Cứ thâm niên lâu năm là nghiễm nhiên được trải thảm đỏ? Bạn nhầm rồi, xu hướng đã thay đổi, chuyên gia nhân sự sẽ tiết lộ tiêu chí tuyển dụng cấp cao mà các doanh nghiệp đang săn đón!

22/07/2019 08:30 AM | Kinh doanh

Các nhân viên trong ngành lâu năm thì kinh nghiệm vẫn là một điểm cộng đắt giá, nhưng việc họ có nắm bắt và thích nghi với công nghệ hay không nằm ở tư duy linh hoạt và luôn thúc đẩy bản thân học hỏi.

Làn sóng công nghệ 4.0 đang làm biến chuyển thị trường, tiêu chí chọn mặt gửi vàng đối với nguồn nhân lực cấp cao của các công ty vì thế cũng thay đổi. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn bà Hoàng Thị Thái Hà – Giám đốc bộ phận tuyển dụng nhân sự cao cấp Talentnet - công ty tư vấn nhân sự hàng đầu Việt Nam về vấn đề này.

* Chào bà Thái Hà. So với những năm trước được đánh giá không quá nhộn nhịp, bà đánh giá thị trường tuyển dụng của Việt Nam 2019 đến thời điểm này có gì đáng chú ý?

Bà Hoàng Thị Thái Hà: Tình hình tuyển dụng trong vòng 1 năm trở lại đây có dấu hiệu tích cực hơn so với các năm trước, do các doanh nghiệp đang dần "lấy lại phong độ" sau một thời gian điều chỉnh lại mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng dần đi theo một hướng khác do ít nhiều chịu tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, tăng mạnh nhất ở nhóm ngành Sản xuất, Công nghệ, Công nghiệp nặng, đặc biệt là những ngành mới nổi như Công nghệ tài chính (Fintech) và Thương mại điện tử (E-commerce).

Một tín hiệu đáng mừng là các ngành sản xuất vốn được xem là "truyền thống" về Nông – Ngư nghiệp như Thức ăn chăn nuôi, Thuốc thú y,… đang trong giai đoạn trở mình khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang dần tái định vị trở nên hiện đại hơn, khoa học hơn và sáng tạo hơn.

FMCG - ngành hàng tiêu dùng nhanh trước giờ vẫn luôn là ngành có biến động liên tục về nhân sự nên nhu cầu tuyển dụng ở các Doanh nghiệp vẫn ở mức khá cao. Vị trí "hot" rơi vào nhóm quản lý cấp trung (Mid-manager) thuộc khối bán hàng.

* Rõ ràng là công nghệ đang có ảnh hưởng nhất định đến tiêu chí tuyển chọn nhân viên?

Chắc chắn rồi. Có nhiều ngành nghề, mô hình mới xuất hiện, đòi hỏi ở nhân viên nhiều kĩ năng khác nhau, từ phần cứng lẫn phần mềm. Với quan sát của Talentnet, các vị trí liên tục được "săn đón" bao gồm: Chuyên viên Phân tích kinh doanh, Chuyên viên Phân tích dữ liệu, Chuyên viên Khoa học dữ liệu, Kiến ​​trúc sư giải pháp và Chuyên viên chuyển đổi vận hành doanh nghiệp (Business Analyst, Data Analyst, Data Scientist, Solution Architect and Business Transformation).

Điều này cho thấy làn sóng ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp đang ngày càng mạnh mẽ và đồng nhất. Do đó, sự hiểu biết của ứng viên về việc ứng dụng công nghệ (Technology know-how) sẽ là lợi thế rất lớn giúp ứng viên ghi điểm. Các ứng viên vốn "ngoại đạo" với công nghệ cần có những hiểu biết nhất định về cách thức vận hành để tạo lợi thế cạnh tranh cho mình.

Cần lưu ý, với sự thay đổi mô hình kinh doanh quá nhanh và liên tục hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng cởi mở hơn đối với những ứng viên có năng lực, có tố chất và tiềm năng khi tuyển dụng, không còn chăm chăm vào kinh nghiệm như trước kia.

Trong chuyến thực nghiệm tham quan Talentnet Business Innovation Showcase 2019 (TBIS) tại Singapore, khi các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ và giao lưu với Google, bản thân tôi rất ấn tượng với tư duy tuyển dụng hiện đại của họ: "Vì sao chúng ta muốn tuyển dụng người để thực hiện cách làm mới, nhưng lại tuyển người dựa vào kinh nghiệm cũ? Cái chúng ta cần là sự tư duy, tính nhạy bén và linh hoạt để họ có thể học tập nhanh nhất và tạo ra những sáng tạo và đổi mới cần thiết."

Cứ thâm niên lâu năm là nghiễm nhiên được trải thảm đỏ? Bạn nhầm rồi, xu hướng đã thay đổi, chuyên gia nhân sự sẽ tiết lộ tiêu chí tuyển dụng cấp cao mà các doanh nghiệp đang săn đón! - Ảnh 1.

Doanh nghiệp đang cởi mở hơn đối với những ứng viên có năng lực, có tố chất và tiềm năng khi tuyển dụng, không còn chăm chăm vào kinh nghiệm như trước kia.


* Vậy những ứng viên lớn tuổi có bất lợi hơn vì họ khó thích nghi với công nghệ không, thưa bà?

Tôi không nghĩ vậy. Theo tôi các nhân viên trong ngành lâu năm thì kinh nghiệm vẫn là một điểm cộng đắt giá, với những ưu thế hiểu biết nhất định về sự thay đổi của ngành và thị trường, cũng như "bắt mạch" tâm lý người dùng…. Việc họ có nắm bắt và thích nghi với công nghệ hay không nằm ở tư duy linh hoạt và luôn thúc đẩy bản thân học hỏi.

Nói như vậy không có nghĩa các bạn trẻ mặc nhiên là người nắm bắt được công nghệ tốt hơn. Họ có thể sử dụng công nghệ nhiều hơn nhưng việc ứng dụng công nghệ để tạo nên các giải pháp và tạo nên ảnh hưởng thì còn cần một quá trình học hỏi và áp dụng.

* Bà có lời khuyên nào cho các nhân tài trong thời đại công nghệ 4.0 này?

Giữa thời điểm mà AI, Machine Learning, IoT và Automation (Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Mạng lưới vạn vật kết nối Internet và tự động hóa) đang dần thay thế con người thì EQ (trí thông minh cảm xúc) và thái độ chính là chìa khóa tạo ra sự khác biệt giữa các cá nhân với nhau.

Như tôi đã nói ở trên, cho dù bạn là thế hệ X, Y hay Z, thì bên cạnh những kiến thức chuyên môn, cũng nên để ý và nâng cấp những yếu tố sau:

- Resilient: Sự kiên tâm trong theo đuổi và hoàn thành mục tiêu đặt ra.

- Agility: Sự nhanh nhẹn và linh hoạt.

- Adaptability: khả năng thích nghi tốt với những thay đổi.

- Creativity: tính sáng tạo không ngừng trong công việc.

Hiện nay, xã hội và nền kinh tế đang thay đổi quá nhanh, nên các doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự vừa vững chuyên môn nhưng lại có tính thích nghi, xoay chuyển nhanh để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của doanh nghiệp. Cần nhất là luôn giữ một tinh thần chủ động "vá lỗi và nâng cấp" vì những cái mình đã biết và đã học có thể không còn phù hợp với bối cảnh công nghệ hiện tại.

Khi thế giới biến chuyển nhanh, sự thay đổi có khi chẳng còn tính bằng 10 năm mà chỉ 5 năm, 1 năm là đã đổi khác rất nhiều, nên việc chủ động học hỏi, sáng tạo trong từng công việc, mạnh dạn gạt cái cũ để học thêm nhiều điều mới cũng là một cách nâng cấp định vị của mình.

* Cám ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Tài Nhân

Cùng chuyên mục
XEM