Chuyện đời của ông lão 30 năm đạp xe ba gác nuôi con thành tài ở Sài Gòn

30/12/2016 10:14 AM | Sống

30 năm rong ruổi khắp các con phố Sài Gòn trên "con ngựa" sắt 3 bánh nặng nề, ông Nam vẫn không có ý định bỏ nghề đạp xe ba gác. Ông cười khà khà nói: "Làm gì cũng cần phải yêu nghề. Có yêu mới trụ lại được. Tôi yêu nghề này lắm!".

Hình ảnh ông lão tóc trắng quá vai, nhẫn nại đạp xe ba gác chở đầy triết lý nhân sinh đi khắp các con phố Sài Gòn, trở thành đề tài sáng tác cho các nhiếp ảnh thời gian qua. Ngoài những khoảnh khắc nghệ thuật về ông, ít ai biết "dị nhân" này sống như thế nào.

Cơ duyên đưa đẩy chúng tôi gặp đúng người quen biết ông lão. Họ nói: "Ở khu quận 3 này, không ai là không biết ông Nam đạp xe ba gác. Ông ta tuy nghèo nhưng sống trọng tình lắm. Hôm trước, có một chị ve chai xin ông đi quá giang. Ông chở chị đến nơi nhưng không lấy tiền. Người lao động chúng tôi tình nghĩa như thế đó!".


Hình ảnh ông Nam đạp xe ba gác từng xuất hiện trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội

Hình ảnh ông Nam đạp xe ba gác từng xuất hiện trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội

30 năm đạp xe ba gác nuôi con thành tài

Ông Nam đạp xe ba gác tên đầy đủ là Dương Trường Thọ Nam. Ông sinh năm 1954. Bố mẹ ông là người Bắc di cư vào Nam. Ông chào đời ở Đà Nẵng nhưng lớn lên và sinh sống tại Sài Gòn. Nhà ông Nam nằm trên mảnh đất vàng của quận 3, TP.HCM. Đó là một ngôi nhà nhỏ nhưng khá kiên cố.

Sinh trưởng trong gia đình có học thức, ông Nam sớm có cơ hội tiếp xúc với thơ ca, nhạc họa. Khi còn đi học, ông Nam luôn đứng đầu lớp. Ông thấy tiếc vì mình chỉ học đến lớp 10. Thời trẻ, ông Nam làm nghề thợ máy rồi chuyển sang mưu sinh bằng nghề đạp xe ba gác. Khi gặp chúng tôi, người đàn ông này đã làm bạn với chiếc xe nặng nề toàn sắt ngót nghét 30 năm. Nó đúng bằng tuổi của cậu con trai út - Dương Hành Thiện.


Ông đạp xe ba gác nuôi 3 con ăn học thành tài

Ông đạp xe ba gác nuôi 3 con ăn học thành tài

Trong một tấm bảng gắn trên xe ba gác, ông Nam có đề: "Bao nhiêu năm rồi làm mãi không dư. Loay hoay tính toán cho đời mỏi mệt". Và câu nói đó đã ứng vào cuộc đời ông. 30 năm còng lưng đạp xe trên phố, ông Nam không mua nổi một căn nhà. Tổ ấm hiện tại của ông và tài sản được bố mẹ để lại.

Ông nói: "Mỗi ngày tôi đạp xe ba gác được 300 - 400.000 đồng. 30 năm đạp xe ba gác không nghỉ ngày nào thì tại sao lại không dư? Nói thật là có dư nhưng cái dư này là không đáng kể. Nếu có thì nó dồn hết vào 3 đứa con rồi".

Ba đứa con ông Nam đã trưởng thành và có gia đình riêng. Cô con gái đầu tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế TP.HCM và đang định cư tại Phần Lan, cô con gái kề là giáo viên mầm non, cậu con út tốt nghiệp trường ĐH Viễn Thông và đang làm việc cho một công ty về mạng lớn nhất cả nước.

Căn nhà vỏn vẹn 30 m2 mà vợ chồng ông Nam đang sống chật cứng vì phải chứa 3 chiếc xe máy còn mới toanh. Bà Thùy An, vợ ông Nam tâm sự: "Đây là ba chiếc xe máy chồng tôi mua cho các con. Mỗi đứa một chiếc. Ổng đạp xe ba gác được bao nhiêu tiền thì dành dụm trả góp chiếc xe. Bây giờ tụi nó không dùng đến nữa nhưng ông nhất quyết không bán. Ông nói cứ để đó, khi nào con về có xe cho nó đi".


Lối sống tử tế của ông Nam là tấm gương để các con soi mình vào

Lối sống tử tế của ông Nam là tấm gương để các con soi mình vào

Năm tháng vất vả lùi xa, người cha già nua này chưa một ngày cảm thấy hối tiếc. Nếu được quay ngược thời gian, ông vẫn sẽ lựa chọn trở thành trụ cột chèo lái kinh tế gia đình qua những ngày khoai sắn trộn cơm.

"Con cái có bảo tôi bây giờ bố già rồi, ở nhà cho tụi con nuôi. Nhưng tôi nói: bố đi làm từ nào giờ bố quen rồi giờ ở nhà buồn lắm. Tôi cũng không muốn nhờ vả con cái. Chúng nó còn lo cho chồng con. Chừng nào mình làm không nổi thì mới nhờ", ông Nam suy nghĩ cho con.

