Chuyên gia Fulbright hiến kế giải quyết thực trạng startup Việt dù có ý tưởng nhưng mãi không lớn lên được

10/05/2019 08:11 AM | Kinh doanh

Để phát triển những cụm ngành đổi mới này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho rằng cần chú ý tới 4 nhân tố gồm: Điều kiện nhân tố, Điều kiện cầu, Bối cảnh cạnh tranh, Thể chế hỗ trợ.

Phát biểu tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam năm 2017, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng với sự đi lên, lớn mạnh của các doanh nghiệp công nghệ, cho phép các nền kinh tế có thu nhập trung bình như Việt Nam không phải đi theo từng bước trong cả một lộ trình 30-50 năm như trước đây.

Tuy nhiên thách thức để phát triển được các doanh nghiệp công nghệ là chính sách của các quốc gia là làm sao thu hút được sự hội tụ của các doanh nghiệp trở thành một cụm, tập trung tại một vị trí địa lý và không phải là chỉ trong một lĩnh vực, một ngành hẹp. Đây là những cụm ngành đổi mới (innovation clusters) với nòng cốt là các doanh nghiệp công nghệ. Theo đó những doanh nghiệp này cùng tập hợp lại cùng một vị trí địa lý và có tác động cộng hưởng.

Góp ý về mặt chính sách để phát triển những cụm ngành đổi mới này, ông Thành cho rằng cần chú ý tới 4 nhân tố gồm: Điều kiện nhân tố, Điều kiện cầu, Bối cảnh cạnh tranh, Thể chế hỗ trợ.

Điều kiện nhân tố

Yếu tố nhân lực

"Chúng ta nói nhiều đến nhân lực trong đó làm thế nào để đổi mới về kỹ năng tiếng anh, kỹ năng IT, ICT từ trường đại học. Kinh nghiệm trong thời gian gần đây cho thấy những người có kỹ năng ngôn ngữ, IT, công nghệ lại không có được từ trường học mà lại là học được từ trên mạng, qua các chương trình của những doanh nghiệp startup tạo ra. Nên nguồn lực của nhà nước để xây dựng những chương trình đến từ trường phổ thông đến đại học lại không thành công", Tiến sĩ Thành nhận xét.

Chuyên gia Fulbright hiến kế giải quyết thực trạng startup Việt dù có ý tưởng nhưng mãi không lớn lên được - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - trường Chính sách công và quản lý Fulbright.

Theo đó kinh nghiệm của những nước Đông Nam Á hiện nay là cho phép từng cá nhân, sinh viên, phổ thông tự tìm kiếm, tự đăng ký học ở các chương trình trên mạng, đăng ký những chương trình rất đổi mới của các công ty startup đầu tư ví dụ tiếng anh, ICT, AI. Tuy nhiên những chứng chỉ này khi mang về trường phổ thông, đại học thì được công nhận.

Vấn đề thứ 2 là bản thân các trường đại học, các cơ sở đào tạo là các trường phổ thông cũng bị ràng buộc bởi 1 chương trình cứng nhắc, áp đặt từ trên xuống mà các trường được tự do hơn để liên kết với các doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ đào tạo để đưa vào nhà trường. Đó là yếu tố tự sáng tạo, tự năng động của các trường đại học để đem lại cho người học. Ông Thành lấy ví dụ là có thầy dạy IT tại trường phổ thống cho biết hiện không còn ai trên thế giới dạy ngôn ngữ lập trình pascal nhưng giáo trình hiện nay bắt buộc phải dạy. Do đó chính sách nên để cho sinh viên tự học và việc tự học đấy của họ được công nhận và các trường cũng tự chủ động.

Yếu tố cơ sở hạ tầng 

Ông Thành cho biết với chính sách hiện nay nhà nước sẽ khuyến khích phát triển các khu công nghệ thì đây là nền tảng  ý tưởng cho việc thành lập các cụm ngành đổi mới, các trung tâm đổi mới để các doanh nghiệp công nghệ tập trung.

"Nhưng ở đây vai trò của nhà nước là không dùng nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào cái đó mà là quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối. Còn nhà đầu tư là sự kết nối của doanh nghiệp đầu tư bất động sản và doanh nghiệp công nghệ. Dành quyền đầu tư đấy cho chính các doanh nghiệp công nghệ kết nối với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản hay hạ tầng", chuyên gia đến từ Fulbright đề xuất.

Yếu tố tài chính

Theo đó, một đặc điểm của doanh nghiệp công nghệ trừ doanh nghiệp khai thác đã thành công ngay từ đầu quy mô lớn thì đặc điểm của doanh nghiệp công nghệ, startup đó là lỗ triền miên trong thời gian dài.

"Chỉ khi nào anh chứng minh được công nghệ của anh thì anh mới bắt đầu có lãi. Thì như vậy làm sao nguồn lực của nhà nước có thể đầu tư một quỹ để đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ mà trong thời gian dài là lỗ, chỉ có tính đặc thù của những quỹ chấp nhận đầu tư mạo hiểm", ông Thành phân tích.

Chuyên gia Fulbright hiến kế giải quyết thực trạng startup Việt dù có ý tưởng nhưng mãi không lớn lên được - Ảnh 2.

Như vậy chính sách tài chính được tiến sĩ Thành gợi ý là xu hướng cởi mở, thông thoáng, quỹ của khu vực tư nhân, của nhân dân và những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí trong nước hay ngoài nước. Và chính sách đối với thị trường tài chính chúng ta cần có một mức độ tự do hóa để hoạt động mua bán, sáp nhập để các quỹ đấy họ có thể hoạt động.

"Một trong những cái chúng ta thấy là tại sao doanh nghiệp Việt Nam cũng có ý tưởng nhưng không lớn lên được một phần là anh không nhận được tài trợ. Anh không chịu được khả năng trong giai đoạn đầu là đốt tiền để giành được thị phần, chứng tỏ công nghệ", chuyên gia này phân tích thực trạng startup Việt Nam hiện nay. Do đó về mặt tài chính làm sao để có được các quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân và họ có thể sẵn sàng cấp vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bối cảnh cạnh tranh

Nhìn vào mô hình có thể thấy các doanh nghiệp công nghệ gồm 2 nhóm: Một là các doanh doanh nghiệp công nghệ mang tính startup, đi lên từ nhỏ bé. Thứ 2 là các doanh nghiệp lớn hoặc thành công trong lĩnh vực khác bây giờ chuyển sang công nghệ. Do đó hệ thống chính sách của nhà nước phải dành cho cả 2 nhóm này.

"Những nhóm startup có quy mô nhỏ, rủi ro cao thì chính sách khuyên khích theo tôi là nhà nước không trực tiếp đầu tư nguồn lực mà khuyến khích bằng chính sách thuế. Ví dụ đầu tư cho R&D được ưu đãi thuế, sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, lương cao nhưng thuế thu nhập cá nhân tính cạnh tranh cao", ông Thành gợi ý.

Tuy nhiên vị này cũng cho rằng hiện nay các doanh nghiệp để hưởng ưu đãi rất khó khăn trong khi chính sách thuế lại hiệu quả với các doanh nghiệp FDI. Ông Thành đặt câu hỏi mở " Tại sao thu hút được doanh nghiệp nước ngoài tại sao chúng ta không thể ưu đãi thuế thông minh để phát triển được các doanh nghiệp Việt Nam".

Thể chế hỗ trợ

Yếu tố khung pháp lý

Tiến sĩ Thành cho biết hiện nay một doanh nghiệp công nghệ sẽ sản sinh ra mô hình kinh doanh mới. Theo đó cách của chúng ta là đưa ra một khung pháp lý cố gắng gán những doanh nghiệp mới này vào mô hình kinh doanh cũ là chưa phù hợp. Chuyên gia này cho rằng nên coi các doanh nghiệp này là một hoạt động kinh tế mới và nhà nước nên xây dựng một khung pháp lý mới để quy định cho loại hình mới này thay vì ghép nó vào mô hình kinh doanh cũ của một nền kinh tế cũ.  

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM