Chuyện Giáo sư Harvard “nghiện” cà phê với sinh viên Việt: Chọn sang Việt Nam phát triển giáo dục vì những lợi thế “chẳng đâu có”

27/12/2023 10:50 AM | Sống

Khẳng định sinh viên Việt Nam sở hữu những tố chất chẳng kém sinh viên những trường đại học hàng đầu thế giới, thậm chí còn khác biệt bởi sự hiếu kỳ và nghị lực phi thường, Giáo sư Y khoa hàng đầu thế giới David Bangsberg cảm thấy hào hứng với lựa chọn bắt đầu một hành trình mới trên dải đất hình chữ S.

Chuyện Giáo sư Harvard “nghiện” cà phê với sinh viên Việt: Chọn sang Việt Nam phát triển giáo dục vì những lợi thế “chẳng đâu có” - Ảnh 1.

Trên trang Facebook cá nhân, Giáo sư David Bangsberg - người vừa trở thành tân hiệu trưởng của Trường Đại học VinUni - ngập tràn hình ảnh thưởng thức ẩm thực Việt Nam cũng như các buổi hẹn cà phê với sinh viên Việt. Nhìn vào những hình ảnh đó, ông Bangsberg giống một du khách đang tận hưởng nền văn hoá và ẩm thực Việt hơn là một nhà khoa học hàng đầu, từng giảng dạy tại Harvard, đang mong muốn tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong lĩnh vực đào tạo Y khoa trên dải đất hình chữ S. Thế nhưng, những buổi cà phê ấy có ý nghĩa đặc biệt.

“Những giờ uống cà phê với sinh viên là nguồn năng lượng tuyệt vời để bắt đầu một ngày mới. Không chỉ cà phê giúp tôi tỉnh táo, chia sẻ từ các sinh viên truyền cho tôi những cảm hứng không ngờ”, Giáo sư Bangsberg chia sẻ.

Chuyện Giáo sư Harvard “nghiện” cà phê với sinh viên Việt: Chọn sang Việt Nam phát triển giáo dục vì những lợi thế “chẳng đâu có” - Ảnh 2.

Từng làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, điều gì đưa Giáo sư đến Việt Nam?

Công cuộc nghiên cứu học thuật của tôi bắt đầu tại Đại học California, San Francisco. Sau đó, tôi cũng có thời gian công tác tại Trường Y Harvard và Trường Y tế Công cộng Harvard với vai trò là giáo sư y khoa. Tại chính quê hương mình là Portland, tiểu bang Oregon, tôi cũng thành lập trường Y tế Công cộng OHSU-PSU.

Tôi là một người đam mê xê dịch và khám phá. Vì thế, tôi làm việc ở khắp nơi trên thế giới, từ khu vực Cận Sahara, Uganda, Nam Phi cho đến Ấn Độ, Bangladesh… Tất nhiên là tôi cũng hợp tác với rất nhiều học giả châu Âu, châu Mỹ. Trên bản đồ đi và làm việc ấy, Đông Nam Á là một miền đất mới và tôi mong muốn có được trải nghiệm thú vị.

Tôi đã mua một chiếc thuyền để đi từ Pháp đến San Francisco. Nửa đường đến Boston, tôi nhận được một cuộc điện thoại giới thiệu về một ngôi trường đại học mới đầy tiềm năng ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam có tên VinUniversity (VinUni). Nhà trường đang tìm một hiệu trưởng mới cũng như Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe. Ngay lập tức, sự hiếu kỳ trong tôi trỗi dậy.

Sau khi tham khảo trang web của trường và nhận thấy cam kết của nhà trường hướng đến việc đạt được trình độ xuất sắc cũng như tập trung vào các cơ hội giáo dục quốc tế cho sinh viên, tôi đã nhận lời đến thăm. Được tận mắt nhìn ngắm khuôn viên xinh đẹp, gặp gỡ ban giám hiệu, các Viện trưởng và đội ngũ giảng viên từ khắp nơi trên thế giới, tôi đã không thể lắc đầu từ chối.

Từ khi được bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe Trường Đại học VinUni, lịch trình của tôi khá bận rộn. Nhưng bất cứ khi nào có thời gian rảnh, tôi sẽ hòa mình vào cuộc sống tại Việt Nam. Các quán cà phê sẽ là lựa chọn đầu tiên của tôi để gặp gỡ trực tiếp người Việt và nói chuyện với họ qua một công cụ dịch. Tôi nghĩ muốn hòa nhập với người Việt thì phải hiểu gu của họ. Tôi luôn hỏi họ món ăn mà họ thích nhất, và tìm ăn bằng được các món đó. Cho đến nay, chả cá vẫn đứng đầu danh sách những món ăn yêu thích của tôi.

Chuyện Giáo sư Harvard “nghiện” cà phê với sinh viên Việt: Chọn sang Việt Nam phát triển giáo dục vì những lợi thế “chẳng đâu có” - Ảnh 3.

Tới Việt Nam, ông thấy công việc của mình thế nào? Có những thuận lợi và khó khăn gì đặc biệt không?

Hiệu trưởng là người dẫn dắt và tạo môi trường điều kiện tốt nhất cho mọi người làm việc. Vì thế, tôi phải luôn xác định được mục tiêu là giúp ngôi trường của mình có được môi trường đạt chuẩn quốc tế, từ đó trao cho sinh viên cơ hội học tập tốt nhất. Mặc dù đảm nhiệm nhiều trọng trách trên vai, tôi lại thấy gánh nặng được san sẻ, vì công việc của mình có sự liên đới với mọi người một cách rất ăn ý và tự nhiên. Chúng tôi có những vị Viện trưởng rất giỏi, những giảng viên tâm huyết cùng một hoài bão lớn lao. Chúng tôi đến Việt nam từ khắp nơi trên thế giới với một mục tiêu duy nhất là truyền đạt lại những tinh hoa kiến thức cho sinh viên Việt.

Một trong những nhà lãnh đạo mà tôi yêu quý và nể trọng nhất thế giới là Steve Hyman – Hiệu trưởng trường Đại học Harvard. Tôi từng làm việc với ông ấy và rút ra nhiều bài học về lãnh đạo. Ông nói rằng với tư cách là một học giả, ai cũng sẽ tự hào về kiến thức của mình. Nhưng quan trọng hơn cả kiến thức của chính mình là việc cần phải dạy lại cho học trò của mình cách khám phá kiến thức mới, vì các em sẽ là những người xây dựng thế giới.

Có lẽ điều duy nhất quan trọng hơn việc dạy học sinh khám phá kiến thức mới là việc nhân rộng và lan tỏa. Một ngôi trường tồn tại trong nhiều thập kỷ có thể giảng dạy và truyền cảm hứng cho hàng trăm nghìn sinh viên. Nhờ đó, kiến thức của giảng viên được nhân lên gấp bội. Từ 1.000 sinh viên hay 10.000 sinh viên, mỗi người mà chúng tôi đào tạo sau khi rời ghế nhà trường sẽ làm nên những điều tốt đẹp cho thế giới. Sức mạnh này lớn hơn rất nhiều so với năng lực có hạn của một giáo sư. Đó là lý do vì sao ngôi trường non trẻ lại có sức hấp dẫn đến vậy trong mắt tôi.

Nếu ví ngôi trường của tôi như một chiếc máy bay, thì chúng tôi đang trên một chiếc phi cơ chưa được hoàn thiện 100%. Chúng tôi phải chế tạo “chiếc máy bay” này bằng cách thu hút sinh viên, giảng dạy và chia sẻ kiến thức của mình. Đồng thời, nhà trường phải tập trung vào các bộ phận quan trọng của máy bay. Việc chế tạo “chiếc máy bay” này là một thử thách nhưng cũng đầy thú vị. Vì thế, chúng tôi xem khó khăn là cơ hội thay vì nghĩ rằng đó là rào cản.

Chuyện Giáo sư Harvard “nghiện” cà phê với sinh viên Việt: Chọn sang Việt Nam phát triển giáo dục vì những lợi thế “chẳng đâu có” - Ảnh 4.

Ông có thói quen uống cà phê và trò chuyện cùng sinh viên, vậy mục đích của những cuộc gặp gỡ đó là gì?

Trước tiên, tôi ngồi trao đổi để hiểu hoài bão của các em là gì. Sau đó, tôi sẽ nâng tham vọng đó lên cao hơn một chút. Tôi sẽ giúp các bạn chia nhỏ ước mơ đó thành nhiều bước thực hiện, chẳng hạn như tư vấn về các khóa học phù hợp, kinh nghiệm sống cần có và những mối quan hệ quan trọng đối với các bạn. Mặt khác, tôi cũng giúp sinh viên chia hoài bão đó thành các bước để giúp các em có thể quản lý được, từ đó đạt được mục tiêu của mình.

Đây là một năm rất quan trọng với tôi, vì lứa sinh viên đầu tiên sắp tốt nghiệp. Vì thế, tôi sẽ đồng hành sát sao với những sinh viên sắp ra trường và tư vấn hướng nghiệp cho các bạn. Tôi cũng muốn lắng nghe phản ánh của sinh viên về những vấn đề mà nhà trường cần cải thiện, cả về chương trình giảng dạy lẫn cơ sở vật chất.

Chuyện Giáo sư Harvard “nghiện” cà phê với sinh viên Việt: Chọn sang Việt Nam phát triển giáo dục vì những lợi thế “chẳng đâu có” - Ảnh 5.

Sau những buổi trò chuyện ấy, Giáo sư thấy mình nhận lại được gì?

Tôi có những học trò tuyệt vời trên khắp thế giới và tôi rất tự hào khi được là giáo viên của các bạn. Nhưng khi nói đến sinh viên Việt Nam, các em đầy sự thông minh, hoài bão và ham học hỏi, không kém các sinh viên ở những ngôi trường hàng đầu thế giới. Song, điều làm nên sự khác biệt giữa sinh viên Việt Nam và các quốc gia khác chính là nghị lực và sự hiếu kỳ. Các em luôn khao khát được học hỏi và nắm bắt kiến thức mới.

Chính vì thế, các bạn sinh viên Việt Nam đang truyền đến cho tôi nhiều dự định mới mẻ trong chương trình đào tạo nói chung và giảng dạy về y khoa nói riêng để phục vụ sức khoẻ của người Việt. Xét riêng về đào tạo y khoa, tôi đang muốn trang bị cho các sinh viên một tâm thế vững vàng trước những thay đổi chung của sức khỏe người Việt.

Nền y học Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc điều trị các căn bệnh, chẳng hạn như bệnh truyền nhiễm ở trẻ em. Nhưng chúng ta có thể thấy cơ cấu dân số Việt Nam đang thay đổi và số người già đang có dấu hiệu ngày một gia tăng. Vì thế, các y bác sĩ sẽ phải đối mặt với nhiều căn bệnh nan giải hơn, những căn bệnh mãn tính, bệnh tim, ung thư, v.v… Người cao tuổi cũng sẽ cần hệ thống y tế chuyên biệt để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Với tư cách là Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe của VinUni, tôi muốn chuẩn bị cho sinh viên trước những thay đổi ấy. Tôi muốn đảm bảo các em hiểu được hệ thống y tế chung, hiểu các căn bệnh mãn tính, bệnh nan y và những căn bệnh nghiêm trọng khác. Điều đó quan trọng vì không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là mối quan tâm toàn cầu.

Ngôi trường tôi đang làm việc hội đủ yếu tố để đạt đến sự xuất sắc như Harvard đã làm. Tôi nhận thấy có nhiều yếu tố tương đồng. Cam kết mạnh mẽ, giảng viên tài năng, sinh viên đầy hoài bão. Nhưng điều khác biệt mà VinUni có chính là sự mới mẻ. Bạn biết đấy, trường Harvard nay đã 275 tuổi và đã quá quen với danh hiệu xuất sắc. Còn trường của chúng tôi chỉ mới thành lập được vài năm, thế nên sự mới mẻ tạo ra cảm giác phấn khích, cũng như sự háo hức đón chờ những cơ hội trong tương lai mà mình chưa biết đến.

Chuyện Giáo sư Harvard “nghiện” cà phê với sinh viên Việt: Chọn sang Việt Nam phát triển giáo dục vì những lợi thế “chẳng đâu có” - Ảnh 6.

Là người có lượng công trình nghiên cứu về y khoa rất đồ sộ, cũng như tâm huyết gây quỹ để tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu, Giáo sư có dự định mang lại thay đổi gì cho lĩnh vực đào tạo sinh viên y khoa ở Việt Nam hay không?

Để tạo ra một môi trường giáo dục đạt chuẩn quốc tế, những đối tác xuất chúng là yếu tố vô cùng quan trọng. VinUni có mối quan hệ với tiểu bang Pennsylvania và tiểu bang Cornell, các trường đại học ở Sydney, Singapore. Điều tôi mong muốn khi đảm nhiệm chức vụ mới tại trường là vừa tăng cường các mối quan hệ đối tác hiện có, đồng thời kêu gọi mạng lưới cộng sự thân thiết, bạn bè và đồng nghiệp là chuyên gia trong lĩnh vực y học tại Harvard, tại UCSF, tại Columbia, tại Johns Hopkins và những nơi khác mà tôi đã từng làm việc. Nhờ đó, chúng tôi có thể làm phong phú thêm hoạt động giảng dạy trong trường, tạo cơ hội cho sinh viên đi du học và tìm hiếu những tiến bộ từ các trường và các tổ chức này.

Chuyện Giáo sư Harvard “nghiện” cà phê với sinh viên Việt: Chọn sang Việt Nam phát triển giáo dục vì những lợi thế “chẳng đâu có” - Ảnh 7.

Riêng về lĩnh vực giáo dục y khoa, tôi nghĩ điều làm nên sự khác biệt của giáo dục sức khỏe tại VinUni là tiêu chuẩn quốc tế xuất sắc nhưng cũng là giáo dục dựa trên năng lực. Chúng tôi đánh giá năng lực của sinh viên để xem các bạn có thể làm gì cho bệnh nhân sau này. Nhà trường sẽ áp dụng những tiêu chuẩn từ Bắc Mỹ đến châu Âu, để đảm bảo các bạn sinh viên áp dụng được kiến thức của mình vào việc chăm sóc sức khỏe tích cực cho bệnh nhân. Các bác sĩ và y tá tương lai sẽ nhận được những kế hoạch đào tạo chất lượng hoặc được cử đi du học.

Bên cạnh chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế, ngôi trường của chúng tôi còn có thêm trang thiết bị hiện đại như Trung tâm Mô phỏng các tình huống khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Sinh viên sẽ được thực hành qua đầy đủ quy trình như xét nghiệm, chẩn đoán, kế hoạch điều trị cho bênh nhân ảo mà máy tính tạo ra. Với phòng thí nghiệm này, sinh viên sẽ được phép sai và rút kinh nghiệm. Các bác sĩ và y tá uy tín trong ngành cũng sẽ được mời đến hỗ trợ tại phòng thí nghiệm ảo để giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng và nâng cao trình độ.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe sẽ là vấn đề của hai đến ba thập kỷ tới. Tôi mong muốn người Việt không chỉ sống lâu hơn mà còn sống khỏe mạnh hơn. Những căn bệnh mãn tính, tiểu đường, ung thư, bệnh về hệ thần kinh, bệnh tim có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì thế, việc tập trung đào tạo y khoa sẽ giúp tạo nên những y bác sĩ phục vụ xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống với chi phí hợp lý hơn, dễ dàng tiếp cận hơn.

Theo Thiên Di

Cùng chuyên mục
XEM