Con người hào sảng và tấm lòng hướng thiện

Ông Nam già hơn tuổi thật của mình. Người ông gầy và nổi đầy cơ do lao động nặng nhọc trong nhiều năm. Từng lớp da mặt xô nhau mỗi khi ông nhoẻn miệng cười. Ông Nam có đôi mắt nâu đục thường thấy ở những người nghiện thuốc lá. Tóc ông trắng phau, dài quá vai.

Khi đạp xe ba gác, ông thường cởi trần dù đang trưa nắng gắt. Đây cũng là điểm đặc biệt ở người đàn ông nghèo nhưng đầy khí chất này.

"Khi tôi cởi trần đạp xe, có rất nhiều gọi tôi lại cho áo nhưng tôi không nhận. Mặc áo nóng lắm!", ông Nam bật cười khà khà sau câu trả lời thiệt tình.


Nét nghệ sĩ tạo nên sự khác biệt trong phong cách của ông Nam so với những người lao động tay chân khác

Nét nghệ sĩ tạo nên sự khác biệt trong phong cách của ông Nam so với những người lao động tay chân khác

30 năm đạp xe rèn cho ông Nam một thể lực tốt. Với ông, được làm việc mỗi ngày là một niềm hạnh phúc và cơ hội để giữ gìn sức khỏe. Ông Nam tự tin nghĩ rằng thể lực của ông hiện tại còn tốt hơn cả những thanh niên quá phụ thuộc vào các phương tiện giao thông hiện đại.

"Nếu cho tôi nghỉ một năm hai năm, chắc chắn sức khỏe của tôi sẽ xuống. Như quả bong bóng, mình bơm mỗi ngày một chút thì nó căng tròn, mình không bơm đều thì nó xuống hơi, nó mềm. Sức khỏe cũng giống như vậy", ông Nam đúc kết.

Ông Nam đắt hàng chạy xe ba gác vì không kén chọn khách. Ai thuê chở gì, đi gần hay đi xa ông cũng vui vẻ nhận lời. Chỗ xa nhất ông từng đạp xe chở hàng là 15 km. Ông đi hết quãng đường đó trong vòng 2 tiếng.


Theo ông qua năm tháng là những suy tư về cuộc đời

Theo ông qua năm tháng là những suy tư về cuộc đời

Tuy không sinh ra ở Sài Gòn nhưng những thăng trầm của đời ông đều được Sài Gòn chứng kiến và thấu hiểu. Ở mảnh đất bao dung này, ông có tất cả: tổ ấm, vợ đảm, con ngoan và một công việc dẫu vất vả nhưng lương thiện.

Bao nhiêu điều đó đủ khiến ông Nam rưng rưng khi nói về nơi đang sống: "Người Sài Gòn tốt lắm. Họ theo đạo Phật khá nhiều nên luôn sống hướng thiện, thương người và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Có những người lạ khi gặp tôi họ niềm nở hỏi: Sáng giờ đạp có được hông? Có khá hông? Điều đó khiến những người lao động như tôi thấy ấm lòng lắm!".

Cuộc sống khó khăn không dập tắt hồn nghệ sĩ trong người đàn ông làm nghề lao động tay chân. Những câu thơ ông Nam viết trên tấm bảng treo ở xe ba gác đều phần lớn thơ, nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tố Hữu có khi là văn của Nguyên Hồng. Những câu về triết lý sống, đạo làm người, ông Nam chép ra từ giáo lý nhà Phật.


Theo ông qua năm tháng là những suy tư về cuộc đời

Theo ông qua năm tháng là những suy tư về cuộc đời

"Con người tôi rất là mê văn chương. Tôi có năng khiếu từ ngày còn đi học. Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ số một trong tôi. Câu nào mà hay là tôi để hoài à. Có câu tôi để đến một năm vì quá tâm đắc. Tôi thường dùng bút lông dầu để viết lên tấm bảng những suy tư về cuộc sống. Có những buổi sáng, tôi dành đến 1 tiếng để ngồi viết. Bà xã biết tôi mê văn chương nên rất ủng hộ, tôn trọng sở thích của tôi", ông Nam nói.

Ông có một mong ước thật cao đẹp: "Tôi ước sao có người nào đó đang mang tâm ác, định làm điều xấu xa đọc được thì suy nghĩ và thay tâm chuyển ý. Tôi muốn những người trẻ tuổi hiểu thêm về lẽ sống, ý nghĩa kiếp nhân sinh. Cũng như tôi, tôi trăn trở hàng ngày về những điều đó...".


Suy tư trong phút nghỉ ngơi

Suy tư trong phút nghỉ ngơi

Bà Đinh Thị Thùy An (sinh năm 1958) kết hôn với ông Nam theo sự sắp đặt của gia đình. Cuộc hôn nhân kéo dài 40 năm của họ chứa đựng biết bao cảm xúc mà những lớp người trẻ khó có cơ hội hiểu được.

Bao năm qua, bà An cảm thấy tự hào vì sự mẫu mực và lối sống đạo đức của chồng đã trở thành tấm gương sáng cho các con soi mình vào. Ông Nam có cách giáo dục con đặc biệt. Ông chưa một lần cầm roi đánh con nhưng chúng tuyệt đối nghe lời ông. Thuở nhỏ, các con chăm học hiếu thảo, lớn lên, họ trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Những hình ảnh khác về cuộc sống thường nhật của ông Nam - người đạp xe ba gác chất ngất ở Sài Gòn.

Theo Lê Ái - Hoàng Việt

Cùng chuyên mục
XEM