Chuyên gia Havard chia sẻ siêu bí kíp chỉ cần biết áp dụng là bạn sẽ được sếp gật đầu tăng lương

26/08/2016 10:31 AM | Kinh doanh

Daniel Shapiro là nhà sáng lập kiêm giám đốc của chương trình đàm phán quốc tế thuộc đại học Havard. Ông đã có nhiều năm nghiên cứu về xung đột tâm lý hành vi cá nhân và chuyên nghiệp trong đàm phán.

“Lần đầu tiên khi tôi đàm phán về tiền lương, tôi cũng đã co mình lại đầy sợ hãi. Đó là phản ứng bình thường của hầu hết mọi người vì bạn luôn có ý nghĩ rằng mình đang lợi dụng sự quan tâm của người khác” – Shapiro chia sẻ.

Theo ông, loại phản ứng này còn có tên gọi là “sự ép buộc mang tính chu kỳ” – một khái niệm đã được đưa ra từ năm 1914 bởi Sigmund Freud, cha đẻ của học thuyết về phân tâm học.

Shapiro cho rằng, nguồn gốc của sự ép buộc chu kỳ này là do con người luôn có xu hướng lặp đi lặp lại các hành vi rối loạn chức năng giống nhau ở những thời điểm khác nhau. Do đó, việc nhận thức được sự ép buộc chu kỳ của bản thân sẽ là bước đầu tiên giúp bạn đàm phán thành công, đặc biệt là trong đàm phán tiền lương.

Khi bạn phải đàm phán tiền lương, thái độ của bạn sẽ như thế nào? Bạn hung hăng hay hợp tác? Bạn có liên tục đặt câu hỏi và dồn ép đối phương không? Bạn đã chuẩn bị tâm lý để nhượng bộ và phương án cho mức độ nhượng bộ của mình chưa?

Một khi bạn đã xác định được biểu hiện thái độ của mình, bạn sẽ bắt đầu điều chỉnh để thay đổi hành vi khi thương lượng.

“Hãy nhìn thẳng và nghĩ xem đâu sẽ là mức lương khiến bạn chấp nhận được. Bạn phải chuẩn bị cho mình phương án đối phó với những tình huống không được như mong muốn. Đó là cách giúp bạn thành công trong các cuộc đàm phán” - Shapiro nói.

Nếu bạn là một người không thích xung đột và luôn cố gắng tránh mọi xung đột, bạn sẽ dễ dàng vượt qua nó. Bởi khi đó, bạn có khả năng nói những điều khác hoặc xoay chuyển sang một chủ đề mới. Tuy nhiên, bạn sẽ phải chấp nhận một mức lương chưa được như mong muốn.

Ngược lại, nếu bạn đủ quyết đoán, bạn hãy thử tưởng tượng mình là Robert De Niro (một diễn viên Mỹ nổi tiếng) trong cuộc đàm phán. Bạn sẽ cảm thấy mình ăn nói khéo léo và dứt khoát hơn.

“Mỗi khi nghĩ thế, tôi cảm thấy mình có thêm sức mạnh. Tôi đang đấu tranh cho những điều tôi xứng đáng được nhận. Và tôi sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người. Khi bạn giả dạng là De Niro hay bất cứ ai khác mà bạn muốn phấn đấu giống họ, bạn sẽ tự rút ra được những điểm mạnh mình cần học hỏi. Bạn sẽ có thêm sức mạnh để làm những việc bạn chưa bao giờ dám nghĩ tới” – vị chuyên gia này kết luận.

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM