Chuyên gia phân tích hàng không Úc phân tích lý do AirAsia và Thiên Minh dừng hợp tác

20/04/2019 19:14 PM | Kinh doanh

Giám đốc điều hành AirAsia Tony Fernandes cho biết ông sẽ không từ bỏ thị trường Việt Nam, nhưng chuyên gia Úc không đồng tình.

AirAsia cho biết họ sẽ tiếp tục chinh phục thị trường Việt Nam, ngay cả khi các nhà phân tích cảnh báo họ đã "lỡ thuyền" sau thất bại mới nhất trong việc thành lập liên doanh với Tập đoàn Thiên Minh. AirAsia thông báo rằng họ đã chấm dứt thỏa thuận với tập đoàn này, theo đó, hãng hàng không sẽ lấy lại 30% cổ phần của họ.

AirAsia thất bại ba lần trong dự định thiết lập quan hệ đối tác tại Việt Nam, nhưng Tony Fernandes, CEO của AirAsia Group vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ: "Tôi vẫn lạc quan về việc AirAsia sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối năm nay" - ông Fernandes nói trong một bài đăng trên Twitter.

Theo kế hoạch trước đó, AirAsia và Thiên Minh đã xác nhận thành lập một liên doanh, trong đó công ty Malaysia sở hữu 30% cổ phần, mức tối đa được phép theo luật pháp Việt Nam. AirAsia không đưa ra lý do cho việc chấm dứt thỏa thuận trong tuyên bố chính thức.

Người phát ngôn của Thiên Minh trả lời Nikkei Asian Review rằng tập đoàn sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức vào tuần tới.

Ông Fernandes đã cố gắng thiết lập quan hệ đối tác ở Việt Nam này kể từ năm 2005. Nhu cầu du lịch của thị trường 95 triệu dân đã tăng 9% trong năm 2018. Fernandes đã gọi Việt Nam là mảnh ghép còn thiếu trong kế hoạch của AirAsia nhằm khai thác nhu cầu từ các thị trường mới nổi.

Nhưng theo ông Brendan Sobie - Trưởng nhóm phân tích tại Trung tâm hàng không CAPA (Sydney), đây là lúc để AirAsia suy nghĩ lại về cách thức tiếp cận của mình: "Sau ba lần thất bại với ba đối tác khác nhau, đã đến lúc AirAsia buông bỏ và tập trung vào việc mở rộng quốc tế bằng cách sử dụng các chi nhánh của họ từ Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản,...".

Thị trường hàng không Việt Nam đã bị chi phối bởi các hãng hàng không địa phương: Vietnam Airlines, Vietjet Air - kiểm soát gần một nửa thị trường, Jetstar Pacific Airlines và Bamboo Airways. "Thị trường trong nước đã trở nên quá đông đúc và cạnh tranh khốc liệt" - ông Sobie nói thêm. "Thâm nhập bây giờ sẽ rất rủi ro và gần như không thể trở thành đối thủ cạnh tranh đáng kể so với thị trường trong nước. AirAsia đã không may bỏ lỡ chiếc thuyền gia nhập thị trường nội địa Việt Nam".

Thêm vào đó, các hãng hàng không ngoài chưa được phép khai thác các tuyến bay nội địa ở Việt Nam, ngay cả khi họ liên doanh. Các nhà phân tích đã chỉ ra những rào cản đó này là lý do cho những thất bại lặp đi lặp lại của AirAsia.

AirAsia hiện diện ở thị trường Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan và Philippines. Họ phát triển mạnh về các chuyến kết nối các thành phố hạng hai với thủ đô, với chi phí vận hành thấp với dịch vụ nhanh chóng.

Nghiên cứu của MIDF cũng đồng tình với ông Sobie, nói rằng AirAsia "không nhất thiết" phải chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vì họ vẫn có thể bay đến các tỉnh trong nước từ mạng lưới khu vực của mình.

Theo Trang Thái

Cùng chuyên mục
XEM