Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà: “Cha mẹ áp đặt có thể khiến trẻ trầm cảm”

30/06/2022 13:30 PM | Sống

"Con học giỏi nhưng con học vì cha mẹ thôi. Con không biết vui là gì, con không có ước mơ…". Đó là những lời tâm sự nghẹn ngào của một sinh viên có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập đang trị liệu trầm cảm với chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà.

Là một chuyên gia tâm lý trị liệu có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đồng hành cùng các bạn học sinh, sinh viên mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cơ sở Trần Duy Hưng (Hà Nội) cho biết:

"Hiện nay, Trung tâm NHC Việt Nam đang tiếp nhận tham vấn và trị liệu tâm lý cho các bạn trẻ từ 14 - 21 tuổi ngày một nhiều hơn. Vấn đề tâm lý của trẻ thường được tích tụ từ những sự kiện tổn thương trọng đại trong quá khứ và hầu hết bắt nguồn từ môi trường gia đình, nhất là khi cha mẹ áp đặt con quá lớn. Sự áp đặt có thể khiến trẻ mất đi những ước mơ, khát vọng, mất đi cơ hội được trải nghiệm để trưởng thành, mất đi khả năng giao tiếp xã hội, tự bảo vệ, sự chủ động và sáng tạo".

Sống khác với tồn tại

Sự áp đặt của cha mẹ khiến trẻ thấy mình không được tôn trọng, ghi nhận và mất đi quyền thể hiện bản thân mình. Đây là một trong những nhu cầu cơ bản của bất kỳ ai, đặc biệt là khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì.

Tuy nhiên, khi con bước vào độ tuổi dậy thì, một số cha mẹ thấy rằng con đã trưởng thành nên áp đặt trẻ phải làm theo hay đạt được điều mà mình mong đợi nhưng chưa bao giờ thực sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến, mong muốn của con.

"Tôi từng trị liệu trầm cảm cho một bạn học sinh rất giỏi và đạt rất nhiều thành tích xuất sắc trong học tập nhưng khi bước vào ngưỡng cửa đại học, vấn đề tâm lý của bạn ấy bùng phát. Bạn ấy rơi vào tình trạng trầm cảm, cảm xúc dường như đã chai sạn, mất mục tiêu sống và muốn buông xuôi tất cả. Bạn tâm sự rằng: "Con học giỏi nhưng con không biết vui là gì cả. Con học cho cha mẹ con. Bây giờ con không biết mình muốn gì, tất cả những ước mơ hồi bé của con bây giờ đi đâu hết, con không thể tìm lại được nữa", chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà chia sẻ.

Sống khác hoàn toàn với tồn tại. Con người chỉ thực sự "sống" khi có ước mơ, có khao khát, có nhiệt huyết để cống hiến và tạo ra giá trị cho chính mình và người khác. Thời thơ ấu, có lẽ ai cũng có những ước mơ của riêng mình nhưng đôi khi cha mẹ lại chính là người dập tắt những ước mơ đó.

"Có bạn trẻ mơ ước được trở thành giáo viên mầm non, muốn được thi sư phạm mầm non nhưng cha mẹ lại yêu cầu học trường khác, ngành khác và phủ nhận ước mơ của con: "Ước mơ của mày chả là cái thá gì cả, mày mà cũng có ước mơ à". Những lời nói đó sẽ trở thành ký ức tổn thương trọng đại của trẻ, khiến trẻ nghi ngờ về khả năng và giá trị của bản thân, hình thành nên những niềm tin giới hạn cản trở hạnh phúc, thành công của trẻ trong tương lai", chuyên gia Dương Thị Thu Hà trao đổi thêm.

Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà: “Cha mẹ áp đặt có thể khiến trẻ trầm cảm” - Ảnh 1.

Sự áp đặt có thể tạo ra tâm lý phản kháng ở bên trong con người. Và đến một lúc nào đó, nó sẽ "bùng" lên thành vấn đề lớn.

"Có bạn đến với trung tâm ở độ tuổi trưởng thành nhưng lại không thể tự chủ bất kỳ một việc gì trong cuộc sống của mình vì cha mẹ áp đặt quá nhiều, can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con. Sự áp đặt của cha mẹ đã làm con trở thành một đứa trẻ thụ động và vô hình chung tạo nên một thế hệ "ăn bám". Hơn nữa, trẻ cũng sẽ không trân trọng điều mà cha mẹ làm cho mình, chỉ có nhu cầu đòi hỏi", chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà chia sẻ.

Những điều mà cha mẹ áp đặt lên con có thể bắt nguồn từ chính ước mơ của cha mẹ hay từ một tiêu chuẩn "con nhà người ta" nào đó. Khi so sánh trẻ với bất kỳ ai, cha mẹ đã vô tình đẩy con ra xa mình, mất sự kết nối với con.

"Hãy yêu thương, chấp nhận con như con vốn là. Hãy ghi nhận, khích lệ sự cố gắng, nỗ lực của con khi con làm tốt hơn ngày hôm qua. Khi con được yêu thương, khen ngợi, công nhận đúng cách từ cha mẹ, trí tuệ của trẻ sẽ phát triển", chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Hãy để con sống cuộc đời mà con mong muốn trong giới hạn phù hợp

Cách mà cha mẹ đang dạy con có lẽ phần lớn mô phỏng lại cách mà ông bà đã dạy nhưng bây giờ là thời mà cha mẹ làm bạn với con, chúng ta cần nhận thức để thay đổi. Làm bạn cùng con, quan sát con để khích lệ điểm mạnh của con và nhìn thấy điểm yếu, những rủi ro, nguy cơ để hỗ trợ con. Như vậy, con cũng sẽ trưởng thành hơn.

Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà: “Cha mẹ áp đặt có thể khiến trẻ trầm cảm” - Ảnh 2.

Theo chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà: "Quyền năng lớn nhất của con người là quyền lựa chọn và ra quyết định. Thay vì áp đặt hay nuông chiều con thái quá, tùy vào mỗi giai đoạn, cha mẹ hãy cho con một ranh giới tự do nhất định và dần dần mở rộng nó ra theo thời gian để con được quyền lựa chọn, ra quyết định và chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm".

Nếu cần hỗ trợ, quý bạn đọc có thể liên hệ chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà qua hotline: 096 589 8008.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM