Chuyện dạy con của các đại gia, doanh nhân Việt: Bài học cực hay ai ai cũng có thể áp dụng

26/02/2018 19:51 PM | Sống

Không phải ngẫu nhiên mà cố triệu phú Việt kiều Alan Phan ví chuyện dạy con còn khó hơn gấp chục lần việc điều hành một doanh nghiệp. Hãy xem những người thành công, giàu có và sở hữu cuộc sống thượng lưu bảo ban những thế hệ kế tiếp của mình thế nào nhé!

 Ông chủ Digiworld Đoàn Hồng Việt: Dạy con về tiền bạc từ nhỏ 

Trong một bài phỏng vấn gần đây trên báo Trí thức trẻ, doanh nhân Đoàn Hồng Việt cho hay, ông dạy con về tiền bạc từ khi chúng 12-13 tuổi để các con hiểu giá trị của đồng tiền, hiểu thế nào là tài sản - tiêu sản. Doanh nhân tuổi Tuất muốn các con không ngộ nhận tài sản của bố mẹ là quyền lực của bản thân bằng cách lấy dẫn chứng những người nổi tiếng, nhưng nổi tiếng về xe đẹp, tiêu xài xa hoa bằng tiền bố mẹ thì sẽ không được mọi người tôn trọng thế nào.

"Tôi bảo con: Nếu những thứ ấy thực sự là của con, do con dùng tiền kiếm được để mua thì mọi người lúc đấy mới tôn trọng con. Còn giờ chỉ là họ hào nhoáng trước đồng tiền do bố mẹ con làm ra" - ông chủ Digiworld nhắc nhở thế hệ kế tiếp của mình.

Chuyện dạy con của các đại gia, doanh nhân Việt: Bài học cực hay ai ai cũng có thể áp dụng - Ảnh 1.

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Digiworld.

Trước câu hỏi về dự định cho con nối nghiệp cha, ông Hồng Việt cho rằng, mỗi người có một cuộc sống riêng và cuộc sống đó, hạnh phúc nhất là khi được làm những gì mình thích.

"Con tôi có thuận lợi hơn thế hệ của tôi - thế hệ không có gì cả nên nghĩ đến chuyện kinh doanh để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Thế hệ con tôi và con những doanh nhân bây giờ sẽ quan tâm nhiều đến Financial Freedom (Tự do tài chính) để có thể theo đuổi ước mơ của mình.

Tôi nghĩ con người hạnh phúc nhất khi được theo đuổi ước mơ của chính họ. Tôi có thể ngồi đọc các báo cáo tài chính của các công ty Việt Nam hay thế giới, hay xem xét và phân tích mô hình kinh doanh của doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia vào mỗi buổi tối – đó tôi cũng coi như việc giải trí. Đấy là sở thích của tôi, nhưng chưa chắc con tôi thích những việc tương tự. Làm sao tôi bắt nó làm?

Được sống một cuộc sống theo đúng ước mơ của mình là điều hạnh phúc nhất".

Bà chủ Hal Group: Bất kể lúc nào, đều phải làm một người hiền lành lương thiện

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống trước khi có được thành công như ngày nay. Năm 23 tuổi, vì biến cố gia đình, bà từ một tiểu thư đài các trở thành người phụ nữ "buôn thúng bán mẹt" để gánh vác kinh tế. Cuộc sống nhiều trải nghiệm đã bồi đắp cho người phụ nữ này cái nhìn sâu sắc, đa chiều về cách sống, cách làm người.

Bà từng dạy con gái: "Nụ cười, ưu nhã, tự tin là của cải tinh thần lớn nhất. Sở hữu chúng, con sẽ sở hữu tất cả".

Chuyện dạy con của các đại gia, doanh nhân Việt: Bài học cực hay ai ai cũng có thể áp dụng - Ảnh 2.

Doanh nhân Lê Hoài Anh được nhiều người ngưỡng mộ về cách sống, cách dạy con.

Bà chủ của Hal Group cũng mong muốn con cái có thể độc lập sinh tồn khi răn: "Con ạ, con nhất định phải học nấu cơm. Việc này không liên quan với chuyện hầu hạ người khác. Khi những người yêu thương con đều không ở bên cạnh, con có thể đối đãi bản thân thật tốt" và không quên nhắc con về sự tự do: "Con ạ, con nhất định phải học lái xe. Việc này không liên quan tới thân phận địa vị. Như thế, vào bất cứ lúc nào, con cũng có thể cất bước đi đến bất cứ nơi nào con muốn, không cầu cạnh bất cứ người nào".

Nhắc tới việc vào đại học, bà Hoài Anh cho rằng, việc này không liên quan tới học lực song bà vẫn mong con nhất định phải vào một trường chính quy qua bởi "trong đời người cần trải qua mấy năm này, cuộc sống không gò bó lại có thể thấm nhuộm thư hương. Một khi đi vào xã hội, là đã đi vào thị trường".

Chuyện dạy con của các đại gia, doanh nhân Việt: Bài học cực hay ai ai cũng có thể áp dụng - Ảnh 3.

Doanh nhân Lê Hoài Anh và con gái.

Dưới đây là một số câu răn dạy con đầy ý nghĩa của bà Hoài Anh:

- Nếu trên đời chỉ sót lại hai bát nước, một bát dùng để uống, một bát phải dùng để rửa sạch gương mặt và quần áo lót của con. Tự tôn không liên quan với giàu nghèo.

- Trời sập xuống cũng đừng khóc lóc, đừng oán trách. Như thế chỉ khiến những người yêu thương con càng đau lòng, những kẻ thù hận con thêm đắc ý. Bình tĩnh chấp nhận số mệnh, những người yêu thương con đương nhiên sẽ quan tâm. 

- Dù ăn cơm trộn nước tương, cũng phải trải khăn ăn sạch sẽ, ngồi với tư thế trang nhã. Sống cuộc sống thô sơ theo cung cách cầu kỳ. Phong độ không liên quan với cảnh ngộ. 

- Nhất định phải có không gian thuộc về mình, dù chỉ hơn chục mét vuông. Nó có thể giúp con khi cãi nhau với người yêu, giận dỗi bỏ đi không đến nỗi lưu lạc đầu phố, đụng phải kẻ xấu. Càng quan trọng hơn là, khi con nông nổi, có một nơi để con bình tĩnh lại, cho lòng mình một góc ở yên.

- Lúc nhỏ phải có kiến thức, lớn lên phải có từng trải, con mới có cuộc đời tinh tế đẹp đẽ! Đọc từng trải của người khác, tìm từng trải của bản thân. 

- Bất kể lúc nào, đều phải làm một người hiền lành lương thiện. Hãy ghi nhớ, lương thiện, sẽ khiến con trở thành người được trời cao chiếu cố nhất. Kiểu chiếu cố này không hẳn là giàu có và quyền thế. Thiện có thiện báo, thứ được báo đáp, là tình yêu thương. 

Cố triệu phú Việt kiều Alan Phan: Dạy con cách tự lập, mạnh mẽ từ nhỏ 

Lúc sinh thời, vào năm 2012, khi chia sẻ với báo Vietnamnet về cách dạy con, ông Alan Phan khiến nhiều người phải suy ngẫm với nhận định: "Khi dạy con, nếu chúng không tự lập mạnh mẽ thì ra thế giới rất khó. Ở Việt Nam, chúng không phải đối phó với nhiều thử thách vì sự bảo bọc, nhưng khi sống ở nước ngoài, chúng sẽ gặp vấn đề. Tôi không phê bình lối dạy con nào. Mỗi gia đình dạy con một lối. Nếu cho con hình thức tự lập và không áp đặt thì tư duy chúng sẽ phóng khoáng hơn, ra thế giới chúng sẽ hòa nhập tốt hơn".

Cố TS Alan Phan cũng chia sẻ: "Khi làm ăn thua cuộc, tôi thường nói 'Mình ngu rồi, làm lại thôi'. Nhưng dạy con thì khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp, và đau đầu hơn nhiều vì không thể làm lại được". Dưới sự chỉ dạy của ông, người con lớn là công tố viên cho tiểu bang Califorlia. Người con thứ hai làm khoa học gia cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Chuyện dạy con của các đại gia, doanh nhân Việt: Bài học cực hay ai ai cũng có thể áp dụng - Ảnh 4.

"Các con tôi đã chọn các nghề mà chúng thích, đó là một điều tôi rất hãnh diện. Dù là các con tôi không làm doanh nhân, không kiếm được nhiều tiền nhưng chúng rất hạnh phúc với sự lựa chọn đó" - Alan Phan.

Theo Alan Phan, các yếu tố môi trường, xã hội, văn hoá, gia đình và bạn bè là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến con cái. Mỗi đứa con có tính khí và sự phát triển nội tại khác nhau. Ông khẳng định, dù làm cha song bản thân không lấy uy quyền để bắt con phải nghe theo và sẵn sàng nhận khi mình sai.

"Con đầu lòng của tôi, từ năm 13 tuổi, mặc dù mức sống gia đình tôi thuộc loại trung lưu ở Mỹ, khá thoải mái về vật chất, nhưng nó vẫn dậy từ 5h sáng giao báo để kiếm tiền thêm.

Năm 14 tuổi nó đi làm nhân công trong siêu thị, quét dọn và bán kem mỗi ngày 2 tiếng sau khi tan học. Tiền kiếm được nó để dành đến năm 16 tuổi, đủ mua một cái xe hơi cũ khoảng hơn 2.000 đô la. Tôi hoàn toàn có thể cho nó số tiền ấy, nhưng đây là tiền riêng của nó nên nó trân trọng yêu quý cái xe ấy vô cùng. Đó là một văn hóa tự lập tốt của Mỹ, rất phổ thông với các thiếu niên mới lớn. Cũng có thể do gia đình khuyến khích tư duy tự lập, luôn tìm câu hỏi cho mình.

Không phải gia đình Việt nào ở Mỹ cũng vậy. Những gia đình quản lý và kiểm soát nhiều quá thì con sống tầm gửi; còn cởi mở thì con cái độc lập hơn. Gia đình giàu ở Việt Nam mà gửi tiền quá nhiều cho con thì chúng chỉ tiêu xài thôi. Rất nhiều đứa hư hỏng, do có tiền" - Alan Phan chia sẻ trong bài phỏng vấn với báo chí cách đây nhiều năm. Những đánh giá của ông từng khiến nhiều phụ huynh giật mình, nhìn lại cách nuôi dạy con cái của bản thân.

Theo Hồng Đăng

Cùng chuyên mục
XEM