau này các con của chú về có trái cho chúng nó ăn". Nếu có một thứ gì đó nhiệm màu luôn tồn tại trong căn nhà này thì đó là tình thương, nó giúp chú Năm bước qua từng ngày mưa nắng và không ngừng hy vọng về ngày đoàn viên.

Chuyện gói đậu phộng vẽ tay giá 2 ngàn đồng của một người cha ở Sài Gòn: Chú sẽ ở đây, đợi các con trở về - Ảnh 10.

Bao mùa nắng mưa đi qua ngôi nhà, chú Năm vẫn lặng lẽ đợi con trở về mái nhà xưa.

"Đã bao mùa hạ tàn thu tan

Hết đông rồi, xuân lại vui sang

Bóng con giờ tăm cá mù khơi

Mắt hoen mờ, đêm mơ gặp con..."

Trích: Có căn nhà nằm nghe nắng mưa


Theo TOÀN NGUYỄN

Cùng chuyên mục
XEM