Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nếu FDI vào mà lại huy động nguồn vốn trong nước thì như Ấn Độ người ta gọi ngang với "cướp ngân hàng"

25/03/2019 16:47 PM | Kinh tế vĩ mô

Tại hội thảo Khoa học Quốc gia Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng năm 2019, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chỉ ra những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến việc thu chi ngân sách nhà nước.

Trước hết, bà Phạm Chi Lan đánh giá: số liệu thống kê ở Việt Nam lâu nay có độ tin cậy chưa cao, sự minh bạch thiếu vắng cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân và xã hội nói chung.

Nói về vấn đề nợ công, bà Lan cho rằng, nếu tính rộng hơn, xét đến cả nợ của khu vực tư, thì sẽ thấy thực sự có rất nhiều vấn đề. Chưa kể đến vấn đề nợ của khu vực FDI cũng không hề đơn giản.

Bà Lan nói cụ thể thêm về vấn đề nợ của khu vực nước ngoài: "Không phải FDI vào Việt Nam là tất cả nguồn tiền đều là của họ, họ cũng nợ nần rất nhiều. Chúng ta chưa biết được nợ đó vay ở nước ngoài hay vay ở trong nước, và bao nhiêu phần trăm là huy động từ trong nước, bao nhiêu phần trăm là từ bên ngoài. Nếu FDI vào mà lại huy động quá nhiều nguồn vốn trong nước, thì như Ấn Độ người ta gọi chuyện đó ngang với "cướp ngân hàng", tức là cướp trong "nháy nháy" (ngoặc kép - PV). Phần tín dụng ngân hàng đáng nhẽ sẽ dành cho doanh nghiệp trong nước, thì lại bị các nhà đầu tư nước ngoài có vị thế tốt hơn huy động mất. Như thế thì doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng khó khăn hơn trong tiếp cận tín dụng. Và nó đẩy chi phí tín dụng cao lên cho các doanh nghiệp trong nước".

Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của khu vực tư cao hơn nhiều so với khu vực công. Chúng ta vẫn thường cho rằng khu vực tư nhân ở Việt Nam chỉ đóng góp được khoảng 8-9% vào GDP và cả chục năm nay không thay đổi, tức là luôn ở dưới mức 10% GDP. Đóng góp và GDP thì như vậy, nhưng đóng góp vào thuế của khu vực này lại rất cao so với hai khu vực còn lại, chiếm đến hơn 41%.

"Lao động cũng hoạt động nhiều nhất trong khu vực tư nhân. Từ đây, cần phải xem xét lại vị trí của khu vực tư, các khía cạnh khác nhau của việc đóng góp vào nền kinh tế, từ đó đưa ra các kiến nghị điều chỉnh hệ thống chính sách đối xử cho hợp lý hơn đối với khu vực tư nhân. Rõ ràng, khu vực tư nhân vẫn còn bị chèn ép rất nhiều so với khu vực công." – bà Phạm Chi Lan nhận xét.

Không kể đến các doanh nghiệp đã quá lớn, các doanh nghiệp tư nhân nói chung vẫn còn rất nhỏ bé, và phần họ tiếp cận được nguồn lực là rất thấp. Nếu so sánh như vậy thì đóng góp của khu vực tư nhân là cao so với nguồn lực của đất nước mà họ được sử dụng. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước được sử dụng nhiều nguồn lực từ phần tài sản chung của đất nước nhất, nhưng đóng góp thuế lại thấp hơn. Điều đó cũng cần phải xem xét thêm.

Về việc phân phối ngân sách theo các cấp trung ương và địa phương, bà Lan cho rằng, Việt Nam là một nước có quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng lại chia ra làm quá nhiều tỉnh thành. 63 đơn vị tỉnh thành tương đương với 63 đơn vị ngân sách, dẫn đến việc ngân sách bị phân tán ra quá mức. Khi phân cấp theo địa phương, cũng cần phải xem lại quy mô nên như thế nào, và nguyên tắc phân cấp nên ra sao.

Riêng về vấn đề đầu tư công cho giao thông, bà Lan đồng tình với ý kiến của Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam rằng chúng ta đang đầu tư quá lệch lạc cho đường bộ, chiếm đến 79%. Khi đầu tư cho đường bộ cũng cần phải so sánh giữa các vùng với nhau.

Thay vì tập trung quá nhiều ở miền Bắc, cần phải đầu tư cho cả miền Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này đang bị tắc nghẽn liên tục do vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông, trong khi đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Nếu không đầu tư cho khu vực này sẽ khó để phát triển nông nghiệp.

Theo Thái Trang

Cùng chuyên mục
XEM