Chuyện giờ mới kể: Áp lực mang tên "Năm nay con được thưởng tết to không?" của dân ngân hàng

13/01/2017 14:23 PM | Xã hội

Làm nhân viên ngân hàng không đơn giản chỉ là "ngồi máy lạnh, quần áo chỉn chu, đút chân vào gầm bàn" như mọi người vẫn nghĩ.

Cứ đến cuối năm, chuyện thưởng tết ở các ngân hàng lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Phải nói là chưa có ngành nào nhận được nhiều quan tâm đến chuyện lương thưởng như ngành ngân hàng. Từ nhân viên công sở đến chị bán hàng xén ngoài chợ, ai ai cũng rôm rả bàn tán thông tin Techcombank thưởng tết 7 tháng lương hay nhân viên Vietcombank thưởng tết có thể lên tới 170 triệu đồng. Tuy nhiên câu chuyện thưởng tết ở các ngân hàng có chỉ dừng lại ở những câu chuyện phiếm hàng ngày, hay đằng sau đó còn là những ảnh hưởng tiêu cực ít ai nghĩ tới.

Những người trẻ chấp nhận vứt bỏ hoài bão chạy theo sức hút của thu nhập

Mức thưởng tết cao của các ngân hàng trong thời gian gần đây có thể làm cho ngành ngân hàng "hot" trở lại. Vài năm trở lại đây, ngành ngân hàng không còn thu hút nhiều bạn trẻ do môi trường làm việc nhiều áp lực, mức lương không hấp dẫn, thi tuyển gắt gao. Thế nhưng với mức thưởng "khủng" như hiện nay chắc hẳn sẽ làm nhiều người suy nghĩ lại. Tuy mức lương hàng tháng không thực sự ấn tượng như trước đây  nhưng nếu lấy tổng thu nhập cả năm chia bình quân thì sẽ là một con số không nhỏ so với mặt bằng chung. Cộng thêm với môi trường làm việc văn minh, ổn định, ngân hàng thực sự trở thành đích ngắm cho tương lai của nhiều bậc phụ huynh.

T, một học sinh lớp 12 với lực học khá tốt cho biết, bố mẹ định hướng e thi khoa Ngân hàng của một trường đại học có tiếng. Mặc dù em có đam mê nghệ thuật nhưng bố mẹ phản đối vì tương lai không ổn định, nhất là với con gái. Như vậy, sẽ có một bộ phận các bạn trẻ chấp nhận vứt bỏ đam mê, hoài bão tuổi trẻ qua một bên để đi theo những sắp đặt của cha mẹ. Tuy nhiên, làm nhân viên ngân hàng không đơn giản chỉ là "ngồi máy lạnh, quần áo chỉn chu, đút chân vào gầm bàn" như mọi người vẫn nghĩ. Nếu không có đam mê và nhiệt huyết thật sự rất khó để vượt qua áp lực, chỉ tiêu trong ngân hàng.

Chuyện chỉ người trong nhà mới hiểu

Vấn đề tiêu cực trong tuyển dụng ở hệ thống ngân hàng như ưu tiên con em trong ngành hay chạy suất vào các vị trí làm việc là việc không còn mới. Nếu không có khả năng thực sự, để có một vị trí trong ngân hàng cần đầu tư một số tiền không nhỏ, lên tới vài trăm triệu đồng phụ thuộc vào tên tuổi ngân hàng, vị trí hay tình hình hoạt động của từng chi nhánh.

Theo nguồn tin chia sẻ trên một diễn đàn của dân ngân hàng, suất chạy vào vị trí nhân viên thẻ của một ngân hàng TMCP có tiếng lên tới 500 triệu đồng. Bằng phép tính nhẩm đơn giản, có thể thấy khoản đầu tư này không được hiệu quả cho lắm, cần thời gian dài để "gỡ vốn" nếu như chỉ dựa vào lương hàng tháng. Tuy nhiên, với những mức thưởng tết hứa hẹn như hiện này, không khó để "thu hồi vốn" với thời gian ngắn hơn. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh "cắn răng" chấp nhận với hi vọng con mình sớm có một chỗ làm ổn định, thu nhập tốt.

Dự đoán nhu cầu về những suất "ngoại giao" vào ngân hàng sẽ tăng vùn vụt khi tính ổn định trong công việc vẫn là đích nhắm của nhiều bậc phụ huynh. Đặc biệt khi xã hội vẫn có xu hướng lấy lương thưởng làm thước đo sự thành công của mỗi cá nhân.

Áp lực mang tên "Năm nay con được thưởng tết to không"

Các gia đình có vợ hoặc chồng làm trong ngành ngân hàng ắt hẳn sẽ phải "gãi đầu, gãi tai" giải thích với người còn lại. Có nhiều trường hợp các anh chồng là dân ngân hàng bị vợ nghi ngờ có quỹ đen do tiền thưởng thực tế quá ít ỏi nếu so với những con số thưởng khủng xôn xao dư luận mỗi dịp cuối năm. 

Anh T, chuyên viên quan hệ khách hàng ở một chi nhánh nhỏ của một NHTMCP có tiếng thở dài cho biết: " Mình mới chuyển về chi nhánh, thời gian làm việc chưa lâu, kết quả kinh doanh của chi nhánh không được tốt cho lắm, chắc là thưởng tết cũng không quá cao. Tuy nhiên, vợ mình rất trông chờ vào khoản tiền thưởng tết này và có nhiều dự định với nó vì đây là cái tết đầu tiên của hai vợ chồng sau khi cưới. Có thể do những thông tin trong những ngày gần đây đã đẩy kì vọng của cô ấy đi quá xa.".

Các cán bộ ngân hàng cũng thường bị đẩy vào tình thế không biết giải thích ra sao khi họ hàng, người thân, bạn bè đều tin rằng nhân viên ngân hàng được thưởng rất cao môi dịp tết Nguyên Đán. Chị N, một giao dịch viên ngân hàng cho biết, thưởng tết của chị thường chỉ nhận được 1 tháng lương, khó co kéo lắm mới đủ sắm sửa tết bên nội, bên ngoại chứ đâu như mọi người nghĩ. Năm ngoái về quê chồng, chị bấm bụng mừng tuổi tụi trẻ 200.000 đồng mà vẫn bị xì xầm bàn tán, chê keo kiệt. Giải thích phân trần thì bị mọi người cho là muốn giấu, vì sợ mọi người xin, vay. Nhiều lúc ấm ức phát khóc vì có tiếng mà không có miếng.

Như vậy, mức thưởng tết của nhân viên ngân hàng không chỉ đơn giản dừng lại ở những câu chuyện phiếm mà nó thực sự có những tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội hơn những gì mọi người vẫn nghĩ. Đời sống và thu nhập của nhân viên ngân hàng không thực sự hào nhoáng như chúng ta vẫn tưởng. Ngân hàng thực sự không phải đường tắt dành cho những ai muốn có cuộc sống an nhàn và giàu có.

Minh Kiên

Cùng chuyên mục
XEM