Chuyên gia nói về lý do GDP Việt Nam đang thấp nhưng các nước vẫn muốn mời tham gia CPTPP
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho biết, thu nhập bình quân/đầu người của Việt Nam thấp nhất trong các nước ký kết Hiệp định CPTPP, nhưng các nước vẫn muốn mời chúng ta tham gia CPTPP vì có những lý do đặc biệt.
Hôm nay 5.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá Việt Nam có những điều đặc biệt khiến nhiều nước trong CPTPP muốn mời chúng ta tham gia vào hiệp định này.
Theo ông Ngân, 11 quốc gia trong CPTPP đều là những nước giàu, GDP bình quân/đầu người trên 30.000USD, GDP bình quân/đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 2.380USD.
Câu hỏi là tại sao GDP/đầu người của Việt Nam thấp như vậy nhưng các nước vẫn muốn mời Việt Nam tham gia CPTPP?
Trả lời câu hỏi này, ông Ngân cho rằng, các nước đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam với thành công trong 30 năm tiến hành đổi mới, và việc thúc đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là một trong những điểm sáng mà các nước trong CPTPP đã nhìn thấy.
Ngoài ra, theo vị đại biểu TPHCM, vừa qua Việt Nam đã tiến hành tái cơ cấu, nâng cao cách quản trị doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân cũng là một nguyên nhân.
Tuy nhiên theo ông Ngân, điểm quan trọng nhất mà các nước trong CPTPP nhìn chính là thị trường 95 triệu dân.
“Cộng dân số của 3 nước Nhật Bản, Mexico và Việt Nam đã lên tới 350 triệu dân, chiếm 70% số dân trong CPTPP”, ông Ngân nêu ví dụ và cho rằng, các nước trong CPTPP đã nhìn thấy điều này.
“Họ sẽ đầu tư vào Việt Nam, sẽ xuất khẩu sang Việt Nam vì đây là thị trường tiêu thụ lớn”, ông Ngân nói và cho rằng thách thức của Việt Nam với hiệp định này cũng “không nhỏ”.
Ngoài những cơ hội, ông Ngân cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam có thể phải đối mặt khi gia nhập CPTPP như việc kiểm soát nhập siêu ồ ạt giống thời kỳ Việt Nam mới gia nhập WTO.
Ông Ngân cũng đề nghị Quốc hội nên lường trước, dự báo trước nhất là trong điều chỉnh luật phải có hướng dự báo.