Chụp ảnh cưới, bán đồ ăn ở Nhật: Cơ hội kiếm bộn tiền cho người Việt nhờ phục vụ nhu cầu của chính các đồng hương

21/12/2016 14:55 PM | Kinh doanh

Cơ hội kiếm bộn tiền trên đất Nhật chẳng ở đâu xa, nằm chính trong cộng đồng người Việt ở Nhật hiện có quá nhiều nhu cầu nhưng không đủ nguồn cung.

Kiếm bộn nhờ nghề chụp ảnh cưới cho người Việt ở Nhật

Ngọc Thành đã sống ở Nhật đến năm thứ sáu

Sáu năm trước, khi Thành mới bắt đầu đến Nhật với visa của du học sinh trường tiếng Nhật, cậu chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày trở thành chủ doanh nghiệp. Và đến giờ, chưa lúc nào Thành hối hận về con đường mình đã đi qua.

Khi bắt đầu đi học tiếng tại trường tiếng Nhật, cũng giống như bao nhiêu du học sinh khác, Thành đi làm thêm rất nhiều việc, từ đóng cơm hộp cho đến làm xưởng sách. Sau này khi trình độ tiếng Nhật tốt hơn, Thành đi bán hàng ở các cửa hàng tiện lợi. Rồi Thành cũng thi vào cao đẳng với mong muốn sau này tốt nghiệp ra trường cũng đi kiếm việc làm.

Khi mọi chuyện vẫn diễn ra rất suôn sẻ, Thành vẫn mang suy nghĩ không chắc chắn rằng việc đi học rồi đi làm thuê có phải lựa chọn mong muốn của mình không, liệu có chắc mình sẽ hạnh phúc và hài lòng với nó không.

Thành có đam mê và năng khiếu nhất định với nhiếp ảnh nhờ được thừa hưởng nhờ nghề chính từ gia đình. Sau nhiều lần đi chụp ảnh cho bạn bè nhận được nhiều lời khen, Thành chợt nghĩ "tại sao mình không khởi nghiệp với chính nghề của gia đình". Anh quyết định bỏ học cao đẳng để tập trung cho mơ ước của mình.

Sau quá trình tìm hiểu, Thành quyết định sẽ chuyển visa du học sinh sang visa đầu tư. Vốn yêu cầu tối thiếu của visa dạng này khoảng hơn 1 tỷ đồng, đi kèm với kế hoạch kinh doanh cụ thể được chính phủ Nhật phê duyệt.

Thành bán mảnh đất bố mẹ cho để sau này cưới vợ được 600 triệu đồng. Anh vay thêm của bố mẹ 400 triệu đồng với cam kết sẽ cố gắng không để mất. Thuê part-time một số em sinh viên biết trang điểm và phụ việc chụp ảnh, Thành bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, vừa làm chủ, vừa làm thợ chụp lại vừa kiêm luôn chân quảng cáo, tiếp thị cho studio của riêng mình.

Ban đầu, vì muốn tiết kiệm chi phí nên Thành kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc như vậy. Với mong muốn thu hút thêm khách hàng và hỗ trợ được nhiều nhất cho cộng đồng người Việt ở Nhật, Thành lấy giá dịch vụ rẻ hơn rất nhiều so với các điểm chụp ảnh cưới của Nhật và rẻ hơn gần như gần tất cả các công ty dịch vụ tương tự của người Việt Nam.

Khi bắt đầu sự nghiệp chụp ảnh cưới hồi năm 2013 cho đến hiện tại, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật tuy đông lên rất nhiều nhưng số người làm dịch vụ tương tự như Thành cho đến hiện tại vẫn khá ít. Trong số những du học sinh sang Nhật như Thành, người thực sự hiểu và đam mê với nhiếp ảnh để chuyển sang làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ chụp ảnh cưới của Thành đã phát triển hơn rất nhiều so với khi Thành bắt đầu làm. Hiện Thành quản lý khoảng 3 studio chụp ảnh. Đến mùa cưới, mỗi ngày ít nhất có từ 4 đến 5 đôi bạn trẻ đến chụp ảnh.

Thành cho biết rất nhiều lần, anh phải từ chối bớt đơn hàng vì không thể phục vụ xuể. Lợi nhuận hàng tháng thu về dù không thể so sánh với các doanh nghiệp Nhật nhưng lại cao hơn rất nhiều so với con đường đi làm thuê kiếm tiền, vốn rất áp lực, không chủ động thời gian và nguồn thu nhập thấp hơn rất nhiều.

Nhiều cơ hội phục vụ nhu cầu của đồng hương

Từ năm 2013 đến nay, quy mô của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật đã tăng chóng mặt, từ con số ước khoảng 60 nghìn người vào giữa năm 2013, cho đến cuối năm 2016 đã lên mức khoảng trên 180 nghìn người.

Và phần đông các em du học sinh sang Nhật đi chung theo một con đường: đi học trường tiếng, thi vào cao đẳng, đại học rồi sau đó đi làm. Số người dám đứng ra làm mở doanh nghiệp cửa hàng riêng để cung cấp dịch vụ cho chính cộng đồng người Việt tại Nhật chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó trên thực tế, từ ví dụ của Ngọc Thành, cơ hội cho những người dám cung cấp dịch vụ cho người Việt ở Nhật còn cực kỳ nhiều. Lấy đơn cử như việc mua hàng trực tuyến của người Việt ở Nhật còn rất nhiều bất cập.

Điều kiện địa hình ở Nhật rất khác Việt Nam. Có cực kỳ nhiều nơi làm việc ở những khu vực xa xôi, cực kỳ khó kiếm được cửa hàng bán lẻ phục vụ đầy đủ các nhu cầu gia vị, nước chấm, thực phẩm. Ở những khu vực đó, dịch vụ mua hàng trực tuyến rất bức thiết.

Cùng lúc đó, các đơn vị cung cấp sản phẩm dành cho người Việt như saigonjp, chovietnamjp hay chợ người Việt tại Nhật chỉ chấp nhận thanh toán chuyển khoản hoặc thanh toán tiền mặt trực tiếp. Như vậy có nghĩa là tất cả các hình thức thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế như visa, master hoàn toàn không được chấp nhận trong thanh toán đã trở thành điều quá bình thường với tất cả các dịch vụ bán hàng trực tuyến ở Nhật.

Ngoài ra, hiện còn quá thiếu những điểm bán gia vị, thực phẩm truyền thống Việt Nam dành cho người Việt. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật hiện nằm trong nhóm 5 cộng đồng người nước ngoài lớn nhất.

Thế nhưng cùng lúc đó, khi muốn mua gia vị, đồ ăn truyền thống Việt Nam, người Việt Nam tại Nhật lại phải tìm đến các siêu thị/cửa hàng của người Nhật vốn nhập khẩu gia vị/thực phẩm Đông Nam Á khá lòng vòng qua nhiều khâu với giá rất cao. Địa chỉ khác mà người Việt hay tìm tới chính là các cửa hàng của người Trung Quốc.

Nếu có những người Việt mở được hệ thống cửa hàng do người Việt quản lý bán hàng phục vụ cho người Việt, chắc hẳn nó cũng mang đến lựa chọn nghề nghiệp khác cho chính sinh viên và người Việt tại Nhật, nhờ vậy cũng đỡ phải phụ thuộc quá nhiều vào các ông chủ Nhật để kiếm được việc làm thêm.

Cơ hội kiếm bộn tiền trên đất Nhật chẳng ở đâu xa, nằm chính trong cộng đồng người Việt ở Nhật hiện có quá nhiều nhu cầu nhưng không đủ nguồn cung.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM