Chuyên gia: Thế giới 2019 ‘nhiều xáo trộn nhất’ và 2020 ‘tồi tệ và đẫm máu hơn’

15/12/2019 08:30 AM | Kinh tế vĩ mô

GS. Tony Walker (Australia) nhận định năm 2019 có thể đi vào lịch sử là năm nhiều xáo trộn nhất trong nền chính trị toàn cầu kể từ năm 1989.

Nhận định của ông Tony Walker, Giáo sư Trường Truyền thông, Đại học La Trobe về tình hình thế giới trong bài viết đăng trên trang The Conversation của Australia.

Theo Giáo sư Tony Walker, năm 2019 có thể đi vào lịch sử là năm nhiều xáo trộn nhất trong nền chính trị toàn cầu kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, và có nhiều khả năng năm 2020 sẽ còn trở nên tồi tệ hơn và đẫm máu hơn.

Washington chính là kẻ gây ra xáo trộn thế giới

 Chuyên gia: Thế giới 2019 ‘nhiều xáo trộn nhất’ và 2020 ‘tồi tệ và đẫm máu hơn’ - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump đã đưa nước Mỹ ra khỏi vai trò truyền thống như một lực lượng giữ ổn định toàn cầu. (Nguồn: EAP)

Nói ngắn gọn, thế giới hiện đang ở trong tình trạng lộn xộn, lại càng có nguy cơ cao hơn khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi vai trò truyền thống như một lực lượng giữ ổn định.

Có thể nói, Washington đã gây ra các xáo trộn khi rút ra khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế, trong đó có Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - "tiền thân" của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm tự do hóa thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ cũng đã rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được thiết kế nhằm "đóng băng" các tham vọng hạt nhân của Iran. Việc Washington chỉ trích JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran chính là nguyên nhân gây mất ổn định hơn nữa cho khu vực bất ổn nhất thế giới.

Điều này cùng với cuộc xung đột thương mại chưa được giải quyết giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy rằng các bất ổn của một trật tự toàn cầu mong manh sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2020. Sự ảm đạm này còn được tăng thêm bởi những diễn biến của cuộc chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung và rủi ro của việc chia cắt công nghệ trên thế giới.

Thế giới tồi tệ hơn so với 10 năm trước

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 gây ra sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu nhưng hậu quả chỉ giới hạn ở các chính phủ và các tổ chức cho vay quốc tế.

Năm 2019, tình hình rất khác. Các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối sự phân chia bất bình đẳng các lợi ích của quá trình toàn cầu hóa, cùng với việc suy giảm niềm tin vào một mô hình dân chủ, đã thách thức các giả định làm nền tảng cho hệ thống tư bản tự do phương Tây. Sự bất bình đang gây ra các cuộc biểu tình tại nhiều nơi cách xa nhau như La Paz ở Bolivia và Beirut ở Lebanon. Tình trạng tham nhũng cũng đang ngày càng lan rộng.

Nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới chính là tình trạng người dân không cảm thấy họ đang được chia sẻ các lợi ích của một giai đoạn tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tháng 1/2019, tổ chức Oxfam đã đưa ra một báo cáo rằng 26 người giàu nhất thế giới đang sở hữu khối tài sản tương đương với tài sản của một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu. Trong khi tổng tài sản của các tỷ phú này tăng 2,5 tỷ USD mỗi ngày trong năm 2018, tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới lại giảm 500 triệu USD mỗi ngày.

Rõ ràng khoảng cách giàu nghèo đang nới rộng trên khắp thế giới, lên tới mức không còn cơ sở cho việc biện hộ rằng một mô hình tăng trưởng kinh tế có lợi cho số ít người đang đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Tình trạng bất bình đẳng và giận dữ đang gia tăng

Giáo sư Henry Carey của Đại học bang Georgia, Mỹ, thừa nhận có sự khác biệt trong các nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn cục bộ hiện đang lan rộng trên thế giới, nhưng ông cũng chỉ ra một số đặc điểm chung của tình trạng này.

Đó là, “sự chán ngấy với tình hình bất bình đẳng gia tăng, tham nhũng và tăng trưởng kinh tế chậm chạp, các công dân giận dữ trên toàn thế giới đang yêu cầu chấm dứt tệ nạn tham nhũng và khôi phục chế độ pháp trị dân chủ". Ông Carey lý giải, khi thế giới trở nên đô thị hóa hơn, các thành phố đang quá tải chính là nơi phát sinh làn sóng bất ổn toàn cầu.

Vào năm 1950, chỉ có 2 thành phố lớn có dân số trên 10 triệu người là New York và Tokyo. Ngày nay, có tới 25 siêu đô thị như vậy. Theo số liệu của Liên hợp quốc, dân số thế giới hiện nay là 7,7 tỷ người, trong đó 4,2 tỷ (tương đương 55%) sinh sống ở các thành phố và khu vực đô thị khác. Dự kiến sẽ có thêm 2,5 tỷ người chuyển tới các thành phố ở các nước nghèo vào năm 2050.

Nói cách khác, nghèo đói, tội phạm băng đảng, buôn lậu ma túy và tất cả các tệ nạn khác liên quan đến môi trường đô thị nghèo nàn sẽ trở nên khó kiểm soát hơn khi tình trạng quá tải trở nên tồi tệ hơn ở các thành phố, nhất là tại các khu ổ chuột.

 Chuyên gia: Thế giới 2019 ‘nhiều xáo trộn nhất’ và 2020 ‘tồi tệ và đẫm máu hơn’ - Ảnh 2.

Thế giới chứng kiến mặt trái của quá trình đô thị hóa khi các thành phố đang quá tải chính là nơi phát sinh làn sóng bất ổn toàn cầu. (Nguồn: AFP)

Theo ông Carey, chính sự "phớt lờ" của chính quyền thành phố (các khu định cư đô thị quá tải) dẫn đến tình trạng thiếu vệ sinh, nước sạch, điện, cơ sở chăm sóc sức khỏe và trường học…

“Những bất công trong cuộc sống hàng ngày chính là nguyên nhân gây ra sự phẫn nộ của đám đông người biểu tình hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ Latinh, nơi có mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất thế giới và tình trạng bất bình đẳng rõ nhất, đã xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhất", ông Carey khẳng định.

***

Trong một nghiên cứu về các phong trào phản kháng, Viện Brookings chỉ ra rằng chủ nghĩa đa phương phát triển, GDP toàn cầu tăng và tỷ lệ người dân sống trong nghèo đói tuyệt đối giảm nhiều sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989.

Nhưng điều nghịch lý là chính thời kỳ này đã tạo ra mầm mống của những thách thức hiện nay. Những tiến bộ trong công nghệ và toàn cầu hóa, được thúc đẩy bởi các rào cản thương mại thấp, đã giúp GDP toàn cầu tăng lên nhưng cũng dẫn đến sự thay đổi về sinh kế của tầng lớp trung lưu trong nhiều xã hội phương Tây.

Nghiên cứu này kết luận: "Hiện nay, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hai động lực quan trọng đã diễn ra. Thứ nhất, các nền dân chủ hùng cường của cộng đồng xuyên Đại Tây Dương (thành trì chủ yếu của trật tự do phương Tây lãnh đạo) đang phải đối mặt với bất ổn chính trị ngay ở trong nước và những điểm yếu về chất lượng của chính phủ các nước này.

Thứ hai, các nền dân chủ này đã trở nên yếu thế trên phạm vi quốc tế trước các cường quốc độc tài đang cố gắng phá vỡ các đặc tính của trật tự quốc tế mà các nền dân chủ này đã thiết lập ra".

Năm sự giận dữ leo thang

Tại Chile, nơi nỗi bất bình về tình hình kinh tế khó khăn đã trở nên sôi sục sau nhiều ngày biểu tình, Hội nghị Thượng đỉnh APEC phải hủy bỏ vì lo ngại về an ninh. Ở Bolivia, Tổng thống Evo Morales bị buộc từ chức và rời khỏi đất nước sau những ngày bất ổn tại các đô thị. Tại Haiti, các cuộc biểu tình chống tham nhũng, thiếu việc làm và nghèo đói đã làm tê liệt hoạt động của nhà nước trong nhiều tháng. Ở Ecuador, Peru và Venezuela, tình trạng bất ổn đã trở nên hầu như không kiểm soát được trong bối cảnh tình trạng tham nhũng kéo dài và chính phủ không còn khả năng cung cấp các dịch vụ cơ bản.

Tình hình tương tự ở Trung Đông. Tại Lebanon, Thủ tướng Saad Hariri phải từ chức trong bối cảnh giận dữ ngày càng tăng về chi phí sinh hoạt, thiếu cơ hội việc làm, tiền lương trì trệ và tham nhũng. Tại Iraq, các cuộc biểu tình đẫm máu về thất bại của chính phủ trong việc giải quyết các bất bình đẳng dẫn đến sự từ chức của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi. Ở Iran, những ngày biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" kinh tế đã bị đàn áp một cách tàn nhẫn trong khi đang phải đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế. Chế độ Abdel Fattah al-Sisi của Ai Cập đang chịu áp lực rất lớn từ một dân số bùng nổ và nghèo khó. Jordan gần đây đã chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối các khó khăn kinh tế.

Tại Pháp, các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm giải quyết bất ổn kinh tế chưa có dấu hiệu giảm bớt. Ở Tây Ban Nha, hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình đòi độc lập cho xứ Catalan trong cuộc đối đầu căng thẳng với chính quyền trung ương.

Tại châu Phi, Nam Phi đang phải vật lộn đối phó với thách thức kinh tế nghiêm trọng do dòng người tị nạn và người nghèo chuyển tới mưu sinh tại các thị trấn xung quanh các thành phố lớn. Tại châu Á, các cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong phản đối đạo luật dẫn độ những người bị cáo buộc hình sự sang Trung Quốc có những nguyên nhân kinh tế, trong đó có sự chênh lệch giàu nghèo ở Hong Kong ngày càng gia tăng.

Theo KL

Cùng chuyên mục
XEM