Chuyện chưa kể về một thế hệ thành công của ngôi trường bị coi vô danh ở Hà Nội: Xuất phát điểm thấp không quyết định con người ở tương lai!

09/06/2019 10:27 AM | Xã hội

"Trường chúng tớ bé, thua kém nhiều mặt - thậm chí là cả mặt bằng hạnh kiểm đi nữa. Nhưng về tri thức, về trí tuệ... thực sự chúng tớ không ngán bố con thằng nào cả", anh Lê Gia Cường - một học sinh cũ của trường THCS Phương Mai viết lên trang facebook cá nhân.

Suốt cuộc đời một người, chắc chắn ai cũng từng trải qua muôn vàn giấc mơ, có những giấc mơ gắn với thực tế hàng ngày, có những giấc mơ chỉ là ảo mộng, có những giấc mơ hoài niệm về quá khứ và cũng có những giấc mơ tràn đầy khát vọng tương lai. Nhưng có lẽ có một giấc mơ mà ai cũng từng nghĩ đến một lần - giấc mơ trở về tuổi học trò.

Với nhiều người để trở về tuổi học trò chỉ cần là quay trở về mái trường, lang thang những ngóc ngách ngày xưa, tụ tập bạn bè hàn huyên tâm sự là đủ. Thế nhưng, những người học trò xuất thân từ trường THCS Phương Mai không có được may mắn đó, bởi sau 20 năm trời, ngôi trường này sắp phải bị phá bỏ vì cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng.

Những ngày cận thời điểm ngôi trường được phá dỡ, rất nhiều học sinh từng theo học dưới mái trường này đều bày tỏ sự tiếc nuối. Những dòng trạng thái chia sẻ của những người học trò ngày ấy về câu chuyện mái trường Phương Mai được họ chia sẻ, và nhận được sự đồng cảm của không ít người.

Tiếc nuối là điều không thể tránh khỏi, thế nhưng câu chuyện đằng sau mái trường bé nhỏ nhưng tạo nên những người anh hùng mới là điều đáng để kể đến.

 Chuyện chưa kể về một thế hệ thành công của ngôi trường bị coi vô danh ở Hà Nội: Xuất phát điểm thấp không quyết định con người ở tương lai! - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp lớp 9E cùng cô giáo hai mươi năm về trước tại bức tường của trường THCS Phương Mai. Ảnh: Lê Gia Cường.


Kể về ngôi trường mà mình từng theo học, anh Lê Gia Cường viết: "Phương Mai vốn thường biết đến là con phố của Lão Khoa Da Liễu Tâm Thần hay nói tóm lại là "cổng sau bệnh viện Bạch Mai", chứ không phải là qua danh tiếng của trường.

Khiêm tốn cả về cơ sở vật chất - trường có một góc là "ké" trường cấp 1 to đẹp hơn nhiều ở ngay cạnh. Thậm chí, khiêm tốn cả về hạnh kiểm của học sinh".

Anh cũng cho hay dẫu là một lớp học "khiêm tốn về hạnh kiểm" thế nhưng trong bức ảnh đó - chụp ở góc tường sắp không còn của trường THCS Phương Mai nữa - là hơn 10 học sinh chuyên cấp 3, từ Amsterdam cho đến Tổng Hợp và Chuyên Ngữ: "Trong bức ảnh này là rất nhiều học sinh của các trường THPT danh tiếng như Kim Liên, Lê Quý Đôn, Thăng Long, Trần Nhân Tông, Trần Phú.

Trong bức ảnh này có 1 huy chương Olympic quốc tế sinh học, có 1 thủ khoa ở Úc, có 1 "huyền thoại" RMIT với 23/24 môn đạt High Distinction, có 1 học sinh chuyên lý mới vào lớp 11 đã bị Singapore "câu" đi đài thọ từ A đến Z.

Có tác giả của bài báo "Thất nghiệp tuổi 35" từng gây bão mạng xã hội - cũng là business leader tại một tập đoàn truyền thông lớn nhất nhì Việt Nam khi tuổi chưa qua nửa đầu 2X".

 Chuyện chưa kể về một thế hệ thành công của ngôi trường bị coi vô danh ở Hà Nội: Xuất phát điểm thấp không quyết định con người ở tương lai! - Ảnh 2.

Lớp 9E trường THCS Phương Mai 20 năm trước. Ảnh: Truong Nhu Tu My.


Anh Cường cũng chia sẻ thêm rằng, ra thế giới, xuất phát điểm ở Việt Nam thật sự nhỏ bé, xuất phát điểm có thể khiêm tốn, nhưng không cần phải ngán ai cả: "Bài học ấy, chúng tớ học đầu tiên ở trường Phương Mai - mái trường bé tí núp ở bên cạnh trường cấp 1 cùng tên.

Trường chúng tớ bé, thua kém nhiều mặt - thậm chí là cả mặt bằng hạnh kiểm đi nữa. Nhưng về tri thức, về trí tuệ... thực sự chúng tớ không sợ ai cả".

Anh Hà Trung Hiếu, hiện là giám đốc kinh doanh của SohaGame, một học sinh khác của mái trường Phương Mai cũng bồi hồi nhớ lại: "Trường cũ sắp bị dỡ bỏ, ai cũng cảm thấy tiếc nuối như mất mát một thứ gì trong lòng, giống như một ngày tháng 6 gần 20 năm trước, sau kỳ thi tốt nghiệp lớp 9 và nói lời tạm biệt nhau mà chẳng biết có cơ hội nào đừng chung với nhau một dịp đông đủ như thế này.

Xuất phát điểm không làm nên con người, nhưng xuất phát điểm cho chúng ta gặp nhau. Những thành tựu mỗi cá nhân đạt được nếu đem kể hay so sánh thì rất vô nghĩa, thành tựu lớn nhất một con người để lại đôi khi chỉ là cảm xúc hạnh phúc, nhớ mong và yêu thương khi nghĩ về nhau.

Thực ra ngôi trường kia chỉ là cái xác nhà có thể một ngày dỡ bỏ, đập đi, nhưng ngôi trường quan trọng nhất là ngôi trường trong lòng 48 học sinh lớp 9E ngày ấy và các thầy cô giáo từng dạy khoá tôi thì chẳng gì có thể làm mai một. Để 20 năm, 40 năm hay 60 năm nữa chúng tôi nhớ về, sẽ vẫn cười với nhau như ngày 13 14 tuổi".

 Chuyện chưa kể về một thế hệ thành công của ngôi trường bị coi vô danh ở Hà Nội: Xuất phát điểm thấp không quyết định con người ở tương lai! - Ảnh 3.

Lớp 9E trường THCS Phương Mai 20 năm trước. Ảnh: Truong Nhu Tu My.


Tuổi học trò hay những kỷ niệm dưới mái trường luôn là những thứ gì đó rất đặc biệt và luôn khiến trái tim người ta dâng trào cảm xúc mỗi khi nhắc đến. Kỷ niệm về mái trường mãi là khúc nhạc du dương và da diết, và dù dĩ vãng có dày lên, tương lai còn là vô tận, nhưng người ta vẫn luôn mơ về những ngày tháng êm đềm ấy.

Những câu chuyện vui hay buồn, khiến bạn mỉm cười hay bật khóc, rồi lại bâng khuâng, tiếc nuối nhưng mỗi lần khơi lại là mỗi lần bạn đắm chìm trong niềm hạnh phúc trở về tuổi học trò, quên đi bao bộn bề, lo toan của cuộc sống, để thêm tin yêu và quý trọng từng phút giây hiện tại, để mỗi lần thức dậy lại thấy một ngày mai đầy tươi sáng…

Theo Hero

Cùng chuyên mục
XEM