Chuyên gia Phạm Chi Lan: Hi vọng của doanh nghiệp đã trở lại, nhưng nuôi dưỡng được bao lâu?

19/01/2017 10:04 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong năm 2016 có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng kỷ lục, đấy là tín hiệu vui của nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng băn khoăn với câu hỏi: “Liệu hi vọng này được nuôi dưỡng trong bao lâu, có dài hạn không?”.

Năm vừa qua, môi trường kinh doanh là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam.

Có thể kể ra một ví dụ điển hình chứng minh cho điều này là việc số doanh nghiệp “hoạt động”, bao gồm cả các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và các doanh nghiệp thành lập mới đã lên đến mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Mới đây, trong buổi tọa đàm công bố tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2016 và cả năm được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thẳng thắn đưa ra quan ngại của mình rằng: “Hy vọng của doanh nghiệp đã trở lại, nhưng liệu sẽ nuôi dưỡng được bao lâu ?”

Bà mở đầu bằng một vài con số thống kê tích cực: “Năm 2015 số doanh nghiệp ngừng hoạt động lên tới 83.000 doanh nghiệp thì đến năm 2016, số lượng này đã được chững lại, chỉ còn 73.000 doanh nghiệp, đồng thời, số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng rất mạnh”

Tuy nhiên, ngay sau đó, vị chuyên gia đã thể hiện sự băn khoăn của mình: Câu hỏi trong tôi vẫn là liệu hy vọng này của doanh nghiệp nuôi dưỡng được bao lâu, có là dài hạn không, có biến thành một niềm tin thực sự để cho họ phát triển thực sự được hay không ?”

Để chứng minh cho quan điểm của mình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhắc đến những thứ hạng của Việt Nam về năng lực cạnh tranh trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế:

“Năm 2016, mình đặt ra chi tiêu bằng với ASEAN 4, nhưng đến cuối năm, khoảng cách với ASEAN 4 vẫn tăng lên. Chỉ số về môi trường kinh doanh, chỉ số GCI của Diễn đàn kinh tế thế giới cũng cho thấy Việt Nam đã tụt hạng về năng lực cạnh tranh.

Mình có đặt mục tiêu là ngang bằng với người ta nhưng rồi cuối năm khoảng cách với người ta vẫn ở xa hơn mình. Đó chính là một nghịch lý ở nước mình”.

Bà kết luận “môi trưởng kinh doanh đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn chậm”. Về điều hành Chính phủ, bà Chi Lan nhận xét năm 2016 đã có nhiều chuyển biến tốt. Tuy nhiên, bà vẫn cho rằng sự chuyển biến này chưa đồng đều, mới chỉ thể hiện mạnh mẽ ở Thủ tướng và một số lãnh đạo khác trong Chính phủ, còn ở các bộ, ngành, địa phương thì vẫn chưa nhiều.

"Chúng ta mới chỉ gỡ đi được một chút những cái khó còn những cái mới, mang tính chất hỗ trợ thì chưa được bao nhiêu", bà nói.

Đồng thời, bà cũng phân tích điểm thắt ở đây đấy với khu vực tự nhân chính là ở vấn đề về nguồn lực - khi mà nó vẫn chưa được phân bổ đều giữa các thành phần của nền kinh tế.

“Nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước còn quá lớn. Điều đó có nghĩa là nguồn lực sẽ không thể giải phóng được ra cho toàn nền kinh tế. Như vậy thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục không có nguồn lực để phát triển, hoặc phải tiếp cận nguồn lực nhưng với chi phí quá cao".

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM