Chuyện doanh nghiệp ôtô Nhật “làm mình, làm mẩy”: Làm không hiệu quả, sao còn đòi thêm ưu đãi?

05/03/2017 20:03 PM | Kinh doanh

Dù đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam, nhưng các chuyên gia kinh tế trong nước vẫn thẳng thắn nhìn nhận việc đòi hỏi ưu đãi đối với ngành công nghiệp ôtô cho doanh nghiệp Nhật là không hợp lý.

Trong một diễn đàn hợp tác Việt – Nhật mới đây, câu chuyện của ngành công nghiệp ôtô được mang ra mổ xẻ. Phía doanh nghiệp Nhật thì kiến nghị cần thêm ưu đãi để “ở lại”, phía Việt Nam thì chỉ ra rằng rốt cuộc chỉ là “lắp ráp”, là “không hiệu quả” thì ưu đãi có cần hay không?

TS. Võ Trí Thành , chuyên gia kinh tế đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn hỏi “ngành ôtô là tiêu biểu cho việc hợp tác không thành công của hai nước. Ưu đãi nhưng bất thành, Việt Nam có cần làm ôtô nữa hay không?”.

Theo đó, vị chuyên gia này chỉ ra công nghiệp Việt – Nhật đã rất thành công trong công nghiệp xe máy và đến nay, có thể không ai thay thế được thương hiệu xe máy Nhật liên doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với ôtô là một sự thất bại.

Nguyên nhân thất bại, ông Thành cho rằng đó là bởi chính sách sai lầm ngay từ khi mới ra đời.

“Nhật Bản không coi thị trường Việt Nam là trọng tâm, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hạn chế”, ông nói.

Trên thực tế, ngành công nghiệp ôtô muốn phát triển, cho dù chính sách tốt đến đâu cũng cần phải có nền tảng, đầu tiên là quy mô, sau đó là chuyển giao công nghệ.

“Từ giữa thâp kỷ 90, khi định phát triển ngành ô tô nhưng chính sách sai lầm dẫn đến chúng tôi phải trả giá. Qua nhiều năm như vậy, các liên doanh vẫn muốn chúng tôi ưu đãi, vì vậy vấn đề là ngành này ở Việt Nam có phải do chính sách hay không? Nếu tiếp tục phát triển công nghiệp ôtô như hiện nay, ưu đãi thêm chính sách có phải quá muộn hay không?", ông Thành nói thêm.

Một chuyên gia khác của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan nêu rõ thực trạng của ngành. Theo đó, các dòng ôtô trên thế giới đang thay đổi rất nhanh, tuy nhiên, trong nước vẫn là chủng loại xe cũ, thế hệ cũ.

“Vì vậy, tiếp tục ưu đãi thì 15 – 20 năm nữa thì các loại xe này có còn phù hợp không? Nếu xuất thì xuất đi đâu? Các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đã và sẽ làm gì trước sự thay đổi chóng mặt này. Nếu liên doanh như hiện nay, chúng tôi có nên tiếp tục các chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp phát triển ôtô hay không?”, chuyên gia Chi Lan đặt câu hỏi.

Hơn nữa, vị chuyên gia này cũng cho rằng các doanh nghiệp Nhật ngay từ đầu đã chọn Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc, do đó, việc “rải thảm chính sách” để thu hút đầu tư có còn cần nữa không.

Nhắc lại câu chuyện 2 năm trước khi Toyota ra điều kiện 2 tỷ USD để ở lại Việt Nam, bà Chi Lan cho biết đã chất vấn liệu đó có phải là cái giá quá đắt cho doanh nghiệp này hay không khi sản xuất cơ bản của họ vẫn chỉ là lắp ráp, chứ không phải là sản phẩm được chế tạo tại Việt Nam thực thụ, không chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội địa.

“Tôi tự hỏi, nếu như ưu đãi 2 tỷ USD cho Toyota thì sao lại không có 1 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam để họ sản xuất được linh phụ kiện, tham gia chuỗi giá trị hoặc cho doanh nghiệp ôtô khác phát triển. Sao lại hỗ trợ khi các doanh nghiệp liên doanh mang phụ kiện của Thái Lan, Malaysia sang lắp ở Việt Nam", bà Lan nói.

"Sai lầm của ngành ôtô Việt Nam từ đầu là chiến lược, sau đó là cách thức thực hiện ưu đãi. Việt Nam chỉ thích cái bề ngoài là xe "made in Vietnam" trong khi chỉ có lắp ráp chứ không có gì hơn", chuyên gia Phạm Chi Lan nói tiếp.

Đại diện phía Nhật Bản, GS Fukunari Kimura, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á của Nhật Bản “phân bua” rằng công nghiệp ôtô rất rủi ro và chi phí lớn do đó các hãng đều phải tuân thủ theo quy luật thị trường.

Như vậy, ngành công nghiệp ôtô có sự tích tụ lớn về quy mô và công nghệ, kỹ thuật, vì vậy nên cần thời gian và cần có chính sách đặc thù để các doanh nghiệp Nhật Bản tự tin khi ở Việt Nam

"Chúng tôi khuyến nghị nếu Việt Nam kiên trì theo đuổi xây dựng ngành ôtô, hãy nên có những chính sách phù hợp với thị trường và tạo dư địa cho các doanh nghiệp ôtô trong nước và cả nước ngoài. Việt Nam cần có ưu đãi cụ thể, đặc thù cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô, trong đó đặc biệt là doanh nghiệp làm phụ trợ", ông Kimura nói.

Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM