Chuyên gia quy hoạch nói gì về quan điểm xe máy không phải là nguyên nhân gây ùn tắc?

11/07/2017 17:50 PM | Xã hội

Hiện Hà Nội có 7 triệu dân nhưng có 5 triệu xe máy, khoảng 500 nghìn ô tô trong khi phương tiện vận tải công cộng chỉ có xe bus và đáp ứng được khoảng 10% lưu lượng đi lại trong thành phố.

Mới đây, chính quyền Hà Nội thông qua nghị quyết về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.

Cụ thể là đến năm 2030, thành phố sẽ tiến hành thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn. Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Đối với ôtô, thành phố sẽ cấm hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng xe máy không phải là nguyên nhân gây ùn tắc. Nguyên nhân chính nằm ở sự yếu kém của hệ thống vận tải công cộng và cơ sở hạ tầng. Dưới góc độ là người tư vấn chính sách, theo ông Tô Anh Tuấn- Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, phát triển giao thông công cộng là tiền đề để hạn chế xe máy. Nhưng cứ phát triển giao thông công cộng, trong khi không nói gì đến việc dừng hoạt động động xe máy là điều không hợp lý.

"Nếu giao thông công cộng cứ phát triển, trong khi quản lý xe máy không tốt, cứ để loại phương tiện này phát triển thì càng nguy hiểm hơn. Nên có 1 chương trình dài hạn, toàn diện bao gồm 2 vế. Trong đó, 1 vế là phát triển vận tải hành khách công cộng và cơ sở hạ tầng giao thông, 1 vế là hạn chế các phương tiện cá nhân trong đó có xe máy", chuyên gia này phân tích.

Hiện nay trên Hà Nội có 7 triệu dân nhưng có 5 triệu xe máy, khoảng 500 nghìn ô tô trong khi phương tiện vận tải công cộng chỉ có xe bus và đáp ứng được khoảng 10% lưu lượng đi lại trong thành phố. Ông Tuấn cho rằng cùng với cơ sở hạ tầng yếu kém, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc thường xuyên tại Thủ đô.

Để đáp ứng mục tiêu đáp ứng 50% khối lượng di chuyển của người dân thành phố đến năm 2030, theo vị này cần tập trung đầu tư 2 phương tiện giao thông công cộng gồm: Đường sắt đô thị và xe bus.

Vận tải đường sắt đô thị cần đầu tư rất lớn, phụ thuộc vào các tuyến cố định nên và không có mạng lưới rộng như xe bus nhưng bù lại có lợi thế là khối lượng vận chuyển lớn hơn hẳn xe bus.

Theo chuyên gia này, nên cần bố trí vận tải đường sắt đô thị trên các trục giao thông tập trung lớn, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Nếu đưa được vào sử dụng các tuyến đường sắt đô thị sẽ là giải pháp rất cơ bản để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông

Tuy nhiên ông Tuấn cũng lo ngại, việc phát triển vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đang rất chậm trong đó tuyến đường sắt đô thị Hà Đông- Cát Linh là một ví dụ.

"Nếu cứ với tốc độ này, không đạt được mục tiêu 50% vận tải hành khách công cộng vào năm 2030 là hoàn toàn có cơ sở. Và người dân lo lắng là hợp lý. Tuy nhiên từ nay đến năm 2030, vẫn còn 13 năm nữa, thời gian không phải là ngắn. Nếu thành phố có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác", Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội phân tích vai trò quan trọng của thành phố trong việc phát triển giao thông công cộng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM