Chuyện đồng đô la Mỹ tăng cao đột biến so với tiền Việt cũng không có gì quá tiêu cực nếu nhìn vào những phân tích dưới đây

29/11/2016 09:22 AM | Kinh tế vĩ mô

Có 2 yếu tố làm tỷ giá tăng mạnh, đó là lực cầu ngoại tệ và do đồng USD tăng giá. Yếu tố lực cầu sẽ sớm tiêu tan, còn sự tăng giá của USD sẽ chưa thể tan biến. Tuy nhiên đây lại là tin vui với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp xuất khẩu

Trước hết, chúng ta phải cùng nhìn nhận rằng lý do tỷ giá USD/VND đã tăng cao kỷ lục thời gian qua là từ hai yếu tố chính.

Yếu tố thứ nhất và cũng tác động mạnh mẽ nhất, chính là do giá trị nội tại của đồng USD đang ngày càng tăng lên sau khi ông Donald Trump thắng cử, cùng với những dự đoán rằng FED sẽ tăng lãi suất vào cuộc họp ngày 14/12 tới. Yếu tố thứ hai chính là do nhu cầu ngoại tệ của các công ty trong nước đã tăng lên nhằm mục thanh toán cho các nhà xuất khẩu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, cho dù là do yếu tố nào thì có lẽ chúng ta cũng không nên quá lo lắng đến mức nghĩ xem cần giữ USD hay giữ VNĐ vào lúc này.

Bởi lẽ, với những phân tích sau đây, có thể thấy lực cầu ngoại tệ sẽ sớm tiêu tan, qua đó làm giảm tác động tăng tỷ giá. Hơn nữa, trong một chừng mực nào đó, việc đồng USD tăng phá và phá đỉnh 14 năm có thể lại là một tin tốt với ngân quỹ quốc gia và với các nhà xuất khẩu trong nước.

1. Lực cầu ngoại tệ là yếu tố mùa vụ sẽ sớm đi qua bởi 3 yếu tố: Thông tư cho vay ngoại tệ, dòng kiều hối dồi dào và hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước

Các tháng cuối năm luôn là thời điểm mà nhu cầu ngoại tệ của nhà nhập khẩu trong nước tăng cao. Ngoại tệ này đa phần được dùng để thanh toán cho những món hàng mà các công ty này đã nhập trong năm.

Năm nay, tình hình xuất nhập khẩu cũng trở nên căng thẳng khiến người ta dự báo rằng cầu ngoại tệ cuối năm sẽ tăng mạnh. Cụ thể, theo Tổng cục thống kê, sau 9 tháng xuất siêu từ đầu năm, xuất nhập khẩu nước ta đã lần đầu nhập siêu vào tháng 10.

Thế nhưng, nếu nhìn nhận kỹ hơn, lực cầu ngoại tệ này chỉ là một yếu tố mùa vụ. Hầu như vào mọi cuối năm, chuyện các nhà nhập khẩu đổ đi vay ngoại tệ tại các ngân hàng cũng xảy ra.

Với năm nay, một điều thuận lợi với các doanh nghiệp vay USD là việc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 31/2016/TT-NHNN nhằm kéo dài thời hạn của những đối tượng được vay ngoại tệ thêm một năm đến ngày 31-12-2017. Vì thế, khác với mọi năm, các doanh nghiệp này năm nay có thể “thong thả” mà đi vay mà không sợ bị vội, nhờ đó phía cầu ngoại tệ cũng giảm bớt áp lực.

Không chỉ có thế, do nhu cầu gửi tiền về cho thân nhân gia đình ăn Tết của người Việt tại nước ngoài, mùa cuối năm cũng là thời điểm mà dòng kiều hối dồi dào chảy về Việt Nam. Chính nguồn lực phía cung này đã đối trọng lại nguồn cầu ngoại tệ tăng lên.

Tháng 10, con số nhập siêu là 445 triệu USD. Trong khi đó, vào một tháng cuối năm, lượng kiều hối chảy về Việt Nam có thể lên tới hàng tỉ USD (năm ngoái chỉ riêng 4 tháng cuối năm đã có gần 10 tỷ USD kiều hối chảy về, trung bình 1 tháng là hơn 2 tỷ USD kiều hổi).

Vì thế, có thể nói, cho đến cuối năm, tình trạng nhập siêu này sẽ khó lòng ảnh hưởng đến tỷ giá.

Cuối cùng, kể cả trong kịch bản xấu nhất là cầu ngoại tệ tăng lên đột biến thì có lẽ một thị trường giao dịch ngoại hối bình ổn sẽ còn đó do Ngân hàng Nhà nước vẫn đang giữ nguyên giá mua vào ngoại tệ của mình từ 12 tháng nay.

Kể từ thời điểm này năm ngoái, giá mua của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà Nước vẫn đang ở mức 22.300 VNĐ ăn 1 USD và giá bán được yết kịch trần ở mức 22.775 đồng ăn 1 USD. Nguồn tin đáng tin cậy từ Ngân hàng Nhà nước cho hay rằng nếu các ngân hàng, doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ tăng cao, định chế này sẽ sẵn sàng bán ra để đáp ứng nhu cầu và để can thiệp vào thị trường. Giá bán theo dự đoán của các chuyên gia, sẽ chỉ xoay quanh mức giá trần mà không bị tăng cao hơn nữa.

2. Không cần phải lo đồng USD tăng lên vì đó là tin vui với nhiều người

Yếu tố tác động lớn nhất làm tỷ giá tăng chính là do đồng USD đã tăng mạnh sau khi ông Donald Trump, người ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ nước Mỹ, đã thắng cử vào ngày 9/11 vừa qua. Thế nhưng trong một chừng mực nào đó, đây là là tin rất vui với không chỉ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam mà còn cả với Bộ Tài chính.

Đồng USD tăng giá đã khiến cho một loạt các đồng tiền khác giảm giá, trong đó có thể kể đến đồng yên Nhật và đồng Euro. Kể từ ngày ông Donald Trump đắc cử, tính đến hết ngày giao dịch tuần trước, đồng yên Nhật đã trượt giá gần 11%, đồng Euro đã trượt giá 6,35% so với USD.

Thú vị thay, nợ nước ngoài của chính phủ Việt Nam bằng 2 đồng tiền này lại chiếm đến gần 50% (còn lại là nợ bằng USD và nợ bằng SDR – quyền rút vốn đặc biệt của IMF – khoản nợ hầu như không bị tác động bởi rủi ro tỷ giá).

Như vậy bây giờ, các đồng tiền này cứ mất giá càng nhiều, nợ nước ngoài tính theo giá trị tiền đồng sẽ càng thấp. Điều này có nghĩa là quy ra đồng, các khoản nợ này sẽ càng ít đi và Bộ tài chính có lẽ sẽ cần ăn mừng.

Chưa dừng lại ở đó, việc đồng USD tăng còn là một tin tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Cần nhớ rằng, với câu chuyện xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài, 90% kim ngạch vẫn được thanh toán bằng USD và chỉ 10% kim ngạch là được thanh toán bằng ngoại tệ khác. Vì thế, khi đồng USD tăng giá, các doanh nghiệp xuất khẩu này chẳng khác nào “chuột sa chĩnh gạo”.

Cuối cùng, đây phần nào cũng là tin vui với các doanh nghiệp nhập khẩu. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước nhập hàng vào Việt Nam nhiều nhất. Trong cơn sốt tăng giá của USD, các đồng tiền của các quốc gia này đều bị giảm giá mạnh, qua đó khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu của Viêt Nam được mua hàng với giá rẻ hơn hẳn bình thường.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM