Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển: Muốn Việt Nam nhanh chóng trở thành đất nước không tiền mặt, cần thêm dịch vụ thanh toán fintech phù hợp với khu vực nông thôn

13/06/2019 09:02 AM | Xã hội

Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, việc người dân nông thôn vẫn chuộng hình thức thanh toán tiền mặt không phải vì họ không có tài khoản ngân hàng, mà vì họ không có những dịch vụ/sản phẩm fintech thanh toán trung gian phù hợp.

Phát biểu trong một sự kiện gần đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM cho rằng, việc có đến 60% đến 70% người dân Việt Nam sống ở nông thôn, thường không có tài khoản ngân hàng nên không thể tiến hành thanh toán online, khiến tỷ lệ người thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam rất thấp.

Theo một thống kê, thì có 90% trong số người khoảng 40% người Việt Nam có tài khoản ngân hàng vẫn chuộng thanh toán các loại hàng hoá/sản phẩm/dịch vụ bằng tiền mặt.

Nguyên do là bởi chuyện mở rộng mạng lưới tín dụng đến các khu vực nông thôn không phải là điều dễ dàng. Ví dụ: trên địa bàn TP. HCM, có trên 2.000 điểm giao dịch trong mạng lưới tín dụng, nhưng chỉ có 7% nằm ở 5 huyện ngoại thành.

Đồng quan điểm, các đại diện của các ví điện tử cũng từng cho rằng, mặc dù họ cũng muốn vươn mình về nông thôn, nhưng với quy định ‘chỉ những ai có tài khoản trong ngân hàng thì mới có quyền đăng ký tài khoản trên các ví điện tử’, nên họ cũng ‘lực bất tòng tâm’. Vì theo nhận định của giới ví điện tử ở Việt Nam, thì rất ít người dân ở khu vực nông thôn có tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, trong lần trao đổi với chúng tôi hôm 11/6, Chuyên gia ngành Tài chính – Ngân hàng Đinh Thế Hiển không đồng tình với nhận định trên, theo ông nguyên nhân quan trọng nhất, khiến người dân nông thôn vẫn thích thanh toán tiền mặt hơn online, là vì họ không có các sản phẩm/dịch vụ thanh toán phù hợp.

"Tôi không nghĩ là người dân ở các khu vực nông thôn Việt Nam gặp khó khăn trong việc làm các tài khoản ngân hàng. Theo tôi, hiện nay đã có rất nhiều Ngân hàng có mặt khắp nơi trên Việt Nam, kể cả những vùng sâu vùng xa, ví dụ như Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn – Agribank. Người dân nông thôn Việt Nam hoàn toàn có thể mở tài khoản ngân hàng, nếu họ muốn", Tiến sỹ Đinh Thế Hiển giải thích.

Theo phân tích của ông, vấn đề ở đây là người dân ở khu vực này không có các sản phẩm/dịch vụ thanh toán phù hợp với điều kiện của họ. Các khu vực nông thôn không có các máy ATM hay máy cà thẻ - máy POS, cũng ít người có máy tính để bàn, laptop hoặc tablet nhưng hầu hết đều có smartphone. Tức là, những dịch vụ thanh toán không tiền mặt qua các kênh nói trên - trừ smartphone, đều là thứ họ không sử dụng được, ví dụ như thẻ tín dụng, internet banking hoặc các loại app quá phức tạp.

Người dân nông thôn cần dịch vụ/sản phẩm thanh toán trung gian gì đó thật đơn giản mà chỉ cần một chiếc smartphone và vài thao tác là có thể thực hiện xong giao dịch. Theo đó, muốn Việt Nam có thể nhanh chóng trở thành đất nước không tiền mặt, chúng ta cần phải phát triển mảng fintech - cụ thể là các sản phẩm dịch vụ thanh toán trung gian thật mạnh, thay vì cứ nói đến thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng.

Ông lấy ví dụ, ở nhiều nước chung quanh chúng ta, như Trung Quốc, chỉ cần một chiếc smartphone, người dân có thể thanh toán bất cứ giao dịch mua hàng hoặc các dịch vụ/sản phẩm phục vụ cho đời sống hằng ngày. Thậm chí, ngay cả người bán cá hoặc người ăn xin cũng dùng smartphone và QR Code để nhận tiền của ‘khách hàng’.

Thế nên, thứ mà dân ở khu vực nông thôn thiếu, không phải là tài khoản ngân hàng mà là những dịch vụ/sản phẩm fintech mà họ có thể sử dụng dễ dàng chỉ bằng chiếc smartphone của mình.

Theo đó, đây có thể là một gợi ý đáng tiền cho những startup nào đang có ý định dấn thân vào lĩnh vực fintech và muốn đánh chiếm thị trường nông thôn.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM